Trong buổi thi Toán sáng 7/6, TP.HCM có thêm một thí sinh mang điện thoại vào phòng thi bị phát hiện. Ảnh minh họa: Shutterstock. |
Chiều 7/6, TP.HCM tổ chức họp báo để thông tin về kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trên địa bàn thành phố.
PA03 xác định không lộ, lọt đề
Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết ca thi Toán sáng 7/6 có 320 thí sinh vắng mặt và ca thi môn chuyên chiều 7/6 có 50 em không dự thi.
Trong ca thi môn Toán, một thí sinh vi phạm quy chế thi, đem điện thoại vào phòng thi. Trước giờ thi, cán bộ coi thi 2 đã nhắc nhở nhiều lần trước khi mở túi đề nhưng thí sinh vẫn để trong váy.
Khi đứng lên xin thêm giấy thi, điện thoại em này bị rớt ra. Cán bộ đã lập biên bản và xử lý, đình chỉ ngay lập tức, đồng thời xác định đây là hành vi cố ý vi phạm.
Ngoài lập biên bản, cán bộ đã chuyển điện thoại cho PA03 xác định không có tình trạng lộ lọt đề thi.
Trước đó, vào buổi thi môn Ngoại ngữ, một thí sinh vi phạm quy chế cũng do mang điện thoại vào phòng thi.
Trước giờ thi, cán bộ coi thi đã nhắc nhở trước khi mở túi đề nhưng thí sinh vẫn để trong váy. Khi có cuộc gọi đến, em này bị cán bộ phát hiện, lập biên bản và xử lý. Cán bộ điểm thi xác định trường hợp này là cố ý vi phạm.
Đề thi phải có sự phân hóa
Cũng tại buổi họp báo, đại diện Sở GD&ĐT đã trả lời cầu hỏi về việc thí sinh phản ánh đề thi môn Toán dài và khó. Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, nhấn mạnh kỳ thi lớp 10 ở TP.HCM là kỳ thi tuyển sinh, mục tiêu là để tuyển sinh chứ không phải tốt nghiệp nên đề không thể dễ quá được.
"Dễ quá thì lại nói là mưa điểm 10. Chúng ta phải hiểu tính chất kỳ thi là gì, là để tuyển sinh. Tuyển sinh thì phải có sự phân hóa, em nào làm được thì vào được trường tốp đầu", ông Nam nhấn mạnh.
Ông Lê Hoài Nam phản hồi việc thí sinh phàn nàn đề Toán khó. Ảnh: Thái An. |
Theo Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, để đạt được mục đích tuyển sinh, đề thi phải thể hiện được tính phân hóa, có câu khó, câu dễ để đánh giá được thí sinh phù hợp, giúp chọn ra được những học sinh có trình độ cao hơn.
"Đề khó thì khó chung, nó không ảnh hưởng đến nguyện vọng của các em”, ông Nam nói, đồng thời nói rằng đề thi lớp 10 năm nay vẫn đảm bảo đủ yêu cầu để tuyển sinh.
Tương tự, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết trước khi có đề thi chính thức, tổ ra đề đã phải xây dựng ma trận đề phù hợp. Từ năm 2014 đến nay, công tác xây dựng ma trận đề vẫn như vậy, hàng năm sẽ có thêm câu hỏi mang tính thực tế để giúp học sinh có thêm khả năng vận dụng kiến thức vào đời sống.
"Trẻ phải biết áp dụng toán cho cuộc sống chứ không phải cứ giải phương trình ra giấy là xong", ông Minh nêu quan điểm.
Ông Hồ Tấn Minh cũng đề cập đến một vấn đề là kỳ thi lớp 10 năm 2024 đánh dấu kết thúc chương trình cũ và chuyển qua chương trình giáo dục 2018. Mục tiêu của chương trình mới là giải quyết năng lực, phẩm chất chứ không chỉ là vấn đề kiến thức nên đề thi sẽ đưa ra nhiều câu hỏi mang tính ứng dụng thực tế.
Về việc thí sinh phàn nàn đề dài và khó, sau chiều 7/6 - khi tổ ra đề rời khỏi khu "cách ly", Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ trao đổi thêm với tổ ra đề và sớm có thêm thông tin giải đáp cho thí sinh và phụ huynh.
"Đề khó thì khó chung, khi chấm thi, giám khảo sẽ có cách chấm khách quan nhất để đảm bảo công bằng cho thí sinh", ông Minh nói.
Nói thêm về kỳ thi lớp 10 năm 2024, ông Lê Hoài Nam cho biết TP.HCM là thành phố có số lượng thí sinh thi lớp 10 cao thứ 2 cả nước, chỉ sau Hà Nội.
Ông đánh giá rằng nhìn chung, đây là một kỳ thi thành công từ khâu chuẩn bị - khi cho thí sinh chọn nguyện vọng, chuẩn bị cơ sở vật chất thi - cho đến khâu thực hiện.
Sau khi kỳ thi kết thúc, bắt đầu từ ngày 8/6, TP.HCM sẽ tổ chức chấm thi và công bố kết quả vào ngày 20/6. Từ ngày 21-24/6, thí sinh có quyền nộp đơn phúc khảo bài thi. Hội đồng chấm thi có một tuần, từ ngày 24-30/6 để chấm các bài thi phúc khảo.
Đến ngày 10/7, các trường công lập ở TP.HCM công bố điểm chuẩn công bố điểm chuẩn và danh sách thí sinh trúng tuyển. Sau đó, từ ngày 11/7 đến 1/8, thí sinh trúng tuyển sẽ xác nhận nhập học.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.