Thị trường việc làm những tháng đầu năm 2015 chứng kiến sự suy giảm của lĩnh vực hot một thời như tài chính - ngân hàng, trong khi một số ngành như lập trình (CNTT), mỹ thuật đa phương tiện (multimedia design)… tiếp tục đà tăng trưởng nhu cầu tuyển dụng.
Cán cân thị trường việc làm chuyển dịch
Lê Ngọc Sơn (22 tuổi), sinh viên vừa tốt nghiệp Học viện Ngân hàng (Hà Nội) đang loay hoay tìm một công việc phù hợp với chuyên môn đã học, dù đã bỏ không ít công sức tìm kiếm trên các trang tuyển dụng phổ biến như Vietnamwork, Jobstreet... Thực tế, Sơn không phải là trường hợp hiếm trong số hàng nghìn tân cử nhân ngành tài chính - ngân hàng trên cả nước.
Ngành CNTT dẫn đầu về nhu cầu tuyển dụng trọng 6 tháng đầu năm 2015. |
Theo báo cáo HR Insider (Vietnamwork) mới công bố, ngành tài chính - ngân hàng đã bị đánh bật ra khỏi top 10 ngành có nhu cầu nhân lực cao nhất trong 6 tháng đầu năm 2015, do cả cung và cầu nhân sự trong ngành này đang trong giai đoạn suy giảm, sau khi tăng trưởng nóng trong thời gian dài.
Ở chiều ngược lại, nhân sự thuộc ngành CNTT vẫn trong tình trạng cung không đủ cầu, mặc dù số lượng sinh viên ngành này được đào tạo bài bản tăng đều qua từng năm. Báo cáo cho thấy, qua 6 tháng đầu năm 2015, ngành CNTT dẫn đầu về nhu cầu tuyển dụng, tăng thêm hơn 1.200 việc làm so với cùng kỳ năm ngoái.
Mỹ thuật đa phương tiện, một ngành còn khá mới mẻ ở Việt Nam cũng đang có mức tăng ấn tượng về nhu cầu tuyển dụng khi lọt vào top 5 công việc có nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh nhất nửa đầu năm 2015 và dự báo còn tăng mạnh từ nay đến năm 2020 với ít nhất 300.000 nhân lực.
Doanh nghiệp chú trọng chất lượng tuyển dụng
CNTT và mỹ thuật đa phương tiện là hai trong số những ngành nóng nằm trong top các ngành nghề tăng nhu cầu tuyển dụng trong 2015. Tuy nhiên, chất lượng đầu ra của các trường cao đẳng, đại học lại khiến không ít doanh nghiệp cảm thấy ái ngại.
Đơn cử với ngành CNTT, theo Cục CNTT, năm 2015, Việt Nam sẽ chỉ có khoảng 30% số lượng sinh viên CNTT sau khi tốt nghiệp ở các trường đại học có đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để có thể tham gia thị trường lao động quốc tế.
Để giải bài toán thiếu hụt nhân lực có trình độ, một số doanh nghiệp CNTT như FPT Software, Viettel đã tăng cường tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ các đơn vị đào tạo quốc tế chuyên sâu về CNTT như hệ thống đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech… Ưu điểm của hệ thống đào tạo Aptech là đề cao tính thực hành, giúp học viên chủ động hơn trong công việc nhờ tham gia các dự án e-project (dự án quốc tế) do Ấn Độ gửi sang.
Doanh nghiệp CNTT tăng cường tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp các chương trình đào tạo CNTT quốc tế chuyên sâu. |
Tương tự, với ngành mỹ thuật đa phương tiện, nguồn cung ứng chính cho thị trường lao động đang chuyển dần sang các học viện, trường dạy nghề, thay vì các trường cao đẳng, đại học truyền thống. Một số trường như hệ thống đào tạo mỹ thuật đa phương tiện Arena Multimedia được phát triển theo mô hình giảng dạy tiêu chuẩn quốc tế của Ấn Độ đang làm tốt công tác đào tạo học viên.
Đánh giá về trình độ chuyên môn của học viên tốt nghiệp Arena Multimedia, đại diện VTC cho hay: “Ưu điểm lớn nhất của môi trường đào tạo học viện là tính thực hành, tính tuân thủ theo quy trình chuyên nghiệp luôn được đề cao. Do vậy, các học viên tốt nghiệp Arena có thể bắt nhịp nhanh vào guồng làm việc của công ty. Song, công việc thiết kế đồ họa cũng đòi hỏi người làm phải luôn sáng tạo và đổi mới không ngừng. Nếu không giữ được chất, các em sẽ có nguy cơ bị đào thải”.
Ngành CNTT, mỹ thuật đa phương tiện có nhu cầu tuyển dụng lớn là tín hiệu lạc quan đối với các bạn trẻ. |
Như vậy, trong khi 178.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp theo báo cáo tháng 7/2015 của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, việc ngành CNTT, mỹ thuật đa phương tiện đang và sẽ có nhu cầu tuyển dụng lớn là tín hiệu lạc quan đối với người lao động, đặc biệt là các bạn trẻ sớm đã trang bị đầy đủ cho bản thân cả về kiến thức, kỹ năng mềm cũng như kinh nghiệm thực tiễn.