Theo Wall Street Journal, hầu hết người trưởng thành ở xứ cờ hoa đã nhận được séc viện trợ lần thứ hai trị giá 600 USD, được phát hành vào khoảng đầu năm nay.
Họ thường sử dụng chúng để thanh toán các khoản chi trong gia đình, bao gồm tiền điện, nước, cước viễn thông, theo dữ liệu gần đây từ Cục Điều tra dân số Mỹ.
Thế hệ Millennials Mỹ có xu hướng tiết kiệm hoặc trả nợ khi nhận khoản viện trợ kinh tế thứ hai từ chính phủ. Ảnh: America's Future. |
Các nhóm tuổi khác nhau sẽ sử dụng tiền cứu trợ theo cách khác nhau. Trong cuộc khảo sát kéo dài từ ngày 6-18/1, khoảng 54% những người trong độ tuổi từ 25-39 cho biết sẽ dùng khoản tiền được cho để trả nợ, còn 26% chọn gửi tiết kiệm.
Trong khi đó, ở gói cứu trợ kinh tế đầu tiên được phân phối vào mùa xuân năm 2020, gần 60% những người nhận séc hoặc dự kiến sẽ nhận cho biết họ dùng số tiền đó để chi tiêu hàng ngày.
Chỉ 13% số người được hỏi dùng để trả nợ, theo kết quả khảo sát tháng 6/2020.
Dùng trợ cấp để trả nợ
Điểm tín dụng tiếp tục được cải thiện trong thời gian qua. Khoản nợ thẻ tín dụng giảm lần đầu tiên sau 8 năm, theo công ty báo cáo tín dụng tiêu dùng đa quốc gia Experian.
Trong đó, số nợ thẻ tín dụng trung bình của giới trẻ giảm tới 11%. Công ty cũng cho biết mọi người giảm sử dụng tín dụng và phạm pháp trong năm 2020.
Ruth Estrella (28 tuổi), người chưa có công việc ổn định kể từ tháng 5/2020, đã đưa 600 USD tiền viện trợ vào thẻ tín dụng có số dư thấp nhất của mình. Bằng cách đó, cô cảm thấy ít nhất mình đang có tiến bộ trong việc trả nợ tuy "chưa thấm vào đâu".
Giới trẻ không còn nhiều dịch vụ, hình thức giải trí để chi tiêu trong thời gian ở nhà tránh dịch. Ảnh: Getty. |
Tuy nhiên, đối với Kate Sumser, một sinh viên luật sống ở San Francisco với bạn đời của mình, họ không có quyền lựa chọn giữa trả nợ và gửi tiết kiệm.
Vốn dĩ, cặp này sử dụng hết khoản cứu trợ đầu tiên để chi trả tiền thuê nhà, nhu yếu phẩm và thanh toán các hóa đơn. Sau đó, họ phải dựa trên khoản vay sinh viên của Sumser để sống qua ngày.
Vì vậy, khi nhận được gói viện trợ kinh tế thứ hai hồi đầu năm, họ lập tức dùng nó để thanh toán thẻ tín dụng. “Phương pháp lý tưởng nhất ở thời điểm này là tiết kiệm nhưng chúng tôi nào có lựa chọn khác”, cô nói.
Nữ sinh ngành luật hy vọng về một làn sóng cứu trợ kinh tế mới trong tương lai. Tuy nhiên, trước xuất hiện của vaccine, đồng nghĩa với việc dịch Covid-19 dần được kiểm soát, Sumser dự kiến sẽ gánh thêm nhiều khoản nợ trong tương lai.
Với tỷ lệ thất nghiệp ở mức 6,3%, nhiều người Mỹ vẫn lo lắng về an ninh tài chính. Tuần vừa qua, 779.000 người đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, theo Bộ Lao động.
Xu hướng sử dụng tiền cứu trợ năm 2020 khác biệt so với các năm 2001 và 2008. Ảnh: New York Times. |
Jonathan Parker, giáo sư tại Trường Quản lý MIT Sloan, người đã nghiên cứu việc sử dụng các khoản cứu trợ kinh tế trong cả hai cuộc suy thoái năm 2001 và 2008 - cho biết thông thường sẽ có một nửa số séc được tiêu xài thay vì tiết kiệm.
Mặc dù còn quá sớm để đưa ra kết luận, giáo sư Parker nói rằng năm 2021 chắc chắn sẽ khác.
“Trên nhiều khía cạnh, mọi người không còn nhiều chỗ để tiêu tiền nữa. Các nhà hàng và cơ sở giải trí đều đóng cửa vì Covid-19, chỉ trừ mỗi dịch vụ phát trực tuyến trên Internet”, ông cho biết.
Tiết kiệm đề phòng bất trắc
Mặt khác, số tiền mọi người gửi vào tài khoản tiết kiệm ngày một tăng. Một nghiên cứu của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York cho thấy người tiêu dùng đã tiết kiệm hơn 1/3 so với gói viện trợ đầu tiên.
Matthew Tarka, một sinh viên mới tốt nghiệp, hiện làm việc trong lĩnh vực tài chính, cho biết xu hướng đã thay đổi rõ rệt kể từ tháng 4.
Cameron Turner (23 tuổi). Ảnh: Wall Street Journal. |
Chàng trai cho biết vào mùa xuân năm 2020, anh sẵn sàng chi khoản tiền khá lớn để mua vé máy bay về thăm bố mẹ. Tuy nhiên, sự kéo dài của đại dịch khiến Tarka và một số bạn bè của anh nghĩ lại về tấm séc hỗ trợ tài chính này.
“Ở thời điểm này, tôi thấy rằng mọi người phần nào tiết kiệm hơn trước bởi ngày càng nhiều lao động thất nghiệp kể từ lần viện trợ đầu tiên. Ngay đám bạn của tôi cũng trở nên cẩn thận hơn trong việc chi tiêu”, anh cho biết.
Một số khác chưa biết nên làm gì với 600 USD mà chính phủ phân phát do sự bất ổn định của nền kinh tế, ảnh hưởng của đại dịch và khả năng sẽ tiếp tục nhận được thêm gói viện trợ.
“Nếu bạn không lường trước được những gì sẽ xảy ra trong vài tháng tới, bạn sẽ không có động lực để chi tiêu nó”, Cameron Turner (23 tuổi), sống ở Berkeley (bang California), chia sẻ.
Vì vẫn may mắn giữ được công việc ở ngành quan hệ công chúng trong thời buổi khó khăn này, Turner quyết định gửi séc viện trợ vào tài khoản tiết kiệm, đề phòng bất trắc, rủi ro trong tương lai.