Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thi THPT quốc gia: Đổi mới nhưng không gây sốc

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, mục tiêu của đổi mới giáo dục là sự thay đổi theo chiều hướng tích cực, không phải tạo những cú sốc.

Chiều nay 12/6, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận chia sẻ về kỳ thi THPT quốc gia trong phần trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Không có chỗ cho gian lận thi cử

Trước sự lo lắng của cử tri và dư luận về sự thay đổi của kỳ thi THPT quốc gia năm nay có thể dẫn đến kết quả thi nhiều biến chuyển, Bộ GD&ĐT cho rằng: “Dù thí sinh dự thi ở cụm thi do địa phương hay trường đại học chủ trì thì đều phải tuân thủ quy chế chung. Việc chấm và coi thi đều có những quy chế riêng. Chúng tôi đã tính toán đến barem điểm rất chi tiết".

Bộ GD&ĐT quan niệm, thi cử là một hoạt động giáo dục quan trọng, chúng ta không nên để chỗ cho sự không trung thực, gian lận. Kỳ thi THPT quốc gia đổi mới nhưng sẽ không để xảy ra cú sốc lớn trong quá trình triển khai. 

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã tạo thuận lợi cho các thí sinh so với những năm trước. Trong đó, Bộ trưởng nêu lên: Số lần thí sinh đi thi, bài làm, khoảng cách đã giảm. Học sinh có kết quả thi rồi mới cân nhắc lựa chọn trường có khả năng trúng tuyển.

Các thí sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp, không đăng ký thi đại học thì vẫn có cơ hội vào đại học. Đó là những trường đã được phê duyệt đề án tuyển sinh riêng. Hiện nhiều trường tổ chức phương án này.

Trả lời về vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thi THPT quốc gia theo cụm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: Việc tổ chức thi theo cụm đã được triển khai 13 năm tại 3 cụm Cần Thơ, Quy Nhơn và Vinh. Cách đây 3 năm, Bộ đã triển khai thêm cụm thi tại Hải Phòng.

Năm nay, triển khai tại 38 cụm thi, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã có quá trình làm việc với tất cả các tỉnh, địa phương, trao đổi kỹ với các đồng chí lãnh đạo địa phương, sau đó có dự kiến đặt điểm thi.

Bộ trưởng cũng cho rằng ngoài ra có nhiều tổ chức xã hội tham gia tổ chức các chuyến xe cho các thí sinh đi lại, bố trí các nhà trọ miễn phí.

Bạo lực học đường do giáo dục

Trước những câu hỏi về vấn đề bạo lực học đường, Bộ trưởng Giáo dục nêu nguyên nhân đến từ nhà trường: "Theo khảo sát và làm việc với Bộ Công an, chúng tôi thấy giáo dục quá chú trọng việc dạy chữ, truyền thụ kiến thức".

Nhà trường chỉ chú trọng vào việc dạy các môn học văn hóa theo hướng truyền thụ kiến thức mà chưa phát triển năng lực, phẩm chất học sinh qua việc đổi mới cách dạy học, tổ chức các hoạt động giáo dục đa dạng. Điều này khiến học sinh phát triển không cân đối.

Từ đây, Bộ trưởng nhấn mạnh: Chúng ta đã quyết định chiến lược là chuyển từ giáo dục truyền thụ tri thức một chiều sang chú ý phát triển năng lực và phẩm chất. Tuy nhiên, trong quá trình dạy học cần tạo điều kiện cho học sinh tự học, có hoạt động trải nghiệm thực tế, từ đó phát triển năng lực, phẩm chất.

Lương giáo viên thấp từ… lịch sử

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về việc thu hút đầu vào sư phạm, Bộ trưởng cho biết: “Khoảng 15 năm trước đây, chính sách miễn giảm học phí cho học sinh học trường sư phạm đã thu hút được nhiều học sinh ưu tú. Có một thời gian, điểm đầu vào của các trường sư phạm nằm trong top cao. Có những sinh viên đã đạt đến 27 điểm đầu vào”.

Tuy nhiên, kinh tế người dân ngày càng tăng lên, chính sách này không còn đủ thu hút. Chính phủ đã áp dụng chính sách tín dụng cho sinh viên nghèo (không riêng trường sư phạm) vay vốn để học tập, nhiều chính sách miễn học phí cho sinh viên khó khăn, cấp học bổng cho sinh viên giỏi đang thu hút người học vào các ngành, trường ngoài sư phạm. Vì thế để thu hút người giỏi vào trường sư phạm không thể trông đợi vào chính sách miễn giảm học phí.

Từ đây, Bộ trưởng cho rằng, việc điều chỉnh chế độ tiền lương của giáo viên kèm theo các chế độ phụ cấp, chính sách ưu đãi, khuyến khích người giỏi làm việc trong ngành giáo dục mới là giải pháp có tính bền vững.

Bộ trưởng GD&ĐT nói về đánh giá học sinh bằng nhận xét

Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, chuyển đánh giá từ điểm số sang nhận xét là phương pháp để học sinh hoàn thiện kỹ năng và phẩm chất, giảm dạy, học thêm.

Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm