Đây là hệ lụy từ QĐ 685/2007/QĐ-UBND ngày 2/3/2007 của UBND tỉnh Thanh Hóa khi giao quyền tự chủ cho địa phương, nhưng… không ai chịu trách nhiệm.
Bất ngờ và cay đắng
Ngày 19/8/2016, UBND huyện Yên Định ra QĐ số 1251/QĐ - UBND thông báo chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) đối với 647 giáo viên (GV) đang công tác tại các trường THCS, trung tâm GDTX, trung cấp nghề trên địa bàn huyện.
Trong tổng số 647 GV, có 124 GV HĐ không xác định thời hạn sẽ bị đơn phương chấm dứt HĐLĐ và 523 giáo viên HĐ có thời hạn (1 năm hoặc 6 tháng) sẽ không được tiếp tục ký lại HĐLĐ, lý do UBND huyện không có nhu cầu sử dụng lao động HĐ tại thời điểm hiện tại.
Quyết định trên đã gây ra nhiều khó khăn, thiệt thòi đối với 647 GV. Cô Nguyễn Thị Hạnh, 37 tuổi, với 12 năm dạy bộ môn Lịch sử tại Trường THCS Yên Trường, buồn bã nói: “Sau 12 năm gắn bó giờ trắng tay, chả được gì, không được đi dạy, hy vọng bao năm giờ tan thành mây khói, đổ xuống sông xuống biển. Giờ muốn xin đi làm công nhân cũng khó, bởi chúng tôi đã quá tuổi rồi”.
Thật cay đắng khi mới đây, chị được Chủ tịch UBND huyện Yên Định tặng giấy khen sau 12 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người. “Nhận cái này để làm gì khi vừa nhận nó vừa tuôn nước mắt” - chị Hạnh ngậm ngùi.
Cầm quyết định chấm dứt hợp đồng lao động trên tay, thầy giáo Đặng Ngọc Tới - GV ngữ văn tại Trường THCS Yên Thọ, huyện Yên Định - buồn bã: “Vậy là sau gần 10 năm gắn bó, cống hiến với nghề, hôm nay nhận được tờ A4 nghỉ việc, sao mà xót xa!”.
Thầy Tới ký HĐLĐ không xác định thời hạn với UBND huyện Yên Định ngày 8/11/2007. Người ký QĐ với thầy Tới là bà Phạm Thị Hoa, thời điểm đó là Phó chủ tịch UBND huyện, sau đó lên làm chủ tịch, bà Hoa cũng ký hàng loạt quyết định tương tự.
Ông Lê Xuân Thành - Phó chủ tịch UBND huyện Yên Định cho biết: “Chúng tôi đang lên kế hoạch để hỗ trợ cho mỗi giáo viên hai tháng lương cơ bản. Nguyên nhân của việc cắt hợp đồng lao động bên cạnh việc thực hiện nghị quyết trung ương trong việc tinh giản biên chế, còn có sự thiếu hụt về học sinh dẫn đến thiếu hụt 40 lớp học trên địa bàn toàn huyện”.
Trước đó, ngày 28/6, UBND huyện Vĩnh Lộc cũng ra thông báo số 98/TB-UB về việc dừng ký lại hợp đồng với 376 GV.
Bất ngờ, cay đắng, tủi phận là tâm trạng chung của hơn 1.000 GV ở hai huyện trên. Còn bao nhiêu giáo viên khác - những người cũng được ký HĐLĐ “căn cứ” QĐ 685 trên địa bàn 25 huyện, thị còn lại của tỉnh Thanh Hóa đang trong tâm trạng thấp thỏm lo âu.
Các quyết định tuyển dụng và chấm dứt hợp đồng của các cô giáo. Ảnh: Lô Giang - X.H/Lao Động. |
Thả cửa ký hàng loạt hợp đồng
QĐ 685/2007/QĐ-UBND ngày 2/3/2007 về việc ban hành quy định phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức được ông Nguyễn Văn Lợi - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thời điểm đó ký ban hành, thực hiện trên toàn tỉnh.
Điểm d, khoản 2, Điều 21 quy định thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp huyện theo QĐ 685 cho phép chủ tịch UBND huyện “thành lập hội đồng để tổ chức thi hoặc xét tuyển và quyết định việc tuyển dụng viên chức; ký hợp đồng làm việc tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc đối với những người được tuyển dụng”.
Từ sự “cởi mở” này, một số chủ tịch UBND cấp huyện đã thả cửa ký HĐLĐ với các giáo viên trong đó huyện Yên Định ký HĐLĐ với 647 giáo viên .
Còn huyện Vĩnh Lộc, ông Vũ Ngọc Ninh, Chủ tịch UBND huyện này giai đoạn 2004 - 2008 (bố đẻ bà Vũ Thị Hương - Chủ tịch UBND đương nhiệm) và ông Lê Quang Tuấn, Chủ tịch UBND huyện này giai đoạn 2008 - 2014 (hiện là Bí thư Huyện uỷ) đã ký hợp đồng với 376 GV.
Điều tra của Lao Động cho thấy, lãnh đạo huyện này ký HĐLĐ với giáo viên không thông qua tổ chức thi tuyển, xét tuyển mà chủ yếu bằng con đường “cơm rượu, tình cảm” như chính sự xác nhận của ông Tuấn.
Theo kết luận thanh tra tỉnh Thanh Hóa, thời kỳ đương nhiệm Chủ tịch UBND huyện Yên Định, bà Ngô Thị Hoa cũng mắc hàng loạt sai phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức. Nay bà Hoa đã nghỉ hưu, đời sống khá giả.
Sau bao năm phấn đấu, tin tưởng, giờ hàng nghìn GV tay trắng. QĐ 685/2007/QĐ - UBND với ý nghĩa trao quyền tự quyết, tự chịu trách nhiệm cho địa phương đã không được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến hệ lụy, ký hàng loạt HĐLĐ với GV, không cần căn cứ chỉ tiêu, không cần biết tương lai của họ ra sao, trong khi nghề giáo là nghề đặc thù.
Một vị lãnh đạo Sở GDĐT Thanh Hóa xin giấu tên bức xúc cho rằng, QĐ 685 có quá nhiều bất cập. Giờ hàng nghìn GV bị xâm phạm quyền lợi, Sở GDĐT cũng khó can thiệp sâu vì sở này không được trao quyền như… chủ tịch UBND huyện.