Chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2020-2021 tại Hà Nội tăng nhẹ so với năm trước, song kỳ thi dự báo vẫn căng thẳng do chênh lệch giữa thí sinh tốt nghiệp THCS và chỉ tiêu.
Dự kiến số lượng học sinh tuyển vào trường THPT năm học 2020-2021 là 90.730 học sinh (tăng 5.776 em so với năm học 2019-2020).
Như vậy, khoảng 40.000 em tốt nghiệp THCS sẽ phải học trường ngoài công lập, hệ GDTX, trường nghề. Điều này cho thấy sức cạnh tranh vào trường công lập, thậm chí là một số trường dân lập cũng được dự báo là căng thẳng.
Cuộc đua vào trường công tại Hà Nội năm nay được dự báo căng thẳng. Ảnh minh họa: Thu Hằng/VOV. |
Quay cuồng với ôn tập và thi thử
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa bước vào kỳ thi, các trường THCS đang gấp rút hoàn thành chương trình học lớp 9 và ôn tập, trang bị kiến thức cho học sinh.
Tại trường THCS Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội), cô Trần Thị Thanh Vân cho biết, trường có hơn 100 học sinh lớp 9. Nhà trường đã xây dựng đề cương, ôn tập cho học sinh theo các nhóm đối tượng.
Với nhóm đối tượng yếu kém, nhà trường dành nhiều thời gian hơn để giúp các em nắm vững kiến thức. Hiện, trường tập trung tăng cường cho khối lớp 9 cả sáng và chiều, với những học sinh yếu giáo viên phải kèm đến 9-10h đêm.
“Học sinh được đăng ký dự tuyển vào 2 trường THPT công lập ở cùng một khu vực tuyển sinh, xếp theo thứ tự ưu tiên là NV1 và NV2. Học sinh muốn nhập học tại trường đăng ký NV2 phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn của trường ít nhất 1,5 điểm. Học sinh đã trúng tuyển NV1 sẽ không được xét tuyển NV2. Khi hạ điểm chuẩn, nhà trường chỉ nhận học sinh đăng ký NV1", ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết.
Cô Vũ Thanh Tiến, trường THCS Chu Văn An (Thanh Trì, Hà Nội), cũng cho biết: “Năm nay, trường có 141 học sinh lớp 9. Ngay từ khi các em quay trở lại trường vào tháng 5 sau đợt dài nghỉ dịch, nhà trường đã ưu tiên xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh lớp 9 để chuẩn bị thi vào 10.
Các thầy cô sẵn sàng có mặt từ 6h30 sáng để đón lớp và có hôm phải ở trường đến 9h tối để dạy cho các em có mong muốn ôn luyện thêm.
Đến thời điểm này, ngoài các bài kiểm tra khảo sát của trường còn có 3 bài kiểm tra do Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì tổ chức. Khi có kết quả, nhà trường đã tổ chức tư vấn chọn nguyện vọng (NV), thành phần gồm có giáo viên chủ nhiệm, bộ 3 giáo viên môn Văn - Toán - Anh và phụ huynh để xem với kết quả đó học sinh nên đăng ký vào trường nào để có khả năng trúng cao.
Một thầy giáo dạy lớp 9 tại một trung tâm giáo dục cho biết, trước ngày hạn chót nộp phiếu đăng ký nguyện vọng các con vẫn miệt mài làm thêm các bài kiểm tra đánh giá để có được điểm dự kiến sát nhất với khả năng để “chốt” việc chọn trường.
Chọn nguyện vọng thông minh, trường công rộng mở
Việc học sinh trúng tuyển vào lớp 10 công lập không phải do điểm thi cao hay thấp mà do tổng điểm tuyển sinh của HS có đáp ứng được điểm chuẩn của một trong các trường chọn lựa nguyện vọng hay không.
Tại Hà Nội, học sinh lớp 9 được phát phiếu đăng ký tự dự tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2020-2021. Học sinh nộp phiếu chậm nhất vào ngày 12/6 tại trường nơi đang học lớp 9.
Chị Phương Thúy, một phụ huynh có con học lớp 9, chia sẻ: “Kết quả thi học kỳ II, con được 42 điểm nhưng con vẫn quyết ghi nguyện vọng 1 trường Kim Liên, nguyện vọng 2 trường Lê Quý Đôn. Nhà em chọn nguyện vọng mà như chơi “cá cược” tương lai của con mình.
Nguyện vọng cao thì sợ “chết tức tưởi”, nguyện vọng thấp thì lại vào trường không đúng với khả năng. Nghe các con nói chuyện với nhau thấy áp lực quá, thi thử mà cũng “đau tim” nên rất thương, chỉ lo con ốm”.
Cô Trần Thị Thanh Vân phân tích năm nay, số lượng học sinh dự thi đông và nếu đề thi chỉ kiểm tra kiến thức cơ bản thì điểm chuẩn có thể sẽ tăng lên nên các con cần tính toán kỹ.
Ngay từ đầu năm học, hàng tháng trường đều có bài kiểm tra đánh giá học sinh. Cuối năm học, giáo viên chia trung bình điểm hàng tháng xem từng em đạt được mấy điểm. Do đó, phụ huynh nắm khá rõ năng lực của con trong suốt cả năm học.
Bên cạnh đó, mới đây, Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì ra đề thi học kỳ cũng khá sát với đề thi vào lớp 10. Trên cơ sở đó học sinh xác định rõ học lực để sắp xếp thứ tự nguyện vọng một cách thông minh, làm sao có được cơ hội tối đa trúng tuyển. Với học sinh sức học yếu, nhà trường cũng tư vấn phụ huynh có thể lựa chọn học nghề phù hợp với khả năng.
Nhằm bảo đảm quyền lợi cho học sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội cho phép học sinh có thể thay đổi nguyện vọng dự tuyển một lần vào ngày 24 và 25/6.
Trước đó, ngày 23/6, sở GD&ĐT sẽ công bố công khai số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 của từng trường THPT. Dựa vào đó, học sinh sẽ tính toán được “tỷ lệ chọi” của trường mình đăng ký dự tuyển.