Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thi 5 lần 7 lượt, tốn cả chục triệu đồng với chuẩn đầu ra ngoại ngữ

Để tốt nghiệp đại học, sinh viên cần đạt đủ điều kiện về chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Tuy nhiên, nhiều người phải chật vật với loại chứng chỉ này vì khả năng tiếng Anh không tốt.

Sinh viên đại học gặp khó khăn với việc học tiếng Anh nên thi chuẩn đầu ra cũng có trở ngại. Ảnh: Phương Lâm.

Hàng tuần, N.L. (sinh viên năm cuối tại một học viện ở Hà Nội) đều dành 2 buổi tối học tại trung tâm tiếng Anh và 1-1,5 giờ mỗi ngày để tự học với mục tiêu thi đạt tối thiểu IELTS 6.5. Đây là chứng chỉ L. cần đạt được để kịp tốt nghiệp vào cuối năm học này.

Nữ sinh cho hay từ đầu năm 3 đại học, cô đã bắt đầu tự học để sớm hoàn thành yêu cầu này song không hiệu quả. L. liền đăng ký 2 khóa học IELTS tại trung tâm. Đầu tư gần 20 triệu đồng song đến nay, nữ sinh vẫn hoang mang, lo lắng, sợ không đạt mức 6.5 IELTS để đủ điều kiện ra trường.

“Có thời gian, mình cảm thấy rất căng thẳng, đến nỗi đi ngủ cũng nằm mơ thấy đang luyện đề IELTS. Sáng dậy, tâm trí mình mệt mỏi khi nghĩ đến chuẩn đầu ra ngoại ngữ”, L. chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Thi mãi không xong

Để đủ điều kiện xét tốt nghiệp, L. phải có ít nhất IELTS 6.5 hoặc chứng chỉ TOEIC 750. L. nói lúc mới lên đại học, cô cũng có tính học và thi sớm, nhưng do không thích tiếng Anh, cô cứ trì hoãn mãi, giờ mới thấy hối hận. Lên năm 3, học chuyên ngành, đi thực tập khiến nữ sinh không còn quá nhiều thời gian để tập trung cho việc học ngoại ngữ.

chuan dau ra ngoai ngu anh 1

Một số trường yêu cầu sinh viên phải đạt trình độ IELTS 6.5 hoặc có các chứng chỉ tương đương mới được tốt nghiệp. Ảnh: Telegraph.

Với nhiều người, mức IELTS 6.5 có vẻ thấp, song với L., đây là mức cao, khiến cô chật vật nhiều tháng để học. Dù không mất gốc tiếng Anh, L. vẫn cảm thấy bài thi IELTS khó bởi mang tính học thuật cao và nhiều dạng bài riêng. Có thời điểm, L. học mãi không vào.

“Hiện tại, khả năng của mình ở tầm 6.0-6.5. Còn gần 4 tháng nữa mới thi nhưng mình lo lắm, thường trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, chỉ sợ ra trường muộn nếu không thi đạt. Chưa kể, nếu thi trượt, mình lại tốn thêm một khoản để thi lại", L. chia sẻ.

Không phải thi IELTS để tốt nghiệp như N.L., nhưng Huyền Linh (sinh viên tại Đà Nẵng) cũng phải chật vật thi đến lần 3 mới có thể đậu chứng chỉ ngoại ngữ B1.

Tự đánh giá bản thân không có năng khiếu học ngoại ngữ, ngay từ khi chọn nguyện vọng đại học, Linh đã cố tình chọn ngành không liên quan tiếng Anh và không có chuẩn đầu vào, đầu ra ngoại ngữ quá cao để tránh “làm khó chính mình”.

Thế nhưng, khi vào đại học, nữ sinh vẫn liên tục gặp “kiếp nạn” với tiếng Anh. Do tiếng Anh không tốt, Linh vất vả mới qua 2 học phần tiếng Anh đầu tiên. Nhưng đến học phần 3 và 4 - hai học phần khó hơn - cô trượt môn và phải tốn tiền học lại.

Đến lúc chuẩn bị tốt nghiệp và phải thi tiếng Anh chuẩn đầu ra, dù chỉ là tiếng Anh B1, Linh vẫn gặp khó khăn do kiến thức không đủ vững. Năm cuối đại học, nữ sinh gần như chỉ dành thời gian để đi làm nên quên luôn việc ôn thi tiếng Anh. Do đó, cô trượt 2 lần và phải thi lại đến lần thứ 3 mới miễn cưỡng có được chứng chỉ tiếng Anh B1.

“Mình học tiếng Anh ở đại học không tiếp thu được vì tốc độ dạy khá nhanh, trình độ của sinh viên trong lớp lại không đồng đều. Bản thân mình thuộc dạng mất gốc nên không theo kịp, cứ thế bị tụt mãi rồi học không nổi”, Linh kể.

Sai lầm khiến sinh viên khó học tốt tiếng Anh

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, chuẩn đầu ra ngoại ngữ được xác định theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam ban hành từ năm 2016. Trong đó, yêu cầu với người có bằng đại học là năng lực ngoại ngữ bậc 3/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam, tương đương trình độ B1 theo khung châu Âu.

Các ngoại ngữ đang được áp dụng hiện nay là tiếng Anh, Trung, Pháp, Đức, Nhật, Hàn, Nga. Từng trường đại học sẽ có những yêu cầu khác nhau với từng ngoại ngữ. Nhiều trường yêu cầu mức cao hơn so với mức tối thiểu Bộ GD&ĐT đặt ra.

chuan dau ra ngoai ngu anh 2

Sinh viên đại học dễ gặp những sai lầm khi học tiếng Anh nên khó đạt chuẩn đầu ra. Ảnh: Pexels.

Trao đổi với Tri Thức - Znews về việc sinh viên chật vật với chuẩn đầu ra ngoại ngữ, cô H.Q., giảng viên tiếng Anh tại một trường đại học ở Hà Nội, nói rằng nhìn chung, khả năng tiếng Anh của sinh viên kỹ thuật thường không cao bằng sinh viên ngôn ngữ, kinh tế, thương mại…

Trong quá trình dạy học, cô Q. nhận thấy sinh viên khối xã hội nói chung sẽ đầu tư học tiếng Anh nhiều hơn, còn sinh viên khối kỹ thuật lại không có sự đầu tư đáng kể. Nhiều sinh viên chỉ coi tiếng Anh như môn phụ và mục tiêu học chỉ là để qua môn, chỉ một số ít thực sự học và coi trọng môn này ở bậc đại học.

“Tôi thấy tiếng Anh có vẻ chưa phải là ưu tiên khi các bạn vào giai đoạn ôn thi/làm bài tập lớn. Rất nhiều trường hợp nộp bài muộn hoặc không nộp bài, giảng viên phải nhắc nhở nhiều”, cô Q. chia sẻ.

Tại trường cô Q. công tác, sinh viên không thuộc ngành ngôn ngữ sẽ được yêu cầu phải đạt trình độ tiếng Anh B1-B2 để tốt nghiệp. Tuy nhiên, nhiều bạn vẫn khó đạt được yêu cầu này do không tập trung học tiếng Anh trong suốt 4 năm đại học.

Cô giáo nói rằng trình độ B1, B2 ở 4 kỹ năng đòi hỏi người học phải rèn luyện xuyên suốt. Nếu chỉ học trong 1-2 khóa cấp tốc trong vài tháng, các bạn sẽ rất khó đạt được mục tiêu.

Nói thêm về việc học tiếng Anh của sinh viên, cô Q. chỉ ra một số sai lầm phổ biến của sinh viên đại học khi học ngôn ngữ như sau.

Thứ nhất, các bạn chưa chú tâm vào việc học phát âm, nghe, nói. Trước đây, nhiều bạn chưa có nền tảng nghe, nói tốt, đến khi học đại học lại ngại sửa. Điều này dẫn đến việc kỹ năng của các bạn không thể cải thiện.

Thứ hai, mục tiêu học tiếng Anh của các bạn rất ngắn hạn - học để qua môn. Cô Q. nói nhiều bạn năm nhất, năm hai chỉ muốn học để qua môn nên nhiều khi sa vào học tủ, học thuộc bài nói, bài viết để đi thi chứ thực sự chưa hiểu bài. Bởi vậy, nhiều năm học ở đại học, các bạn chưa trang bị cho mình kiến thức đủ vững để vượt qua kỳ thi chuẩn đầu ra.

Qua đó, để học tiếng Anh tốt hơn và cảm thấy dễ thở hơn khi thi chuẩn đầu ra, sinh viên có thể lưu ý đến việc học vững kiến thức cơ bản. Cụ thể, các bạn nên tận dụng thời gian trên lớp để tiếp thu các kiến thức nền, mạnh dạn trao đổi với giảng viên khi gặp khó khăn, làm đủ bài tập và thường xuyên xem lại các kiến thức đã học.

Đồng thời, các bạn nên tìm những phương pháp học thú vị hơn. Ví dụ, ngoài kiến thức sách vở, sinh viên có thể xem các video, bộ phim, đọc các mẩu tin thú vị ngắn bằng tiếng Anh để bổ trợ kỹ năng nghe, nói. Các bạn cũng nên thử tìm kiếm tài liệu bằng tiếng Anh (có phụ đề tiếng Việt) thay vì chỉ tìm tài liệu hoàn toàn bằng tiếng Việt.

Lưu ý cuối cùng là nâng cao sự tập trung và đảm bảo tính liên tục. Để học ngoại ngữ hiệu quả, cô Q. khuyên các sinh viên nên tập trung cao vào việc học và đảm bảo là học thường xuyên để không quên các kiến thức cũ khi tiếp thu các kiến thức mới.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.

Lý do học tiếng Anh cả chục năm vẫn chỉ bập bẹ vài câu đơn giản

Mười năm học tiếng Anh ở bậc phổ thông, thêm vài năm ở đại học, nhiều người thừa nhận tiếng Anh chỉ ở mức bập bẹ.

Thái An - Ngọc Bích

Bạn có thể quan tâm