Thi sắc đẹp sau án mạng: 'Phải khóc vì sao một SV như thế bị giết'
"Ở bên Mỹ chắc ông hiệu trưởng sẽ từ chức ngay khi để xảy ra sự việc đau lòng, chứ chưa nói tiếp đó còn tổ chức văn nghệ hoành tráng như ở đây" - PGS Văn Như Cương chia sẻ.
Tới thời điểm này, vụ sát hại lớp trưởng Vũ Ngọc Cương - sinh viên khoa kiến trúc của ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội vẫn khiến nhiều người bàng hoàng. Ngày 19, Cương bị giết ngay tại giảng đường đại học khi bảo vệ người bạn. Tuy nhiên, một ngày sau, khi đám tang của Cương vừa diễn ra vào buổi chiều thì tối đến, ĐH Kinh doanh và công nghệ linh đình tổ chức cuộc thi hoa khôi. Điều này đã khiến dư luận bức xúc.
Vụ án diễn ra ngay tại giảng đường đại học đã khiến dư luận bàng hoàng về nạn bạo lực trong giới trẻ. |
Tại giờ khai mạc, bí thư đoàn trường - trưởng ban tổ chức cuộc thi đã chia sẻ về sự mất mát, đồng thời kêu gọi lối sống lành mạnh trong giảng đường. Sau đó, trả lời báo chí, lãnh đạo nhà trường cho biết dù sự việc đau lòng, nhưng cuộc sống thì vẫn tiếp diễn và do đó cuộc thi không thể hoãn. Những lý giải này vẫn không thể nhận được sự cảm thông của dư luận.
Một ngày sau án mạng, cuộc thi sắc đẹp dành cho nữ sinh vẫn diễn ra. |
PG.S Văn Như Cương (Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội): "Cách hành xử của nhà trường là vô cảm".
Về việc ĐH Kinh doanh và công nghệ tổ chức thi hoa khôi hoành tráng ngay sau đám tang của nam sinh vừa bị đâm chết tại trường, PGS.Văn Như Cương thể hiện sự bất bình: “Ngay sau đó lại tổ chức cuộc thi sắc đẹp, đây cũng là chuyện khó hiểu, dù có sự kiện quan trọng đến mấy thì việc trong trường vừa có người bị đâm, bị chém như vậy cũng không được tiến hành nữa”.
Theo PGS.Văn Như Cương, việc làm vừa qua của ĐH Kinh doanh công nghệ là “thực sự khó hiểu” vì lãnh đạo nhà trường đã chưa đánh giá được sự việc vừa qua là chuyện chấn động.
PGS Văn Như Cương (hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội). |
“Giả sử nếu có đám cưới trong nhà đã được có kế hoạch từ lâu nhưng ngày hôm trước bố hay em trai bị đâm chết thử hỏi ngày hôm sau đám cưới có thể còn được tiến hành theo kế hoạch hay không?”, PGS.Văn Như Cương lấy ra ví dụ.
Cách làm của ĐH Kinh doanh và công nghệ là đi ngược lại với truyền thống của dân tộc. Phó giáo sư cho biết: “Nếu là tôi, tôi sẽ hoãn ngay thậm chí hủy vô thời hạn cũng được... Ở bên Mỹ chắc ông hiệu trưởng sẽ từ chức ngay khi để xảy ra một sự việc đau lòng như vậy, chưa nói gì đến việc tiếp sau đó lại có một buổi văn nghệ hoành tráng. Ít nhất cũng phải để tang 3 ngày".
Trước việc lãnh đạo ĐH Kinh doanh công nghệ lý giải về việc đã lên kế hoạch tổ chức cuộc thi cách đây 2 tháng, PGS Văn Như Cương cũng bức xúc chia sẻ: “Tôi không chấp nhận được cách giải thích đó vì cái đau đớn nhất đang là người bị chết còn những chuyện kia là chuyện vớ vẩn, tôi thấy xử sự của ban giám hiệu là vô cảm. Tôi mà là ông hiệu trưởng thì phải khóc mấy tuần vì tại sao một sinh viên như thế của mình lại bị giết”.
Vị hiệu trưởng trường THPT dân lập Lương Thế Vinh cho rằng lúc này tài chính cũng không quan trọng, trước một cái chết con người như vậy. Dù tốn tiền bao nhiêu cũng phải ngừng, bởi như vậy mới là cách hành xử có văn hóa và theo truyền thống của dân tộc.
“Tôi rất thông cảm với nhà trường bởi sự việc xảy ra đột ngột, không thể lường trước được, không ngờ những em sinh viên lại có thể làm chuyện động trời đó. Nhưng sau sự việc như vậy mà nhà trường lại tiến hành cuộc thi về sắc đẹp thì không thể chấp nhận và thông cảm được”, PGS Văn Như Cương kết luận.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học): "Cách làm thiếu thận trọng".
Đánh giá về sự việc này, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng cách hành động của nhà trường là "thiếu thận trọng, vì làm thế thật trớ trêu và là sự lựa chọn không khôn ngoan". Ở đây, nhà trường đang thể hiện cách nhìn nhận khá lạnh lùng và thẳng băng về sự việc khi cho rằng “việc nào ra việc ấy”.
Việc vẫn tổ chức cuộc thi Hoa khôi sau một sự việc đau lòng vừa xảy ra tại trường với những lý lẽ đã nêu là “không thể biện minh được" và một phần là lỗi của nhà trường. Điều đó thể hiện tư duy có phần “xơ cứng” và “vật lý học” của lãnh đạo ĐH Kinh doanh và công nghệ.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học). |
PGS.TS Trịnh Hòa Bình cũng cảm thông với việc nhà trường đã phải mất công chuẩn bị cho cuộc thi trong nhiều tháng nhưng ở môi trường sư phạm ở một đất nước phương Đông thì đây là sự lựa chọn không khôn ngoan. Mặc dù có thể nhà trường biết trước sẽ bị dư luận, xã hội phản ứng. Nhà trường đã không thấy được hết hiệu ứng của sự việc và bỗng dưng trở thành “bị bông cho thiên hạ đấm”.
Về các ý kiến bình luận sự việc trên mạng, TS Trịnh Hòa Bình cho rằng: “Không chỉ cư dân mạng mà ngay cả những nhà giáo, những nhà hoạt động xã hội cũng lên án. Vấn đề này cần cần khả năng ứng xử xã hội lớn hơn tư duy "việc nào ra việc nấy”.
Trong trường hợp này, PGS.TS Trịnh Hòa Bình đưa ra cách giải quyết: “Mọi người bình luận đều có hạt nhân hợp lý, việc đã mất công chuẩn bị rồi thì có thể thi ở chỗ khác, không thể thi ở trường hoặc thậm chí gác lại”.
Theo ông Bình, không chỉ ở phương Đông mà phương Tây, mọi người rất ý tứ. Nếu coi đó là một tai nạn, một rủi ro thì phải hoãn lại cuộc thi hoa khôi ngay sau đó bởi nữ sinh nào được danh hiệu này chắc gì đã... sung sướng.
Thiên Trường – An Hoàng
Theo Infonet