Theo CBNC, nghiên cứu do các nhà khoa học ở Đại học Oxford, Anh, thực hiện. Kết quả này đã bổ sung thêm bằng chứng cho thấy vaccine Covid-19 có thể làm giảm sự lây truyền của biến chủng Delta. Vaccine không ngăn ngừa 100% khả năng lây nhiễm nhưng giúp người mắc đã được tiêm chủng ít lây lan virus hơn.
Pfizer và AstraZeneca hiệu quả với biến chủng Alpha cao hơn Delta
Những người đã tiêm vaccine Covid-19 mà vẫn mắc bệnh được gọi là hiện tượng nCoV xuyên qua hàng rào miễn dịch (breakthrough infection). Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng khuyến cáo: "Vaccine được phê duyệt có hiệu quả cao, nhưng vẫn có những trường hợp mắc Covid-19 do virus xuyên qua hàng rào miễn dịch, đặc biệt trước khi đạt được miễn dịch cộng đồng đủ để giảm nguy cơ lây nhiễm".
Nhóm chuyên gia tại Đại học Oxford đã kiểm tra hồ sơ tiêm chủng của 150.000 người dân nước Anh. Những người này gồm nhóm đã tiêm ít nhất một mũi vaccine Pfizer hoặc AstraZeneca; trường hợp chưa được tiêm chủng. Sau đó, họ xem xét cách thức vaccine ảnh hưởng sự lây lan của nCoV nếu người đó vẫn bị nhiễm biến chủng Delta hoặc Alpha.
Kết quả cho thấy cả hai loại vaccine đều giảm sự lây nhiễm. Trong đó, hiệu quả bảo vệ trước biến chủng Alpha cao hơn Delta.
Khả năng lây virus ở người đã tiêm đủ hai liều Pfizer nhiễm biến chủng Delta thấp hơn 65%. Trong khi đó, một người đã tiêm chủng đủ hai liều AstraZeneca có khả năng lây nhiễm virus cho người khác giảm thấp hơn 36%. Nói cách khác, hệ số lây nhiễm của người đã tiêm hai liều Pfizer hoặc AstraZeneca lần lượt giảm 65% hoặc 36% so với nhóm chưa được tiêm đủ.
Hệ số lây nhiễm (Rt) là dữ liệu quan trọng trong việc đánh giá mức độ lây nhiễm của dịch bệnh. Nó được định nghĩa là số người trung bình bị lây nhiễm từ một F0. Ví dụ, Rt bằng 5 nghĩa là một F0 lây cho 5 người.
Ngoài ra, nhóm cũng phát hiện nguy cơ người tiêm vaccine mắc Covid-19 lây virus cho người khác cao hơn nếu họ mới nhận được một liều.
Nghiên cứu mới cho thấy tiêm đủ hai liều vaccine Pfizer hoặc AstraZeneca giúp giảm sự lây nhiễm virus khi mắc Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên, nghiên cứu mới cũng cho thấy khả năng bảo vệ khỏi sự lây nhiễm sẽ mất dần theo thời gian. Sau 3 tháng, những người đã tiêm vaccine AstraZeneca có khả năng lây lan virus như nhóm không được tiêm chủng. Trong khi đó, con số này ở người được tiêm Pfizer thấp hơn.
Mức độ kháng thể cũng có xu hướng giảm theo thời gian sau khi tiêm chủng, do đó, TS Aaron Richterman, Đại học Pennsylvania, người không tham gia vào nghiên cứu, cho rằng khả năng bảo vệ khỏi sự lây lan virus cho người khác cũng tỷ lệ thuận.
"Lượng kháng thể lưu thông trong máu giảm dần theo thời gian sau khi tiêm chủng, song, trí nhớ miễn dịch vẫn mạnh mẽ và vẫn có thể ngăn ngừa lây nhiễm, đặc biệt là bệnh trở nặng", vị chuyên gia nói. Do đó, những kháng thể sẵn có vẫn bảo vệ người tiêm khỏi bị lây nhiễm nCoV. Tuy nhiên, khả năng giúp họ ít lây lan virus cho người xung quanh sẽ kém hơn.
"Chúng ta cần kết hợp vaccine Covid-19 với các biện pháp khác để giảm tải lượng virus xuống thấp nhất", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Tranh luận
Nghiên cứu này được đăng tải trên medRxiv và đang chờ phản biện. Nhiều chuyên gia không tham gia vào nghiên cứu đánh giá cao kết quả này. Họ khẳng định các số liệu rất đáng tin cậy.
Tiến sĩ Aaron Richterman nhận định: “Đây là nghiên cứu chất lượng nhất mà chúng ta có được đến thời điểm này. Nó trả lời cho câu hỏi khả năng lây nhiễm virus của người đã được tiêm chủng vaccine là bao nhiêu, nó có bị ảnh hưởng trước biến chủng Delta hay không”.
Trong khi đó, nhà vi sinh vật học Susan Butler-Wu, Đại học Nam California, cho hay nghiên cứu này “rất tốt” vì nó phản ánh lây truyền trong thế giới thực, theo dõi sự lây lan giữa những người tiếp xúc gần gũi.
Tiêm vaccine và kết hợp các biện pháp phòng dịch như giãn cách, đeo khẩu trang được các chuyên gia đánh giá là điều cần thiết để sống chung với đại dịch. Ảnh: Bloomberg. |
Nhóm tác giả của Đại học Oxford sử dụng các giá trị ngưỡng chu kỳ (CT - cycle threshold). Đây là giá trị xuất hiện trong các xét nghiệm rRT-PCR - tiêu chuẩn vàng để phát hiện SARS-CoV-2. Trong xét nghiệm rRT-PCR, RNA được chiết xuất từ mẫu bệnh phẩm lấy từ bệnh nhân, được chuyển đổi thành DNA sau đó được khuếch đại.
Giá trị CT càng thấp thì tải lượng virus càng cao. Ngược lại, giá trị CT càng cao thì tải lượng virus càng thấp và đến một mức nào đó sẽ hoàn toàn không có khả năng lây nhiễm. Theo một số nghiên cứu tin cậy, người bệnh có giá trị CT >33 hoàn toàn không thể lây nhiễm virus.
Đây cũng là căn cứ mà nhiều nước sử dụng, trong đó có Việt Nam, để xác định F0 đủ điều kiện xuất viện. Trường hợp F0 nhưng có tải lượng virus thấp (giá trị CT> 30) có thể theo dõi, điều trị tại nhà.
Khi sử dụng CT, nhóm tác giả ở Anh tìm thấy tải lượng virus ở người nhiễm biến chủng Delta chưa được tiêm chủng và đã được tiêm chủng bằng nhau. Song, những người đã được tiêm phòng đầy đủ vẫn ít có nguy cơ lây nhiễm cho người khác hơn.
Trong khi đó, một nghiên cứu khác từ Trung Quốc, đăng tải trên medRxiv vào tháng 8, cho thấy mức độ lây truyền ở người đã tiêm hai liều vaccine giảm đáng kể so với nhóm chưa được tiêm chủng. Nghiên cứu này thực hiện trên 167 F0 nhiễm biến chủng Delta ở Quảng Đông vào tháng 5. 69% bệnh nhân là nam giới; độ tuổi trung bình: 47.
Số người không có triệu chứng, nhẹ, bình thường và nặng hoặc nguy kịch lần lượt là 8 (4,8%), 29 (17,4%), 111 (66,5%) và 19 (11,4%), không có báo cáo về trường hợp tử vong. 16 F0 (9,6%) được tiêm hai vaccine Covid-19 bất hoạt. 30 trường hợp (18%) được tiêm một liều.
Kết quả cho thấy khoảng thời gian lây nhiễm thứ phát ở những người này trung bình là 4 ngày. 95% F0 bắt đầu phát tán virus trong 8,2 ngày sau khi nhiễm bệnh.
So sánh với những người đã tiêm vaccine Covid-19, họ phát hiện CT của những người này thấp hơn 0,97 lần so với nhóm không được tiêm chủng; số lượng virus nhân lên giảm khoảng 3 lần.
Song, bà Butler-Wu cũng cảnh báo sự lây truyền của nCoV phức tạp hơn nhiều. Giá trị CT chỉ là bức ảnh “chụp tức thì” trong thời gian, không gian nhất định. Nó không phản ánh toàn bộ quá trình mắc bệnh, lây nhiễm của người nào đó.
Vị chuyên gia cho hay có khả năng người đã được tiêm phòng vaccine loại bỏ virus khỏi cơ thể nhanh hơn. Điều này cũng dẫn tới CT của họ thấp hơn.
Cuối tháng 7, một nghiên cứu của Singapore phát hiện nồng độ virus ban đầu ở những người nhiễm biến chủng Delta (dù tiêm hay chưa) đều giống nhau. Vào ngày thứ 7, tải lượng virus ở người được tiêm chủng suy giảm nhanh chóng. Điều này có thể làm giảm khả năng lây lan của họ.
Đồng quan điểm với TS Aaron Richterman, bà Butler-Wu cũng cho rằng dù kháng thể có suy giảm theo thời gian hay không, chúng ta vẫn cần đảm bảo các nguyên tắc phòng dịch như giãn cách, đeo khẩu trang. Bởi bạn sẽ không biết bản thân và người khác khi mắc Covid-19 sẽ có diễn biến bệnh như thế nào.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.