Theo Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), trong vòng bốn ngày, địa bàn huyện Ba Tơ đã xuất hiện 5 ca mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân sau ba năm tạm lắng.
Hai bệnh nhân mới là bà Phạm Thị Dách (27 tuổi, đang mang thai tháng thứ 5) và bé gái Phạm Thị Vị (9 tuổi, con gái của bà Dách) cùng ngụ thôn Làng Dút 1, xã Ba Nam, huyện miền núi Ba Tơ.
Các chuyên gia y tế khám cho bệnh nhân mắc hội chứng viêm da dày sừng ở huyện vùng cao Ba Tơ. Ảnh: Minh Hoàng. |
Qua kiểm tra, bước đầu các y bác sĩ xác định hai bệnh nhân này mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân, men gan tăng cao bất thường... Hiện mẹ con bà Dách được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ theo phác đồ của Bộ Y tế.
Trước đó, Trung tâm tiếp nhận điều trị ba bệnh nhân vừa nhập viện điều trị có dấu hiệu mắc hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân gồm: Phạm Văn Prênh (53 tuổi) và Phạm Thị E (47 tuổi) và A Troa (17 tuổi) đều ngụ ở thôn Tà Noát, xã Ba Ngạc. Do bệnh chuyển biến nặng, ba bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi cấp cứu, điều trị.
Ngày 13/12, các chuyên gia y tế của Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (Bình Định) phối hợp với Trung tâm y tế huyện Ba Tơ tổ chức khám sàng lọc cho người dân huyện Ba Tơ. Đoàn công tác đã triển khai giám sát dịch tễ, phun thuốc khử khuẩn, vệ sinh môi trường quanh các khu dân cư - nơi có người dân mắc hội chứng viêm da dày sừng mới phát hiện.
Thống kê của ngành y tế Quảng Ngãi, từ năm 2011 đến 2014, địa phương này có 228 ca mắc hội chứng viêm da dày sừng, trong đó có 26 người đã tử vong (chủ yếu xã Ba Điền, huyện vùng cao Ba Tơ).
Bệnh nhân đều chung triệu chứng dày sừng, nứt nẻ bàn tay và bàn chân. Họ đều có chỉ số men gan tăng, có người tăng 4 đến 5 lần, nhưng cũng có bệnh nhân tăng tới 10 đến 20 lần mức bình thường. Nhóm tuổi mắc bệnh xuất hiện nhiều ở nhóm 15-29.
Hội chứng viêm da dày sừng tay chân xuất hiện ở một số huyện miền núi Quảng Ngãi từng gây hoang mang cho người dân địa phương với tên gọi "bệnh lạ" vì suốt thời gian dài ngành y tế không xác định được nguyên nhân gây bệnh.
Đầu tháng 3/2013, Bộ trưởng Y tế căn cứ kết quả nghiên cứu dịch tễ học can thiệp từ tháng 5/2012 nhận định hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân ở Quảng Ngãi là do độc tố vi nấm, chủ yếu Aflatoxin, do ăn gạo cũ mốc, trên cơ địa người bị thiếu vi chất. Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn gạo cũ, vệ sinh môi trường và cơ thể sạch, khi có bệnh điều trị theo phác đồ đã được Bộ xác định.
Viện Vệ sinh - Y tế Công cộng TP HCM từng công bố kết quả kiểm nghiệm cho thấy hầu hết mẫu gạo lúa lấy tại huyện Ba Tơ đều nhiễm nấm mốc. Trong đó, mẫu lúa lấy ở xã Ba Nam - nơi xuất hiện những ca bệnh mới có độc tố Aflatoxin - cao hơn 100 lần cho phép.
Thực tế, những trường hợp nhẹ và vừa có thể điều trị khỏi, trong khi đó những ca nặng, rối loạn chức năng gan, tim, phổi, điều trị rất khó. Những ca tử vong do bệnh biến chứng nặng, suy đa phủ tạng đặc biệt là gan và thường kèm theo một số yếu tố như: suy dinh dưỡng, suy kiệt miễn dịch, nhiễm trùng…
Xã Ba Nam, huyện vùng cao Ba Tơ (Quảng Ngãi), nơi phát hiện hai bệnh nhân mới mắc hội chứng viêm da dày sừng tái phát. Ảnh: Google Maps. |