Mức lương khởi điểm của sinh viên ra trường năm 2021 đạt mức cao nhất thập kỷ qua tại Trung Quốc. Ảnh minh họa: Reuters/Stringer CHINA OUT. |
Mức lương khởi điểm trung bình của sinh viên tốt nghiệp khóa 2021 ở Trung Quốc đạt mức cao nhất trong thập kỷ qua. Khoảng 6,1% tân cử nhân được trả hơn 10.000 NDT/tháng (1.437 USD).
Thế nhưng, nhiều người trẻ lại sẵn sàng hy sinh mức lương đáng mơ ước đó để có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn, theo Sixth Tone.
Phát hiện này được tìm thấy thông qua một cuộc khảo sát có tên Báo cáo việc làm của sinh viên tốt nghiệp đại học Trung Quốc năm 2022. Những người tham gia khảo sát là sinh viên tốt nghiệp năm 2021 và đã trải qua một năm đi làm.
Một số người trẻ tham gia hội chợ việc làm ở Thái Nguyên (tỉnh Sơn Tây) hôm 18/2. Ảnh: VCG. |
Khảo sát này được thực hiện hồi tháng 6/2022 bởi MyCOS Research, một nhóm nghiên cứu hàng đầu được tài trợ bởi CITIC Industrial, nhưng bất ngờ xuất hiện trở lại mạng xã hội xứ tỷ dân tuần này, ngay trước mùa tuyển dụng mới dành cho các sinh viên mới tốt nghiệp khắp quốc gia.
Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, khoảng 11,6 triệu sinh viên sẽ tốt nghiệp trong năm nay - một mức cao kỷ lục.
Theo khảo sát trên, mức lương trung bình hàng tháng cho sinh viên mới tốt nghiệp năm 2021 là 5.833 NDT, đánh dấu mức cao kỷ lục trong 10 năm qua dù vẫn thấp hơn nhiều so với mức lương khởi điểm mong đợi là 10.000 NDT/tháng.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng phần lớn mức lương khởi điểm nằm trong khoảng 4.000-6.000 NDT. Chỉ 6,1% sinh viên mới ra trường được trả trên 10.000 NDT.
Tuy nhiên, những người trẻ tham gia khảo sát cho biết họ sẽ chọn từ bỏ mức lương cao để đổi lấy công việc mang lại nhiều “hạnh phúc” hơn. Những nghề nghiệp như vậy thường đòi hỏi trách nhiệm xã hội, bao gồm nghề bác sĩ, luật sư hay làm việc tại các cơ quan nhà nước, nơi có phúc lợi tốt.
Kết luận của báo cáo tương đồng với một cuộc khảo sát khác do 51job thực hiện hồi đầu tháng 1, cho thấy phần lớn người trẻ được phỏng vấn sẵn sàng chọn công việc trả lương thấp nhưng ít mệt mỏi hơn.
Sinh viên tốt nghiệp đại học tại một hội chợ việc làm ở Đại học Sư phạm Fuyang (tỉnh An Huy) ngày 16/3/2019. Ảnh: VCG. |
Hơn 80% các nhà quản lý nhân sự tham gia khảo sát đồng ý rằng khối lượng công việc là yếu tố quan trọng nhất đối với nhân viên hiện đại.
Một trong số những người trẻ ưu tiên hạnh phúc hơn tiền bạc là Yvonne Yang (22 tuổi), sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp một trường đại học hàng đầu Hong Kong (Trung Quốc.
“Tôi từng suy nghĩ về việc trở thành một thợ mộc sau khi tốt nghiệp. Đúng như dự đoán, cha mẹ, người đã trả học phí cho tôi, phản đối ý tưởng đó. Tôi cảm thấy mệt mỏi với sự cạnh tranh bất tận trên đường đời. Tôi chỉ muốn có cuộc sống cho riêng mình”, cô chia sẻ.
Yang nộp đơn xin việc đầu tiên trước Giáng sinh năm ngoái. Cứ cách mỗi 1-2 tuần, cô lại rải thêm CV nhiều bên. Nhưng tới tận bây giờ, cô vẫn chưa nhận được lời đề nghị nào phù hợp với mong đợi của mình.
“Cái gì đến sẽ đến. Nếu không kiếm được việc làm, tôi sẽ về nhà, nghỉ một năm và trở thành một thợ mộc vui vẻ”, cô nói.
Zhu Yawen (26 tuổi), đang học tại Bắc Kinh, dự kiến tốt nghiệp trong năm nay, nói với Sixth Tone rằng cô vẫn đang cố gắng cân bằng áp lực giữa sự nghiệp và cuộc sống.
Zhu cho biết thật khó để kiếm được một công việc trong năm nay với tình hình kinh tế hiện nay. Cô đã nhận được đề nghị làm việc từ một cơ quan nhà nước, nhưng còn do dự vì lương quá thấp. Nhưng đổi lại, khối lượng công việc không quá mệt mỏi.
“Tôi sợ rằng nếu làm ở đó, tôi sẽ trở nên lười biếng. Trong xã hội tập trung quan tâm vào sự nghiệp, tôi cũng lo mình sẽ thua thiệt so với mọi người nếu không kiếm được công việc tốt”, cô nói.
'Giải oan' cho Gen Z
Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.