Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nguy kịch sau khi uống An Cung

Sau khi uống An Cung, người đàn ông này bị xuất huyết dưới da, xuất huyết cơ, chảy máu dạ dày và phải nhập viện cấp cứu.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) -cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhân được tuyến dưới chuyển trong tình trạng xuất huyết dưới da, rồi xuất huyết cơ, chảy máu dạ dày… do uống An Cung Ngưu Hoàng Hoàn.

Bệnh nhân là ông Nguyễn Văn Quang (đã đổi tên, 65 tuổi, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) bị bệnh tiểu đường, cao huyết áp. Do sợ bị tai biến vì huyết áp cao, ông Quang đã mua loại thuốc này để dự phòng. Ba tuần trước, ông có uống một liều.

Sau đó, người đàn ông này bị xuất huyết dưới da, xuất huyết cơ, chảy máu dạ dày và phải nhập viện cấp cứu ngày 31/3.  

nguy kich sau khi uong an cung anh 1
Một bệnh nhân đột quỵ đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: M.T.

Bệnh nhân được tiến hành các xét nghiệm, chiếu chụp cho thấy khả năng đông máu giảm, tình trạng xuất huyết dưới da ngày càng nặng, có chảy máu dạ dày, chảy máu trong cơ kèm theo biểu hiện suy gan.

Hiện nay, tình trạng của bệnh nhân dần ổn định nhưng về lâu dài chưa thể đánh giá do không biết tác dụng của An Cung Ngưu Hoàng Hoàn kéo dài bao lâu.

Theo bác sĩ Cấp, trước đây, nhiều trường hợp uống An Cung gây giảm đông máu, nhưng chỉ biểu hiện trên xét nghiệm các chỉ số đông máu giảm, chưa từng có trường hợp nào gây chảy máu nghiêm trọng như ca bệnh này.

“An Cung Ngưu Hoàng Hoàn không phải thuốc có tác dụng phòng tai biến. Thuốc này phải có chỉ định và chỉ được phép dùng trong trường hợp bị tai biến nhồi máu. Còn trong trường hợp ngược lại, bị tai biến xuất huyết não, uống vào sẽ càng nguy hiểm vì gia tăng chảy máu,” bác sĩ Cấp cảnh báo.

Theo Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, hiện thuốc có tên An Cung Ngưu Hoàng Hoàn lưu hành trên thị trường Việt Nam có nhiều nguồn gốc từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên,... được nhập khẩu vào Việt Nam qua đường phi mậu dịch hoặc qua đường chính thức. Đây là thuốc đông y có thành phần gồm các vị dược liệu và phải được sử dụng, kê đơn của các thầy thuốc Đông y.

Cơ quan này quy định rõ thuốc chỉ được dùng cho nhiệt bệnh, tà nhập tâm bào, cao nhiệt kinh quyết (sốt cao co giật), thần hôn (hôn mê), loạn ngữ (mê sảng); hôn mê do trúng phong (viêm não, viêm màng não, xuất huyết não thể bế chứng: có sốt cao, huyết áp tăng,…).

Thuốc được dùng đường uống, cần phải dùng thuốc theo đơn, đúng chỉ định và dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ y học cổ truyền hoặc thầy thuốc Đông y.

- Người lớn: 1 viên hoàn, 1 lần/ngày;

- Trẻ em dưới 3 tuổi: dùng 1/4 viên hoàn, 1 lần/ngày;

- Trẻ từ 4-6 tuổi: 1/2 viên hoàn, 1 lần/ngày

Liệu trình điều trị: 3 ngày liên tục, có thể dùng 5 ngày. Nên nhai viên thuốc hoặc uống từng phần nhỏ.

Đặc biệt, theo hướng dẫn của Bộ Y tế thuốc chống chỉ định với người tai biến mạch máu não, viêm não thể thoát chứng và thể chảy máu vào não thất của tai biến mạch máu não, người thể hàn, dương hư, tỳ vị hư hàn, phụ nữ có thai, người suy giảm chức năng gan, thận.

Người không có chuyên môn không thể phân biệt các chứngbệnh này. Do đó, việc người dân mua thuốc dự trữ cho người đột quỵ uống được khuyến cáo đây là hành động nguy hiểm.

An Cung: Thần dược cho người đột quỵ hay chiêu lừa quảng cáo?

Loại thuốc có giá hàng triệu đồng mà nhiều người đang xem là thần dược đối với bệnh nhân đột quỵ liệu có tác dụng như lời quảng cáo?


Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm