Mạng xã hội gây nghiện. Đó là điều mà hầu hết người dùng Facebook, TikTok, Twitter hay YouTube đều ý thức được. Nhưng để hiểu bằng cách nào những bộ óc công nghệ có thể khiến con người miệt mài dành hàng tiếng đồng hồ lướt news feed, xem video chó mèo không biết chán, thì The Social Dilemma (tạm dịch: Song đề xã hội) sẽ diễn giải tường tận cơ chế thao túng người dùng.
Đó là một hệ thống phát triển vượt bậc, thông minh và đáng lo ngại mà chính nhân loại là đối tượng thí nghiệm cho mô hình được dự đoán bởi máy tính.
“Khi sản phẩm được bán miễn phí, thì bạn chính là sản phẩm”
Bằng những ví dụ trực quan và câu chuyện dễ hiểu, bộ phim của đạo diễn Jeff Orlowski “mở mắt” cho khán giả về cách thức mạng xã hội lẫn các công cụ tìm kiếm thu về lợi nhuận khổng lồ dưới vỏ bọc miễn phí.
Nhiều người từng tham gia tạo ra các mạng xã hội trả lời phỏng vấn trong The Social Dilemma. |
Tham gia vào các cuộc phỏng vấn là những cái tên đầu ngành trong lĩnh vực khoa học máy tính, công nghệ dữ liệu, lập trình, nhà đầu tư... Họ từng nắm giữ vị trí chủ chốt tại Google, Facebook, Pinterest hay Twitter trong quá khứ.
Tristan Harris, cựu chuyên viên lập trình Google, bình thản kể lại cách mà 50 người tại thung lũng Silicon gây ảnh hưởng đến hành vi của hơn 2,5 tỷ người dùng. “Những người đằng sau màn hình luôn áp đảo những kẻ trước màn hình”, anh nói.
Dữ liệu được thu thập, mô phỏng cá nhân được tạo lập. Tất cả giúp thiết kế giao diện trở nên thân thiện hơn, những đề xuất trở nên hấp dẫn hơn, trải nghiệm trở nên cá nhân hóa hơn. Mỗi lần người dùng truy cập Internet để tìm kiếm, mua sắm, lướt web, dấu chân để lại đủ lộ liễu và bị các nhà công nghệ thu thập. Từ đó, máy tính tiên đoán hành vi tiếp theo của người dùng theo cách ngày một chính xác hơn.
Song hành với sự tiện lợi và thú vị, cái giá phải trả cho sự “miễn phí” khi sử dụng Google hay Facebook là việc dữ liệu người dùng được bán cho các nhà quảng cáo. Khi những người giàu nhất trả tiền, chúng ta phải đối mặt với thực tế không có rào cản đạo đức hay pháp lý nào đủ mạnh để bảo vệ người dùng khỏi nguy cơ đánh cắp dữ liệu, nạn tin giả, những xu hướng nguy hiểm câu view...
Việc mà các công cụ tìm kiếm và mạng xã hội đang làm không phải là bảo vệ người dùng. Mục tiêu tối thượng là cố gắng lôi kéo con người không rời mắt khỏi màn hình điện thoại. Đó là lý do những nút “like”, “retweet”, các video hài hước có sức hấp dẫn đến không tưởng.
Bộ phim cố gắng giải thích cơ chế "gây nghiện" của mạng xã hội. |
Người dùng càng bỏ nhiều thời gian để lướt mạng, họ càng có khả năng xem quảng cáo và tiến tới quyết định mua hàng. Như chuyên gia trực quan hóa dữ liệu Edward Tufte phát biểu: “Chỉ có hai ngành công nghiệp gọi khách hàng là người dùng: ma túy và phần mềm”.
Trận chiến không cân sức
Một trong những dòng phim kinh dị lâu đời nhất là khai thác nỗi sợ hãi của con người khi họ không thể kiểm soát công nghệ mà mình tạo ra. Đó là một phần nội dung của Frankenstein. Trong kỷ nguyên 4.0, người ta vẫn hay nói với nhau về những điều kỳ diệu mà tiến bộ khoa học kỹ thuật mang đến, nhưng dường như lại quên rằng chúng là “con dao hai lưỡi”.
Đã bao giờ bạn tự hỏi dù có cố gắng nỗ lực bao nhiêu để “cai” Facebook thì ngày hôm sau vẫn dành ra 3-4 tiếng đồng hồ lướt xem nội dung vô bổ? Tất cả được mô tả như cuộc chiến không công bằng, và các chuyên gia được phỏng vấn giải thích cách não bộ con người phản kháng những chương trình siêu việt được lập trình để gây nghiện.
Con người không kịp tiến hóa theo sự phát triển vượt bậc của công nghệ. |
Trong vòng vài chục năm qua, năng lực phân tích, xử lý dữ liệu đã tăng gấp hàng nghìn tỷ lần, còn não trạng con người gần như không tiến hóa thêm. Cùng lúc, trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (machine learning) lại trở nên mạnh mẽ tới mức có thể “hiểu” con người hơn bản thân họ. Nói cách khác, về mặt sinh học, nhân loại không phát triển theo kịp sự tiến bộ của khoa học.
Các trang mạng xã hội với mục đích kết nối nay có thể trở thành lý do gây ra chứng trầm cảm, mặc cảm về ngoại hình, hạn chế giao tiếp xã hội, thậm chí dẫn đến tự làm hại bản thân, hay tệ nhất là tự sát.
Những bức hình “ảo tung chảo” trên Instagram tạo nên sự lầm tưởng về ngoại hình, cũng như áp đặt tiêu chuẩn về cái đẹp và lối sống lên xã hội. Nút “like” được quảng cáo là giúp lan truyền sự tích cực thì nay lại khiến chủ tài khoản bứt rứt nếu không nhận được nhiều sự tương tác.
Trẻ em hiện đại lớn lên với ước mơ làm Youtuber nhiều hơn làm phi hành gia. Đây cũng là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi nội dung rác trên mạng - những thứ vốn chưa bao giờ được quy định kiểm duyệt một cách có trách nhiệm.
Sự cấp thiết của quy định
Một bằng chứng cho việc con người trở nên bối rối trước sự phát triển quá nhanh của mạng xã hội là chuyện giới làm luật không bắt kịp để đưa ra những quy định cụ thể cho hàng loạt vấn đề mới phát sinh.
Chứng kiến Mark Zuckerberg cố gắng giải thích cách Facebook hoạt động cho các thượng nghị sĩ lớn tuổi tại phiên điều trần ở Washington, D.C. (Mỹ) hồi 2018 đủ cho thấy luật pháp và các chế tài xã hội đang bị bỏ lại quá xa so với công nghệ.
Những nơi như Trung tâm Công nghệ Nhân đạo (Center for Humane Technology) mà Tristan Harris sáng lập chính là địa chỉ giúp tư vấn và hướng dẫn luật định cần thiết nhằm hướng công nghệ phát triển theo mục tiêu an toàn cho người dùng.
Cần có thêm những quy định để kiểm soát mạng xã hội. |
Đoạn cuối của The Social Dilemma tiếp cận các nhân vật phỏng vấn để họ chia sẻ về những quy định mang tính cá nhân trong phạm vi gia đình mà ai cũng có thể áp dụng.
Cùng là những người có công việc gắn liền với công nghệ, họ hầu hết đều đồng ý ở điểm hạn chế sử dụng điện thoại và truy cập mạng xã hội. Một số xóa hết ứng dụng không cần thiết, tắt thông báo, không xem các video được đề xuất. Số khác giới hạn tuổi được sử dụng điện thoại ở con cái và cấm mang điện thoại vào phòng ngủ trước nửa tiếng. Trên hết, họ luôn kiểm tra tính xác thực của thông tin (fact-check).
Renée DiResta, quản lý nghiên cứu tại Đài quan sát Internet Stanford, kết luận: “Nếu thứ gì đó trông như được thiết kế để kích động cảm xúc của bạn, thì bản chất của nó đúng là như vậy”.