Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

The Voice: Đã đến lúc cho thí sinh hát nhạc Việt

Cuộc thi "Giọng hát Việt" đã đi hết 1/2 chặng đường của vòng "Đối đầu", nhưng các thí sinh vẫn ngụp lặn trong hàng tá ca khúc tiếng Anh, và khán giả đi từ "hết hồn" này đến bất ngờ khác.

The Voice: Đã đến lúc cho thí sinh hát nhạc Việt

Cuộc thi "Giọng hát Việt" đã đi hết 1/2 chặng đường của vòng "Đối đầu", nhưng các thí sinh vẫn ngụp lặn trong hàng tá ca khúc tiếng Anh, và khán giả đi từ "hết hồn" này đến bất ngờ khác.

HLV nên cân nhắc kỹ hơn để chọn ca khúc  

Trong vòng Giấu mặt, khi các thí sinh thể hiện quá nhiều ca khúc tiếng Anh, chúng tôi nhận được câu trả lời từ phía Phương Uyên - Giám đốc âm nhạc The Voice về vấn đề này như sau: "Vòng đầu tiên chỉ là nhằm mục đích đánh giá chất lượng giọng hát của các thí sinh. Thực tế cho thấy, các ca khúc Việt Nam chưa đủ sức chuyển tải để các thí sinh có thể bộc lộ hết khả năng. Với vai trò của mình tại cuộc thi, tôi có tư vấn cho các em trong việc lựa chọn ca khúc. Tất cả đều dựa trên yếu tố là để các em có thể phát huy hết thế mạnh".

Bốn huấn luyện viên của The Voice.

Thế nhưng, người xem đã theo dõi hết 1/2 chặng đường của vòng thứ 2 - Đối đầu, nhưng các thí sinh vẫn ngụp lặn trong hàng tá ca khúc tiếng Anh, và khán giả thì đi từ "hết hồn" này đến bất ngờ khác.

Ban tổ chức, huấn luyện viên (HLV): Đến lúc cho nhạc Việt nhập cuộc

Có lẽ với "ý đồ" muốn các thí sinh khoe chất giọng, độ khỏe và cảm âm của ca khúc, nên rất nhiều HLV đã chọn bài hát tiếng Anh cho những "học trò nhỏ" của mình. Thế nhưng, 2 tập vòng Đối đầu vừa qua rất nhiều cái bị phản tác dụng.

Muốn khoe cái khỏe? Các thí sinh lại bị tình trạng "hét" vào mặt nhau. Muốn khoe độ phiêu cùng ca khúc? Các thí sinh lại chưa đủ bản lĩnh, dẫn đến việc bị cuốn theo cảm giác âm nhạc, không kiềm chế mình được. Và họ muốn khoe khả năng hát tiếng Anh? Quả thật, công chúng đã thấy khả năng đó tài giỏi đến đâu.

Vì vậy, rõ ràng đã đến lúc nên cho nhạc Việt nhập cuộc như lời Thu Minh ước hẹn: "Trong những vòng đầu, bắt buộc chúng tôi phải tiến hành sàng lọc những thí sinh chỉ biết hát duy nhất tiếng Việt. Qua được các vòng này, rõ ràng là chúng tôi sẽ có được những thí sinh hát được cả hai ngôn ngữ. Và lúc này thì mới cần đến việc các thí sinh hát tiếng Việt thật hay như mọi người đang nhắc đến".

 
Radio của Xuân Sơn và Phú Luân - ca khúc tiếng Việt duy nhất trong đêm Đối đầu 2.

Việc sử dụng tiếng Anh cho phần thi của mình có thể giúp thí sinh có rất nhiều điểm cộng và chứng tỏ được nhiều thứ, nhưng vô tình, lựa chọn này của họ lại làm mất đi điều quan trọng nhất trong âm nhạc. Nói chính xác hơn, quan trọng nhất đối với khán giả Việt chính là cảm xúc.

Một thí sinh dù giỏi tiếng Anh đến đâu cũng không thể nào thể hiểu hết về ca khúc, cảm giác âm nhạc, ý nghĩa câu từ và đủ sức truyền tải tất cả những điều đó cho khán giả bằng ngôn ngữ thứ hai của mình. Chưa kể đến, với vị trí là một thí sinh, nghĩa là các bạn đứng lên sân khấu đó chưa tròn trĩnh để là một ca sĩ chuyên nghiệp. Các bạn không đủ bản lĩnh sân khấu, không đủ kinh nghiệm để tiết chế mình, khi thấy âm nhạc nổi lên, "đối thủ một mất một còn" của mình hát như thế, phiêu như thế, tự nhiên các bạn sẽ phải tốt hơn, cố gắng to hơn, mạnh hơn, khỏe hơn. Cộng thêm việc BTC nhấn mạnh yếu tố đối đầu trong suốt quá trình luyện tập, ghi hình, việc "nát tan" bài hát phải chăng là điều không tránh khỏi? Và chuyện đánh mất cảm xúc cũng là chuyện... bình thường.

BTC luôn nói rằng: "Chúng tôi làm một chương trình giải trí cho khán giả Việt!". Vậy nếu chương trình không dành cho người nước ngoài, không dành cho những người quá giỏi tiếng Anh đến mức có thể hiểu được câu chữ, ý nghĩa như thế nào dù bị phát âm sai, đã đến lúc khán giả cần những ca khúc thuần Việt. Những ca khúc mà tất cả mọi người Việt Nam đều nghe và hiểu, đều có thể đặt cảm xúc vào đó, điều đó liệu có quá khó khăn với những người làm chương trình?

 
Hãy chinh phục khán giả của đất nước mình trước.

Chinh phục thế giới ư? Chinh phục Universal ư? Hãy chinh phục khán giả của đất nước mình trước đã.

Khán giả, đừng "đạp đổ" tài năng của các thí sinh!

Việc hát tiếng Anh không chuẩn, cảm xúc chưa tròn đầy, đó là điều không thể chối cãi với hầu hết các thí sinh 2 tập vừa qua. Thế nhưng, chúng ta không thể vì điều đó mà đạp đổ tất cả mọi công sức của các thí sinh Giọng hát Việt.

Các thí sinh từng làm công chúng "rợn da gà" khi nghe, vỗ tay rần rần và tán tụng như thiên tài ngay trong vòng Giấu mặt không biến mất, họ vẫn còn nguyên đó với trọn vẹn tài năng của mình. Họ không được quyền chọn ca khúc, không được quyền làm khác yêu cầu của BTC, HLV, vì đó không phải việc của họ. Còn khán giả, xin hãy thôi phán xét và chỉ nhìn vào dấu chấm nhỏ màu đen mà quên hết tất cả những yếu tố khác đã mang họ đến vòng 2 là chất giọng, độ cảm âm và là nhân tài mới.

 
Khán giả, xin đừng đạp đổ tất cả chỉ vì... phát âm .

Quyền ghét và yêu là riêng của mỗi người, nhưng hãy công nhận đừng đạp đổ. Phát âm sai mọi người đều đồng loạt phản ứng - dù chẳng biết những người phản ứng đó có biết thí sinh phát âm sai chỗ nào, và phát âm đúng ra sao. Vì vậy, chất giọng tốt, khỏe để làm nên được điều đó, tại sao mọi người chẳng nhận là hay?

Hãy có một cái nhìn công bằng và rộng mở hơn, để các thí sinh bước vào vòng 3 trở nên tự tin và có thể tỏa sáng. Dù ít hay nhiều, thì họ vẫn là những người có tài năng và có "dòng máu âm nhạc" chảy trong mình.

Tạm kết

Truyền hình thực tế và tìm kiếm nhân tài - tất cả đều là cuộc chơi, vì thế, hy vọng rằng các nhà làm chương trình sẽ biết điều chế để cuộc chơi này còn vui, công chúng còn yêu và truyền thông còn quan tâm chăm sóc.

The Voice - Giọng hát Việt khởi động thành công, bây giờ chương trình đang có một rừng người quan tâm đủ khiến các chương trình khác "thèm thuồng", nhưng, giữ được điều đó không, lại là một câu chuyện rất khác.

Cùng chia sẻ ý kiến của bạn về cuộc thi Giọng Hát Việt tại chủ đề #The-Voice trên Zing Live

Theo Thebox

Theo Thebox

Bạn có thể quan tâm