Thị trường ôtô Đông Nam Á tiếp tục phục hồi sau sự sụt giảm nhiều năm qua. Hai quốc gia Philippines và Thái Lan tiếp tục là thị trường quan trọng đối với các nhà sản xuất ôtô.
Đây là một tin vui đối với các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản. Với thị phần tổng cộng gần 80% và doanh số hàng năm vượt quá 2,5 triệu xe, Đông Nam Á còn quan trọng hơn cả châu Âu hay Ấn Độ.
Doanh số bán hàng 6 nước lớn ở Đông Nam Á đã tăng 5% trong 6 tháng đầu năm, đạt 1,62 triệu xe mới, lần đầu tiên vượt ngưỡng 1,6 triệu xe trong vòng 3 năm. Người đứng đầu Toyota Motor Thái Lan, ông Michinobu Sugata dự báo rằng, thị trường Đông Nam Á sẽ đạt tổng 3,3 triệu xe trong năm 2017.
Đông Nam Á giống như một điểm sáng của ngành công nghiệp ôtô, trong bối cảnh nhiều thị trường trên toàn cầu đang trong tình thế không khả quan. Doanh số bán hàng của Trung Quốc giảm mạnh vào nửa đầu năm, trong khi thị trường Mỹ đang trong giai đoạn giảm doanh số lần đầu tiên trong 8 năm qua.
Philippines dẫn đầu về phục hồi doanh số khi tiêu dùng trong nước liên tục tăng, mặc cho những rối ren của cuộc chiến với các phần tử Hồi giáo cực đoan trên đảo Mindanao. Doanh số bán hàng chưa có dấu hiệu chững lại, theo báo cáo của một đại diện đại lý Toyota Alabang, một đại lý Toyota Motor gần Manila.
Nhiều khách hàng nơi đây đang đổ xô mua xe mới trước khi chính phủ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt như đề xuất.
Toyota Motor Philippines có kế hoạch mở rộng mạng lưới đại lý từ con số 52 lên 66 trong năm nay. "Nhu cầu sở hữu ôtô đang tăng lên, ngay cả các khu vực xa xôi hẻo lánh", ông Satoru Suzuki, CEO của Toyota Motor Philippines cho biết. "Ôtô đang ngày càng trở nên cần thiết".
Thái Lan cũng tăng trưởng ở mức hai con số. Nhu cầu mua xe đang phục hồi sau sự sụt giảm đầu năm 2016, mà lý do bắt nguồn từ sự thay đổi thuế phí. Người tiêu dùng nơi đây sẵn sàng "rút hầu bao" để mua xe. Toyota hi vọng, doanh số bán xe ở toàn thị trường Thái Lan sẽ tăng 8%, đạt 830.000 xe trong 2017, tăng 30.000 xe so với dự báo trước đây.
Hai thị trường Indonesia và Malaysia tăng trưởng ổn định trong tháng 5, dao động quanh mức 6-7%. Tuy nhiên, doanh số tụt xuống trong tháng 6 do tháng Ramadan đến sớm hơn năm ngoái. Viễn cảnh doanh số tăng trưởng trở lại hoàn toàn khả thi.
Mức tăng trưởng ấn tượng ở nhiều quốc gia thuộc Đông Nam Á là mảng màu đối lập với thị trường Việt Nam. Quốc gia này vừa có doanh số 7 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam đang trong quá trình bỏ khoản thuế nhập khẩu 30% vào 2018, áp dụng với các dòng xe động cơ dung tích dưới 3 lít nhập khẩu từ các nước thành viên ASEAN. Điều này tạo nên tâm lý chờ đợi của khách hàng nơi đây khiến giá bán xe giảm trung bình 20%. Ngay cả Toyota, thương hiệu xe dẫn đầu thị trường với thị phần hơn 20%, cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nhảy vào cuộc đua giảm giá. Một quyết định chưa từng có tiền lệ.
Giá bán của chiếc sedan Mazda3 do Trường Hải lắp ráp tại Việt Nam đã giảm gần 10%. Mỗi đại lý bán xe đều đưa ra ưu đãi hàng chục triệu cho khách hàng.
Doanh số ôtô tại Việt Nam đã vượt ngưỡng 300.000 xe lần đầu tiên lịch sử trong năm ngoái. Tuy nhiên, doanh số năm nay nhiều khả năng sẽ giảm xuống dưới mức dự báo nếu không có can thiệp của những chính sách mới, lãnh đạo cấp cao của một hãng xe Nhật Bản cho biết.
Đối với ngành sản xuất. Bất chấp nhu cầu nội đua tăng nhanh chóng, ngành sản xuất ôtô đang gặp khó khăn ở Thái Lan, quốc gia sản xuất ôtô hàng đầu khu vực. Sản lượng sản xuất đã giảm 4%, xuống 951.000 xe trong 6 tháng đầu năm nay.
Tác nhân chính dẫn đến tình hình này là xuất khẩu sang Trung Đông đang sụt giảm. Trung Đông là thị trường xuất khẩu chính của Thái Lan nhưng do giá dầu thô vẫn ở tình trạng ảm đạm. Liên đoàn công nghiệp ôtô Thái Lan có thể cắt giảm xuất khẩu hàng năm, từ 1,2 triệu xe xuống 1,1 triệu xe, thậm chí là hơn, một quan chức cấp cao tại đây cho biết.
Mức điều chỉnh trên tương ứng với việc giảm hơn 6%, thay vì tăng 3% như dự báo đưa ra trước đây. Toyota, hãng xe có năng lực sản xuất lớn nhất ở Thái Lan hy vọng sẽ cải thiện được tình hình, bằng cách tập trung xuất khẩu sang các thị trường khác, như Nga và Nam Phi.