Tính từ 18h30 ngày 4/8 đến 6h ngày 5/8, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.943 ca nhiễm mới, trong đó 2 ca nhập cảnh và 3.941 ca ghi nhận trong nước (giảm 326 ca so với sáng hôm qua).
Các tỉnh, thành phố có thêm bệnh nhân là TP.HCM (2.349), Bình Dương (497), Tây Ninh (235), Long An (189), Tiền Giang (169), Đồng Nai (110), Đà Nẵng (92), Bà Rịa - Vũng Tàu (66), Vĩnh Long (58), Bình Định (35), Đồng Tháp (32), An Giang (21), Sóc Trăng (20), Phú Yên (17), Kiên Giang (12), Đắk Lắk (9), Quảng Bình (9), Trà Vinh (9), Bạc Liêu (6), Lạng Sơn (2), Thanh Hóa (1), Lâm Đồng (1), Quảng Trị (1), Hà Tĩnh (1); trong đó có 1.008 ca cộng đồng.
Tính đến sáng ngày 4/8, Việt Nam có 181.756 ca nhiễm gồm 2.331 ca nhập cảnh và 179.425 ca mắc trong nước. Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 177.855 ca, 51.558 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Ba tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Thái Bình.
10 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định, Yên Bái.
Về tình hình điều trị, tổng số ca được điều trị khỏi: 54.332. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 470 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 21 ca.
Trong ngày, 263.272 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 7.553.318 liều (mũi 1: 6.774.332 liều, mũi 2: 778.986 liều).
Trước tình hình dịch còn phức tạp, song song với việc hướng dẫn cơ sở y tế thực hiện phân tầng điều trị theo tình trạng bệnh nhân, Bộ Y tế đã thành lập nhiều trung tâm ICU tại phía Nam do các bệnh viện tuyến trung ương đảm nhiệm.
Các chuyên gia hàng đầu được tăng cường giúp địa phương chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 hiệu quả. Tại TP.HCM, Bộ Y tế đã chỉ đạo thành lập 5 trung tâm hồi sức với công suất 2.700 giường ICU. Hà Nội cũng đang gấp rút xây dựng Trung tâm ICU và chuẩn bị cơ số giường cấp cứu, dự kiến sẽ hoàn thành ngay tới đây.
Trong buổi làm việc với Bộ Y tế mới đây, TS Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, đánh giá cao việc Việt Nam đã khẩn trương thành lập các Trung tâm ICU tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch nhằm giảm tỷ lệ tử vong.
Tại điểm nóng của dịch là TP.HCM, trong văn bản khẩn gửi các cơ sở y tế điều trị Covid-19 và UBND quận, huyện do Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng ký, cơ quan này đã có hướng dẫn chi tiết về việc triển khai quản lý sức khỏe người nhiễm SARS-CoV-2 cách ly tại nhà.
Theo Sở Y tế TP.HCM, khi người nhiễm SARS-CoV-2 cách ly tại nhà, trạm y tế phường, xã, thị trấn sẽ có trách nhiệm theo dõi tình hình sức khỏe hàng ngày qua tài khoản quản trị của phần mềm.
Khi nhận cuộc gọi của người dân trên địa bàn, Tổ phản ứng nhanh phải đánh giá ngay mức nguy cơ dựa vào triệu chứng qua khai báo của người gọi (khó thở, tím tải, lơ mơ...) để quyết định đưa xe vận chuyển đến tận nhà người dân. Trên xe đảm bảo có bình oxy, dụng cụ thở oxy (mask, cannula...), máy đo SpO2 (máy đo nồng độ oxy trong máu).