Theo thống kê tạm thời của Bộ GD&ĐT, 41 trường đã xét tuyển đủ chỉ tiêu đợt 1; 38 trường tuyển hàng chục nghìn chỉ tiêu đợt 2.
Trong ngày đầu đăng ký xét tuyển NV2, lượng thí sinh đến các trường nộp hồ sơ tương đối ít. Tại Đại học Tài nguyên và Môi trường, lác đác thí sinh đến đăng ký. Đại học Mỏ - Địa chất nhận được khoảng 150 hồ sơ trong ngày đầu tiên.
Ghi nhận tại Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội - trường có chỉ tiêu nguyện vọng bổ sung cao nhất - trong ngày hôm nay, mới có 80 hồ sơ đăng ký trên tổng số 3.850 chỉ tiêu.
Đặc biệt, tất cả thí sinh có điểm chuẩn từ 15 trở lên đều được trường cấp ngay giấy báo nhập học. Trong khi đó, những trường khác thông báo thí sinh trúng tuyển sau khi kết thúc 10 ngày xét tuyển.
Thí sinh đến nộp hồ sơ tại ĐH Kinh doanh và Công nghệ trong ngày 26/8. Ảnh: Ngọc Tân. |
Trao đổi với Zing.vn, đại diện phụ trách tuyển sinh của Đại học Kinh doanh và Công nghệ cho biết, việc cấp ngay giấy báo trúng tuyển sẽ giúp thí sinh tiết kiệm thời gian và công sức đi lại. Nhận giấy báo trúng tuyển này, thí sinh vẫn có thể nộp hồ sơ và nhập học ở trường khác.
Trong đợt xét tuyển NV1, hơn 1.000 sinh viên trúng tuyển vào trường, vẫn còn 3.850 chỉ tiêu cho các đợt xét tuyển bổ sung. Lượng chỉ tiêu còn thiếu chủ yếu ở các ngành kỹ thuật, công nghệ.
Với gần 100 thí sinh đến nộp hồ sơ trong ngày đầu xét tuyển NV2, đại diện nhà trường nhận định, xét tuyển đến đợt thứ ba cũng chưa chắc tuyển đủ chỉ tiêu.
Dự kiến, ngày 10/9, trường sẽ công bố danh sách thí sinh chính thức trúng tuyển NV2.
Tính đến khi kết thúc đợt xét tuyển NV1, hầu hết các trường công lập top đầu và các trường công an, quân đội đã tuyển đủ chỉ tiêu.
Trong khi đó, tình trạng thiếu hồ sơ diễn ra phổ biến ở trường công lập top dưới và các trường dân lập. Đại học Cửu Long vẫn còn 1830 chỉ tiêu. Đại học Nguyễn Tất Thành còn 3647 chỉ tiêu
Dù đã hạ điểm chuẩn xuống mức tối thiểu, lượng hồ sơ nộp vào các trường dân lập chưa nhiều. Những thí sinh có điểm xét tuyển từ 15 trở lên gần như chắc chắn trúng tuyển khi nộp vào những trường này.