Nếu Emirates Airline đã bắt đầu sử dụng máy bay thân rộng 777-300ER với nhiều ghế hơn từ Dubai bay đến TPHCM, từ 16/11, Cathay Pacific cũng nâng tổng số chuyến bay nối Hong Kong với TP HCM lên 18 chuyến/tuần.
Đáng chú ý là khả năng trong năm mới 2016, sẽ có thêm đường bay Quảng Châu - Phú Quốc do China Southern Airlines khai thác, và đường bay liên lục địa nối Addis Ababa với TP HCM của Ethiopian Airlines.
Thêm đường bay mới đến Trung Quốc
Vào ngày 10/12, Hãng hàng không Trung Quốc Phương Đông (China Eastern Airlines) sẽ khai trương tuyến bay mới nối kết TP HCM với thành phố Côn Minh.
Hãng cho biết sẽ cung ứng mỗi tuần ba chuyến vào các ngày thứ ba, thứ năm và thứ bảy, khai thác bằng máy bay thân hẹp B737-800 với 8 ghế hạng thương gia và 156 ghế hạng phổ thông.
Máy bay sẽ xuất phát từ Côn Minh lúc 16h15, đến TP HCM lúc 18h10 và từ TP HCM bay về lại Côn Minh lúc 19h10 (giờ địa phương).
Ngoài ra, hãng cũng cung ứng chuyến bay giữa Hà Nội và Côn Minh với tần suất 2 chuyến/tuần vào các ngày thứ hai, thứ sáu kể từ ngày 7/12.
Từ Côn Minh, chuyến bay sẽ xuất phát lúc 18h20 đến Hà Nội lúc 18h30 và từ Hà Nội về lại Côn Minh lúc 19h30 (giờ địa phương).
Lâu nay, China Eastern Airlines vẫn có hai chuyến nối kết Hà Nội với Côn Minh với trung chuyển tại Nam Ninh, khai thác vào các ngày thứ năm và chủ nhật hằng tuần. Ngoài ra còn 7 chuyến mỗi tuần nối TP HCM với Thượng Hải (sân bay quốc tế Phố Đông).
B737-800 của China Eastern Airlines. |
Đường bay kết nối mới lạ
Sang tháng 6/2016, doanh nhân và du khách Việt Nam có thêm một điểm đến thật hấp dẫn để tìm cơ hội làm ăn và du lịch, ngoạn cảnh là New Zealand.
Ngày 13/11 vừa qua, Air New Zealand thông báo sẽ mở đường bay thẳng, nối liền Auckland với TP HCM.
Đại diện của hãng hàng không lớn nhất New Zealand và nổi danh toàn cầu này (mới được vinh danh với giải World Travel Awards 2015 - Hãng bay hàng đầu khu vực Australia - Á) cho biết, buổi đầu, trong thời gian từ tháng 6-10/2016, Hãng sẽ cung ứng mỗi tuần ba chuyến bay non-stop kéo dài 11 tiếng bằng máy bay B767-300 (224 ghế) và có khả năng sẽ chuyển thành chuyến bay thường nhật, khai thác bằng máy bay lớn hơn và hiện đại hơn là B787-9 Dreamliner (302 ghế).
Hãng dự kiến đường bay quốc tế thứ 30 này sẽ gồm 85% là hành khách New Zealand đến Việt Nam du lịch. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm có trên 15.000 khách New Zealand đến Việt Nam và 3.000 khách Việt Nam đến New Zealand.
Hiện nay, Việt Nam là một thị trường tiêu thụ nhiều sản phẩm của nền kinh tế New Zealand.
Với đường bay mới hoàn toàn này, du khách Việt Nam sẽ có cơ hội thưởng ngoạn những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp của New Zealand một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn, không phải bay quá cảnh Singapore hay Sydney, Melbourne (Australia) như lâu nay.
B767 của Air New Zealand. |
Nối kết Istanbul với Hà Nội và TP HCM
Nếu mọi việc diễn biến trôi chảy như kế hoạch, vào khoảng cuối tháng 6/2016, đường bay mà doanh nhân và du khách Việt đã quen thuộc từ TP HCM đi Istabul, Thổ Nhĩ Kỳ có dừng chân tại Bangkok sẽ thay đổi hằn.
Hãng hàng không Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Airlines) dự định chuyển đường bay hàng ngày này thành 5 chuyến mỗi tuần với đặc điểm: không ghé Bangkok như hiện nay, gồm 3 chuyển từ Istanbul đến Hà Nội và từ hai chuyến là từ Istanbul đến TP HCM.
Lộ trình bay mới sẽ là 3 ngày bay Istanbul - Hà Nội - TP HCM - Istanbul và 2 ngày bay Istanbul - TP HCM - Hà Nội - Istanbul (không rước khách ở hai chặng nội địa Việt Nam). Loại máy bay phục vụ sẽ là Airbus A 330-300 và A 340-300.