Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) 2016 đã được Bộ GD&ĐT trình Chính phủ ngày 29/1 trước khi tổ chức lấy ý kiến rộng rãi. Theo một nguồn tin, dự thảo có một số thay đổi so với năm trước về tuyển sinh và xét tuyển.
Xét tuyển đợt 1 vào 2 trường
Để tránh tình trạng lộn xộn trong xét tuyển, năm nay Bộ GD&ĐT dự kiến thí sinh sẽ có 2 hình thức đăng ký xét tuyển là nộp phiếu đăng ký xét tuyển và lệ phí đăng ký xét tuyển cho trường qua đường bưu điện theo hình thức thư chuyển phát nhanh hoặc đăng ký trực tuyến.
Thí sinh cũng đăng ký xét tuyển đợt 1 vào 2 trường, mỗi trường không quá 2 nguyện vọng và không được thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, quy định thí sinh đăng ký trực tuyến đang khiến nhiều người băn khoăn vì còn liên quan đến việc nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Nếu đăng ký trực tuyến thì lệ phí xét tuyển sẽ được chuyển về các trường như thế nào?
Liên quan việc đăng ký xét tuyển các đợt bổ sung, dự kiến thí sinh được đăng ký tối đa vào 3 trường và không được thay đổi nguyện vọng trong đợt xét tuyển; thời gian đăng ký bắt đầu từ ngày 1/8 đến 20/10 (đối với ĐH), đến 15-11 (đối với CĐ).
Học sinh lớp 12 Trường THPT Marie Curie (TP HCM) trong giờ ôn tập. Ảnh: Người Lao Động. |
Bỏ quy định điểm xét tuyển đợt sau
Năm 2016, bên cạnh quy định các trường và nhóm trường tổ chức tuyển sinh theo đề án tuyển sinh riêng, các trường này dự kiến “có thể kết hợp xét tuyển những thí sinh đã dự kỳ thi THPT quốc gia có kết quả thi đáp ứng các tiêu chí bảo đảm chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định”.
Trong trường hợp sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành (nhóm ngành), các trường xác định và công bố công khai chỉ tiêu cho từng phương thức tuyển sinh.
Cũng theo dự kiến, những thí sinh đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, điểm xét tuyển là tổng điểm các môn thi theo từng tổ hợp và được làm tròn đến 0,25. Dự thảo Quy chế tuyển sinh 2016 cũng bỏ quy định điểm xét tuyển đợt sau không thấp hơn điểm xét tuyển đợt trước.
Thay đổi chính sách ưu tiên
Năm 2015, chính sách ưu tiên còn một số tồn tại chưa tạo sự công bằng cho các thí sinh. Mùa 2016, Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ có vài thay đổi như bỏ một số đối tượng người có công theo đề nghị của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Bỏ ưu tiên những đối tượng không đúng với quy định tại Pháp lệnh Người có công.
Theo dự thảo, đối tượng ưu tiên 01 là công dân Việt Nam, người dân tộc thiểu số có hộ khẩu thường trú từ 24 tháng trở lên trong thời gian học THPT tại các xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quyết định của Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Khu vực tuyển sinh cũng có sự thay đổi khi các thị xã trực thuộc tỉnh được quy định rõ sẽ thuộc khu vực 2 chứ không được là khu vực 2 - nông thôn. Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu thí sinh không bảo đảm điều kiện trúng tuyển.
Cơ cấu đề thi, cụm thi không thay đổi
Theo Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga, thời gian diễn ra kỳ thi THPT quốc gia vẫn giữ ổn định trong tháng 7. Các cụm thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2016 sẽ không thay đổi nhiều với 2 cụm thi dành cho thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT và cụm thi dành cho thí sinh vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển ĐH, CĐ.
Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho các thí sinh vùng giáp ranh trong việc di chuyển tới nơi thi, Bộ GD&ĐT đồng ý cho các thí sinh vùng giáp ranh được tự chọn cụm thi phù hợp.
Liên quan vấn đề được nhiều thí sinh quan tâm là đề thi, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, đề thi căn bản không thay đổi vì đã định hướng cho thí sinh học ngay từ đầu năm.
Đề thi như năm 2015 được các trường ĐH đánh giá tốt và đã chọn được học sinh tốt, đồng đều vào trường, chất lượng tốt hơn các năm trước. Theo đó, cơ cấu đề thi gồm 60% là kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao để phân loại thí sinh.