Định nghĩa về EDM
EDM hay Electronic Dance Music là tên gọi chung của dòng nhạc điện tử bao gồm nhiều thể loại phổ biến như house, techno, trance... cho đến thể loại mới thịnh hành như dubstep hay trapstep. EDM được khai sinh tại Mỹ vào năm 1970 nhưng lan rộng và phát triển mạnh mẽ tại châu Âu.
Nhạc EDM với tính chất sôi động và trẻ trung được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt và quảng bá rộng rãi. Các đại nhạc hội ngoài trời thu hút hàng trăm nghìn người tham gia như Love Parade được tổ chức tại Đức hay lễ hội của ID&T tại Hà Lan. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu phát triển, EDM vẫn chưa được coi là một thể loại âm nhạc chính thống và thường bị đánh đồng với dòng nhạc Underground.
Mãi những năm gần đây, khi EDM được các công ty tổ chức sự kiện để mắt cùng sự bùng nổ của mạng xã hội, dòng nhạc này mới thoát khỏi mác Undergound. Các lễ hội âm nhạc điện tử dần trở nên phổ biến và xuất hiện nhiều hơn trên thông tin đại chúng. Thậm chí, người hâm mộ có thể xem trực tiếp qua YouTube phần trình diễn của nhiều nghệ sĩ trên nhiều sân khấu khác nhau.
Nắm được xu hướng này, những nhà tổ chức đã mang lễ hội nhạc điện tử đi khắp thế giới. Mục tiêu đầu tiên là đưa EDM trở về với chính quê hương của nó tại thị trường Mỹ.
Cùng với việc mở rộng thị trường, các công ty tổ chức còn có những thay đổi khác nhau để phù hợp hơn với thị trường mới như: Festival UMF được kéo dài lên thành 3 ngày, thương hiệu TomorrowLand được đổi tên thành TomorrowWorld để tăng tính quảng bá, Ultra Music Festival vươn tới châu Á và châu Phi bằng một loạt festival diễn ra tại Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Croatia và Nam Phi...
Làn gió mới tại Việt Nam
Tại Việt Nam, EDM là một mảnh đất màu mỡ khi người nghe chỉ mới bắt đầu cập nhật những xu hướng âm nhạc mới qua YouTube hay mạng xã hội. Thậm chí EDM chỉ được coi là một thể loại âm nhạc dành riêng cho quán bar, vũ trường. Nắm bắt được xu hướng bùng nổ của EDM, các nghệ sĩ Vpop nhạy bén thay đổi hình ảnh và phong cách của mình để chiều lòng số đông khán giả trẻ.
Mới chỉ mang tính chất thể nghiệm nhưng nhạc điện tử tại Việt Nam bước đầu tạo được dấu ấn cho riêng mình. Nhạc sĩ Trí Minh là một trong những người đi tiên phong với các sản phẩm nhạc độc đáo và là "chủ xị" của Lễ hội âm thanh Hà Nội với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ và DJ nhạc điện tử nổi tiếng trên thế giới. Ngoài ra, Nguyễn Xinh Xô với Afterlife cũng là một sản phẩm nhạc electronic đầy thú vị.
Thu Minh vẫn giữ vững ngôi vị Nữ hoàng nhạc dance với những sản phẩm bắt kịp xu hướng thế giới. |
Nhạc điện tử dần đang có xu hướng “pop hóa” với nhiều sản phẩm mang tính giải trí nhiều hơn. Từ Thiên đàng hợp tác với Võ Thiện Thanh, đến nay Thu Minh chứng tỏ cô là nữ hoàng trong dòng nhạc này với Body Language, Hangover... Ngoài ra những ca sĩ giải trí như Hồ Ngọc Hà, Hoàng Thùy Linh Hà, Thủy Tiên, Đông Nhi, Noo Phước Thịnh, 365 Daband… cũng nhanh chóng cập nhật xu thế.
Tiêu biểu là Hồ Ngọc Hà với 2 single ra mắt trong năm 2014 là Em không cần anh và Dance all night. Tiếp bước đàn chị, Đông Nhi mạnh dạn thay đổi phong cách âm nhạc từ nhẹ nhàng dễ nghe sang sôi động, cá tính và tạo được bước đột phá với những sản phẩm gần đây như Cần một ai đó, Lắng nghe tim em, Bad boy, Shake the Rhythm... Một gương mặt khác cũng tạo được dấu ấn với EDM là nam ca sĩ Noo Phước Thịnh qua bộ 3 bản hit Đừng nhìn lại, Không hối tiếc và Gạt đi nước mắt trong năm 2014.
Việc thay đổi phong cách trong thời gian ngắn không phải là điều dễ dàng với các nghệ sĩ. Trong một bài phỏng vấn Đông Nhi từng chia sẻ: “Khoảng thời gian tôi bắt đầu thay đổi là lúc khán giả Việt Nam đang quen với những ca khúc với tiết tấu nhẹ nhàng, nếu sôi động nhất thì cũng là pop-dance. Khi đó, EDM còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Dù biết trước việc thay đổi hình ảnh, âm nhạc quá đột ngột sẽ gây ra nhiều bất lợi, thậm chí khiến người hâm mộ bị sốc, tôi vẫn giữ quan điểm rằng mình phục vụ vì khán giả, nhưng đồng thời cũng phải luôn cố gắng để mở rộng đối tượng người nghe”.
Để có sự phát triển nhạc điện tử tại Việt Nam như ngày hôm nay không thể không nhắc đến công sức của những DJ, producer như Touliver, Slim V hay Long Halo... Họ là những nghệ sĩ âm thầm đưa nhạc điện tử đến gần với khán giả trẻ qua những sản phẩm Underground và cả những ca khúc hợp tác với các nghệ sĩ Vpop.
The Remix: Nhân tố thắp lửa EDM tại Vpop
Góp phần tạo nên sức hút mạnh mẽ của EDM tại Việt Nam còn là các nhà sản xuất truyền hình thực tế với sân chơi The Remix được giới trẻ hưởng ứng nhiệt liệt khi lần đầu tiên một chương trình về EDM lên sóng truyền hình.
Với nội dung chú trọng vào các thể loại phong phú như dance, trance, house, dubstep... The Remix tạo cho các nghệ sĩ tham gia có cơ hội thể nghiệm những sản phẩm của mình qua nhiều phong cách khác nhau. Cùng với đó là lực lượng DJ, producer lần đầu tiên có dịp bước ra ánh sáng để thỏa sức sáng tạo trên một sân khấu đúng nghĩa.
Với việc thể nghiệm các bản hit của mình theo phong cách EDM, Sơn Tùng M-TP đang trở thành một trong những gương mặt hot nhất The Remix. |
Với format chương trình hoàn toàn mới, The Remix đáp ứng được nhu cầu của giới trẻ khi thỏa mãn được các 2 yếu tố nghe và nhìn. Đúng như tên gọi Việt hóa - Hòa âm ánh sáng - phần âm thanh, ánh sáng được kết hợp nhuần nhuyễn tạo nên một bữa tiệc âm nhạc thực sự cho người xem.
Yếu tố cuối cùng nhưng cũng quan trọng nhất tạo nên thành công cho The Remix nói riêng EDM Việt nói chung là khán giả. Không thể phủ nhận, khán giả Việt có gu âm nhạc ngày càng bắt kịp thế giới. Họ chờ đợi những điều mới mẻ và dần chán những bản tình ca não nề, những bản pop nhạt nhòa đơn điệu vốn thống trị Vpop trong một thời gian dài.
Có thể nói, thời điểm này EDM tại Việt Nam thực sự được công nhận và tiếp tục là một hướng đi mới đầy hứa hẹn cho các nghệ sĩ trong năm 2015.