Sáng 16/11, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn Quốc hội xoay quanh 3 nhóm vấn đề chính, gồm đổi mới giáo dục, quản lý chất lượng đào tạo và đổi mới thi cử.
Việc đổi mới thi THPT quốc gia (trừ Ngữ văn, các môn còn lại thi trắc nghiệm, trong đó có Giáo dục công dân) và bạo lực học đường cũng được các đại biểu nêu tại nghị trường.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng Giáo dục công dân là môn học cần thiết nhưng không có nghĩa đưa vào môn thi tốt nghiệp thì bạo lực học đường sẽ giảm.
"Chúng ta cần có phương pháp giáo dục tại gia đình, nhà trường và giảm bớt tác động tiêu cực xã hội như phim bạo lực, đồng bộ nhiều giải pháp, chứ đưa Giáo dục công dân vào môn thi tốt nghiệp và giảm bạo lực học đường thì không phải”, đại biểu Lợi nói.
Ông Bùi Sỹ Lợi, giáo dục học sinh phải kết hợp giữa gia đình, nhà trường. Ảnh: Anh Tuấn. |
Theo ông Lợi, trong nhiều năm phát triển giáo dục, Giáo dục công dân không phải môn chính. Chúng ta phải giáo dục các cháu từ gia đình, nhà trường, đạo đức xã hội, chứ không chỉ từ môn học này.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội bình luận thêm bạo lực học đường là vấn đề bức xúc, nhức nhối. Trước đây, bạo lực trong nhà trường thường là nam sinh nhưng nay lại xuất hiện ở nữ sinh. Không phải một hai em mà đánh nhau tập thể theo nhóm.
“Đây là biểu hiện xuống cấp, thiếu đạo đức, kém văn hoá của học sinh. Giáo dục công dân là môn học tốt nhưng không phải môn quyết định, phải là giáo dục nhân cách con người đi từ mẫu giáo tới các cấp học, được chuyển biến thông qua rèn luyện của thầy, quan tâm theo dõi chăm sóc của gia đình", ông Lợi nêu quan điểm.
Đại biểu này cũng cho rằng nhiều khi chúng ta sợ giáo dục giới tính nhạy cảm, nhưng thực tế rất quan trọng. Phổ cập phải theo hướng ở độ tuổi nào giáo dục mức độ đó, càng cao thì phải tiệm cận vấn đề tâm lý, chứ không rất nguy hiểm.
Sáng nay, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn Quốc hội, đề cập 3 nhóm vấn đề.
Đó là thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông theo nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội; thực hiện phân luồng cho học sinh cấp phổ thông theo định hướng nghề nghiệp.
Nhóm vấn đề về công tác quản lý chất lượng đào tạo, nhất là chất lượng đào tạo của các trường đại học do địa phương quản lý; giải pháp quản lý chất lượng giáo dục đại học, gắn với quy hoạch, dự báo và sử dụng nguồn nhân lực.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng đề cập việc thực hiện đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội; giải pháp ổn định việc tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đại học trong giai đoạn 2016-2020.