Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thế hệ tuyên bố 'Tôi không làm được' ở Trung Quốc

Từ trào lưu nằm yên, từ chối cạnh tranh xuất hiện vào năm ngoái, thanh niên Trung Quốc ngày càng tỏ rõ sự bất mãn với xu thế mới có tên bai lan, nghĩa là mặc kệ cho mọi thứ xấu đi.

Trong tháng này, lãnh đạo đất nước tỷ dân vừa lên tiếng khuyến khích thanh niên Trung Quốc thiết lập "lý tưởng vĩ đại" và đưa các mục tiêu cá nhân của họ gắn với việc xây dựng một đất nước và con người Trung Quốc "lớn hơn, hùng mạnh hơn".

Nhưng trên không gian mạng, trái với lời kêu gọi, đông thanh niên cho biết lý tưởng của họ đơn giản là không thể đạt được. Nhiều người đã từ bỏ việc cố gắng, theo The Guardian.

gioi tre trung quoc nam yen anh 1

Bai lan gây nhiều lo ngại hơn tang ping, khi người trẻ Trung Quốc tuyên bố "tôi không làm được" và ngừng cố gắng, chấp nhận bản thân bị bất lợi. Ảnh: Bloomberg.

Chán nản vì những bất ổn ngày càng gia tăng và thiếu cơ hội về mặt kinh tế, người trẻ Trung Quốc đang dùng một từ thông dụng mới để nói về thái độ của họ đối với cuộc sống: bai lan (nghĩa gốc là để thối rữa, mục nát).

"Tôi không làm được"

Cụm từ bai lan có nguồn gốc từ giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA, mang nghĩa tự nguyện rút lui, không theo đuổi các mục tiêu nhất định bởi nhận ra quá khó để đạt được.

Trong bóng rổ Mỹ, nó thường đề cập đến việc một người chơi cố tình thua ván đấu.

Trên mạng xã hội Weibo, các chủ đề liên quan đến bai lan đã tạo ra hàng trăm triệu lượt đọc và thảo luận kể từ tháng 3.

"Bất động sản ở Thượng Hải quá đắt. Tốt thôi, tôi sẽ chỉ thuê nhà cả đời, vì dù sao tôi cũng không đủ khả năng mua nhà với khoản lương cố định hàng tháng", một người dùng bày tỏ.

Trong những tháng gần đây, bai lantang ping đang càng trở nên phổ biến do sự cạnh tranh việc làm gay gắt và kỳ vọng từ gia đình, xã hội, chính phủ cao. Hai yếu tố này khiến nhiều người trẻ tại quốc gia đông dân nhất thế giới từ chối làm việc chăm chỉ, chống lại văn hóa 996 vắt kiệt sức.

gioi tre trung quoc nam yen anh 2

Mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của Trung Quốc bị đe dọa khi ngày càng nhiều thanh niên ngừng phấn đấu lao động, theo đuổi trào lưu sống nằm yên, mặc kệ đời. Ảnh: EPA.

Nhưng bai lan còn gây ra mối lo ngại lớn hơn tang ping khi giới trẻ Trung Quốc chấp nhận đón nhận một tình huống xấu đi, bất lợi cho mình thay vì cố gắng thay đổi tình thế.

Các phương tiện truyền thông nhà nước đã ghi nhận xu hướng này.

"Tại sao giới trẻ hiện đại thích bai lan? Trên thực tế, đây là kết quả của thái độ tự ti tiêu cực, liên tục nói với bản thân rằng 'tôi không làm được' và không chịu làm gì cả", trích bài viết.

Nhưng thực tế không hoàn toàn như những gì truyền thông phân tích.

Sal Hang (29 tuổi), một chuyên gia trong ngành công nghiệp sáng tạo ở Bắc Kinh, tin rằng đối với thế hệ người Trung Quốc trẻ tuổi như mình, thái độ "để mọi thứ mục nát" này ra đời do sự gia tăng bất ổn ở Trung Quốc ngày nay.

“Không giống như thế hệ cha mẹ, giới trẻ Trung Quốc ngày nay có nhiều kỳ vọng lớn hơn, nhưng cũng có nhiều điều không chắc chắn đối với chúng tôi. Ví dụ, chúng tôi không thể thực hiện bất kỳ kế hoạch dài hạn nào cho cuộc sống của mình nữa, bởi vì không ai biết điều gì sẽ xảy ra, xã hội còn thay đổi thế nào trong 5 năm tới”, Hang nói.

Sau khi làm kỹ sư hàng không ở vùng Tây Nam, Hang chuyển đến Bắc Kinh 3 năm trước để hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc theo đúng đam mê của anh. Song, thực tế nơi làm việc đã thay đổi tham vọng ban đầu.

“Sếp thường đặt ra những mục tiêu không thực tế cho tôi. Dù cố gắng đến mấy để đạt được KPI, tôi vẫn luôn thất bại. Vì vậy, cuối cùng, tôi mất động lực và chỉ làm mọi thứ ở mức tối thiểu, thậm chí dưới khả năng của mình và không tha thiết chuyện quyết tâm cố gắng việc gì”, anh bày tỏ.

gioi tre trung quoc nam yen anh 3

Bai lan hay tang ping thể hiện sự bất mãn của giới trẻ Trung Quốc về kỳ vọng đặt lên họ, trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Tranh: SCMP.

Bất mãn gia tăng

Giáo sư Mary Gallagher, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Michigan (Mỹ), nói rằng bai lan không phải là xuất hiện lần đầu và với riêng thanh niên xứ tỷ dân.

“Nó có phần giống 'thế hệ lười biếng' ở Mỹ những năm 1990. Và giống như 'tang ping' năm ngoái, nó phản ánh sự từ chối công khai việc vắt kiệt sức để cạnh tranh gay gắt trong xã hội Trung Quốc ngày nay", cô nói.

Theo giáo sư Gallagher, cảm giác vô vọng trong giới trẻ càng trở nên trầm trọng hơn do các cơ hội kinh tế bị thu hẹp.

Trong khi hàng trăm triệu người Trung Quốc chôn chân trong nhà do chính sách Zero Covid, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng gặp khó khăn trong việc thúc đẩy tăng trưởng.

Hơn 18% thanh niên nước này trong độ tuổi 16-24 thất nghiệp trong tháng 4 - tỷ lệ cao nhất từng ghi nhận.

“Năm nay khó kiếm việc làm, tốt thôi, tôi sẽ chỉ bai lan - ở nhà và xem TV cả ngày”, một người dùng mạng viết, nói thêm mình chật vật tìm việc suốt những năm qua.

Kecheng Fang, giáo sư truyền thông của Đại học Trung Quốc Hong Kong, nói rằng giới trẻ Trung Quốc sử dụng bai lan hoặc tang ping để cho thấy họ bất mãn, không muốn hợp tác hay làm theo những lời kêu gọi từ các nhà lãnh đạo đất nước.

“Những cụm từ phổ biến này phản ánh cảm xúc xã hội trên bình diện chung. Khi mọi người sử dụng chúng, họ không chỉ thể hiện bản thân mà còn tìm kiếm sự kết nối với những người có cùng hoàn cảnh, suy nghĩ và đồng cảm với câu chuyện của nhau", Fang nói.

Nghề đóng giả làm nhân viên văn phòng ở Trung Quốc

Trong thời kỳ khó khăn dịch bệnh, các công việc lặt vặt như giả làm nhân viên, khách mua bất động sản trở thành nguồn thu qua ngày cho người trẻ thất nghiệp ở Trung Quốc.

Hiền Thy

Bạn có thể quan tâm