Sau kết quả chấm thẩm định, Bộ Công an đã trả 53 thí sinh Hòa Bình, Sơn La được nâng điểm về địa phương. Nhiều thí sinh là thủ khoa, á khoa của các trường quân đội cũng đến từ Sơn La, Hòa Bình.
Đáng chú ý, thí sinh N.A.T. được nâng đến 26,55 điểm, xét tuyển vào Học viện Cảnh sát Nhân dân. Trong khi đó, nhiều thí sinh học thật, thi thật, chỉ thiếu 0,1 đến 0,5 điểm, lại bị kẻ khác dập tắt ước mơ trước cánh cổng trường công an, quân đội.
Kẻ được nâng gần 30 điểm đỗ đại học, người thiếu 0,45 điểm phải ra đi
Câu chuyện của Đinh Văn Cầu (21 tuổi, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) là một nghịch lý buồn của bất công thi cử. Năm 2018, nam sinh xét tuyển khối C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) với 25,75 điểm, đủ mức trúng tuyển vào trường. Do số lượng trúng tuyển vượt quá chỉ tiêu, nhà trường xét thêm tiêu chí phụ là điểm môn Ngữ văn.
Tưởng chừng đã chạm đến cánh cổng trường mơ ước, Cầu lại trượt đại học lần thứ hai chỉ vì tiêu chí phụ. Trước đó, năm 2017, nam sinh thi trường Sĩ quan Chính trị Công an Nhân dân được 25,55 điểm, thiếu 0,45 điểm.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, gần một năm sau kỳ thi đại học mà có những thí sinh được nâng gần 30 điểm/3 môn ấy, Cầu phải đi làm công nhân tại Hưng Yên kiếm sống.
Sơn La là một trong những địa phương xảy ra gian lận thi cử THPT quốc gia 2018. Ảnh: Ngọc Tân. |
Hai năm Cầu ôn thi đại học là sự cố gắng quá nhiều của cả gia đình. Nghĩ cảnh bố mẹ nhịn ăn tiêu, để tiền cho con đi học, chàng trai thôn quê lại buồn khôn tả khi ước mơ giảng đường của mình không thể thành hiện thực, vì thiếu 0,45 điểm, thậm chí là tiêu chí phụ.
Đau đớn thay khi biết rằng hàng trăm thí sinh "con quan" được nâng hàng chục điểm để trở thành sinh viên trường công an, quân đội, y, kinh tế. Thậm chí, nhiều người còn đỗ thủ khoa, được xã hội tôn vinh ở trường đại học.
Cầu bảo, nếu cho thi lại, chắc em cũng không tham gia nữa vì "không còn tin tưởng vào kỳ thi đầy bất công đó".
Nam sinh buồn rầu nói lượng thí sinh tiêu cực đổ vào khối trường công an, quân đội lớn, họ đã lấy đi ước mơ, thậm chí là cơ hội đổi đời, của những chàng trai nghèo chỉ biết nỗ lực học tập. Theo Cầu, nếu không có chuyện gian lận nâng điểm, có lẽ, cậu đã không bị loại vì tiêu chí phụ một cách đau đớn như vậy.
“Thi cử là kết quả của quá trình học tập, quyết định thành công của mỗi con người. Thí sinh nỗ lực phấn đấu vào các trường yêu thích bị trượt vì con ông cháu cha gian lận, khiến em rất buồn”, Đinh Văn Cầu nói.
Cũng thi vào trường quân đội, năm 2018, Lê Hoàng - hiện theo ngành Luật tại TP.HCM - xét tuyển khối C00 vào Học viện Biên phòng. Hoàng được 23 điểm trong khi điểm chuẩn là 23,25.
Khi trượt đại học, cảm giác của nam sinh là buồn và hụt hẫng nhưng vẫn tự nhủ rằng người chiến thắng đã nỗ lực hơn mình. Nhưng lúc có thông tin ban đầu về gian lận thi cử, Hoàng như sụp đổ, bức xúc. Sự nỗ lực không ngừng để kiếm từng 0,25 đến 0,5 điểm lại bị cướp đi bởi dối trá, gian lận.
“Thí sinh không những nâng từ 0 thành 9 điểm một môn, mà còn chủ yếu là con ông cháu cha, khiến em thực sự thất vọng. Nếu họ không chen ngang bất công như thế, em và nhiều bạn khác đã trúng tuyển trường quân đội”, Hoàng bày tỏ.
Dập tắt ước mơ vào trường công an
Năm 2018, thí sinh Cà Văn Thăng (19 tuổi, dân tộc Thái) thi THPT quốc gia với tổ hợp C03 (Ngữ văn, Toán, Lịch sử) đạt 23,65 điểm. Nam sinh không trúng tuyển Học viện Cảnh sát Nhân dân vì thiếu 0,5 điểm.
Chàng trai này cho biết nếu không có gian lận, thí sinh cạnh tranh nhau một cách lành mạnh, khả năng trúng tuyển của em gần như tuyệt đối, nhất là khi Bộ Công an vừa trả 53 sinh viên được nâng điểm về Sơn La, Hòa Bình.
“Chỉ tiêu vào trường chỉ có 350 người nhưng năm 2018 đã có 33 thí sinh tại Hòa Bình và Sơn La gian lận vào Học viện Cảnh sát Nhân dân. Nếu không có tiêu cực, điểm chuẩn chắc chắn sẽ giảm”, Thăng nhận định.
Nam sinh cũng đặt câu hỏi tiêu cực thi cử ở 3 tỉnh đều ghi nhận số lượng lớn, vậy với nơi khác có đảm bảo không có gian lận?
Hiện tại, Cà Văn Thăng tập trung ôn luyện cho kỳ thi năm 2019 nhưng em không thể thi vào ngành công an nữa vì Bộ Công an mới ra quy định: “Các môn thuộc tổ hợp xét tuyển phải đạt điểm tổng kết 7,0”. Thăng đã không đạt tiêu chí này.
Tương tự, Nguyễn Phú (20 tuổi, Đắk Lắk) trượt Đại học Cảnh sát Nhân dân năm 2018 vì thiếu 0,1 điểm khối C03. Phú được 23,8 điểm, trong khi điểm chuẩn là 23,9.
Sau khi thông tin về gian lận điểm thi được công bố, mặc dù không dự thi ở các trường phía Bắc - nơi xảy ra tình trạng nâng điểm - Phú vẫn mất niềm tin vào sự công bằng của kỳ thi THPT quốc gia bị cho là xảy ra nhiều tiêu cực.
Vụ án nâng điểm thi THPT quốc gia 2018 được cho là gian lận thi cử lớn nhất từ trước đến nay. 222 thí sinh được nâng điểm ở Hà Giang (114), Sơn La (44), Hòa Bình (64). Trong đó, những thí sinh ở Hà Giang được trả lại điểm thật trước khi xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
Các cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 16 bị can về các tội danh khác nhau. Trong đó, Sơn La 8 người, Hòa Bình 3 và Hà Giang 5.
Với 108 thí sinh liên quan gian lận ở Sơn La, Hòa Bình, Bộ GD&ĐT công bố kết quả chấm thẩm định khi các em đã trúng tuyển vào nhiều trường đại học công an, quân đội, sư phạm, y, kinh tế... Thậm chí, một số em còn đỗ thủ khoa các trường đại học lớn ở Hà Nội.
Sau khi rà soát, nhiều trường đã cho thôi học sinh viên liên quan gian lận thi cử. Bộ Công an đã trả 53 sinh viên về Sơn La, Hòa Bình. Một số trường hợp khác vẫn được học, dù được nâng điểm, vì không có căn cứ xử lý.
Dù vậy, dư luận vẫn không khỏi bức xúc khi mới đây danh sách thí sinh gian lận điểm thi được cho là con quan chức ở Sơn La xuất hiện trên mạng. Theo danh sách này, 21 thí sinh được nâng từ 3 đến 25 điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.