Thế hệ sinh sau năm 1996 hiện là mục tiêu tiếp thị của các thương hiệu, nhãn hàng. Ảnh minh họa: Artem Podrez/Pexels. |
Chúng ta không còn lạ lẫm với khái niệm Gen Z, dùng để chỉ những người sinh năm 1996-2010. Bạn cũng có thể nghe đôi lần về thế hệ Alpha, những người sinh năm 2010-2024 và là thế hệ đầu tiên hoàn toàn trong thế kỷ 21.
Giờ đây, chúng ta chào đón thế hệ Zalpa. Giống như tên gọi của nó, Gen Zalpa là sự kết hợp giữa hai thế hệ trên.
Dù không thể xác định chính xác ai sáng tạo nên Zalpha, thuật ngữ này được phổ biến bởi Kristin Patrick, Giám đốc tiếp thị của hãng trang sức và phụ kiện Claire. Cô dùng thuật ngữ để mô tả nhóm khách hàng cốt lõi của cửa hàng, theo New York Times.
Gen Alpha được dự đoán sẽ chiếm 1/3 khách hàng mua sắm xa xỉ phẩm vào cuối năm 2029. |
Gen Zalpha, đặc biệt là thế hệ Alpha, hầu hết là con cái của thế hệ Millennials (sinh năm 1982-1996), được sinh ra và lớn lên với Internet.
Vì họ còn quá trẻ, mới chỉ là trẻ em và thanh thiếu niên, các nhà tiếp thị phải cân nhắc cẩn thận khi thu hút tệp khách khách hàng này mà không khiến cha mẹ họ xa lánh, theo Jacee Scoular, Giám đốc cấp cao về tiếp thị thương hiệu và truyền thông của nhà bán lẻ quần áo tuổi teen Hollister, gần đây đã nói với AdAge.
“Người nhận email và tham gia các chương trình khách hàng thân thiết hầu hết là các bậc cha mẹ. Vì vậy, chúng tôi không bao giờ sử dụng tiếng lóng của Gen Z ở những nội dung này”, cô nói.
Tuy nhiên, giọng văn sẽ chuyển khác ở trên mạng xã hội, mang phong cách vui vẻ và trẻ trung hơn.
“Nội dung siêu thô, không làm màu, kết hợp với meme và được tạo ra bởi một thanh niên 21 tuổi từ chiếc điện thoại của cô ấy. Những nội dung này luôn ‘phá đảo’ lượt tương tác”, giám đốc chia sẻ.
Gen Alpha có thể sẽ dễ mất kiên nhẫn và đòi hỏi hơn so với những thế hệ trước. Ảnh minh họa: Yan Krukau/Pexels. |
Nhà bán lẻ thời trang này không phải doanh nghiệp duy nhất thuê nhân sự thuộc thế hệ Zalpha, cụ thể là Gen Z, tiếp quản truyền thông xã hội. Ứng dụng học ngoại ngữ Duolingo có một nhà quản lý mạng xã hội 24 tuổi từng đạt giải thưởng, trong khi hãng đồ chơi Nerf thuê “giám đốc TikTok” 22 tuổi, Fast Company đưa tin.
Thế hệ Zalpha, vốn trưởng thành cùng Internet, là mục tiêu hàng đầu của các thương hiệu hiện nay vì một lý do khác: sức chi tiêu tiềm năng.
Khả năng chi tiêu của thế hệ này được dự đoán sẽ tăng nhanh gấp 3 lần so với các thế hệ khác vào năm 2030.
Theo một báo cáo của Bain & Company được công bố vào tháng 1, thế hệ này cũng được dự đoán sẽ chiếm 1/3 số người tiêu dùng xa xỉ vào cuối thập niên 2020 do "phát triển thái độ sớm đối với sự xa xỉ".
Patrick, CMO của Claire, nói rằng có thể nhìn nhận thế hệ Alpha như Gen Z nhưng “phiên bản phát triển hơn”.
“Họ duy tâm về thế giới. Họ cổ vũ cho sự đa dạng và đòi hỏi nó. Họ đặt câu hỏi về giới tính của mình. Họ rất sáng tạo. Họ giỏi nhìn thấy những cơ hội mới để kiếm tiền”, cô cho biết, nói thêm rằng Gen Alpha được sinh ra trong một thế giới nơi mà trợ lý ảo luôn tồn tại.
Trong khi Gen Z thường được mô tả là lớn lên cùng Internet, thế hệ Alpha lại được sinh ra trên mạng.
Ashley Fell, một nhà nghiên cứu xã hội của cơ quan McCrindle của Australia, nói với Axios rằng những đứa trẻ sinh ra ở Gen Alpha là một phần của "thí nghiệm toàn cầu không chủ ý", trong đó chúng được tiếp xúc với màn hình điện tử từ khi còn ngậm vú giả.
Do đó, các chuyên gia dự đoán thế hệ này sẽ mất kiên nhẫn hơn những thế hệ trước, bởi họ mong muốn nhu cầu của mình được đáp ứng ngay lập tức.
Nhân sự thời Gen Z
Theo tác giả, TS Hồng Duyên trong cuốn "Quản trị nhân sự thời Gen Z - câu chuyện cũ kể theo cách mới", Gen Z quan tâm nhất đến sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống và hạnh phúc cá nhân. Họ cũng muốn biết những gì được mong đợi trong công việc; muốn được đầu tư sâu vào công việc, biết được thời gian và nỗ lực của họ có ý nghĩa. Thế hệ này cũng quan tâm đến sự nghiệp trong kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Những thay đổi này sẽ tạo ra thách thức mới trong bài toán quản trị của các doanh nghiệp.