Đa số các địa điểm du lịch đã mở cửa đón khách. Song nhiều người vẫn thích tổ chức những chuyến đi cắm trại ở ngay ngoại thành, gần với thiên nhiên để thư giãn.
Luôn là người chủ trì trong mọi cuộc vui, từ thứ ba Nguyễn Thanh Thảo (24 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) đã liên hệ thuê lều trại, lên danh sách thực phẩm cần chuẩn bị cho chuyến đi cắm trại vào cuối tuần. Cô và một vài người bạn thân sẽ tổ chức chuyến dã ngoại tại hồ Chòm Núi (Sóc Sơn, Hà Nội) trước thềm năm mới.
Đây là chuyến cắm trại thứ 4 trong năm nay của Thảo khi mọi kế hoạch đi Đà Lạt, Phú Quốc đều phải hủy do trùng với thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Từ khi các quy định về phòng dịch được nới lỏng, cô ưu tiên những chuyến đi cắm trại ở ngay ngoại thành Hà Nội để không phụ thuộc vào việc đặt vé máy bay, book phòng khách sạn hay phải lo sắp xếp công việc để xin nghỉ phép.
"Hiện tại đa số các điểm du lịch đã mở cửa đón khách. Song tôi ưu tiên những chuyến cắm trại ngay ngoại thành vì chỉ cần có kế hoạch trước vài ngày là có thể lên đường. Hoạt động cắm trại cũng diễn ra ở những nơi ít người nên tôi yên tâm về vấn đề phòng dịch", Thảo chia sẻ với Zing.
Những kỳ nghỉ dưỡng của Thảo được thay bằng chuyến cắm trại ngay ngoại thành. Ảnh: Thanh Thảo. |
Dời lịch nhưng cũng không thể lên đường
Là một người thích xê dịch, Huỳnh Phương Thu (22 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) thường có 3-4 chuyến đi/năm. Tuy nhiên năm nay, cô chỉ có duy nhất chuyến đi xa kết hợp làm tình nguyện tại Mù Cang Chải (Yên Bái).
Hồi giữa năm, Thu lên kế hoạch đến Đà Lạt cùng nhóm bạn thân. Tuy nhiên sát ngày lên đường, tình hình dịch diễn biến phức tạp, nhóm của cô chủ động liên hệ phía chủ homestay và hãng bay để dời lịch.
Sau khi chuyển lịch sang tháng 11, do có công việc đột xuất, Thu vẫn không thể tham gia chuyến đi cùng nhóm bạn và phải hủy bỏ toàn bộ vé khứ hồi và tiền đặt phòng homestay 3 ngày 2 đêm.
Thu (áo đen) quay video chuyến đi cùng những người đồng nghiệp. Ảnh: Huỳnh Phương Thu. |
Tương tự Thanh Thảo, Thu cũng ưu tiên những chuyến cắm trại ngay ngoại thành hậu giãn cách. Cô cho biết lý do bởi vẫn khá lo lắng về nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh tại các điểm du lịch. Đồng thời những chuyến cắm trại giúp cô không phải lo việc đặt, trả phòng.
"Cuối tuần sếp rủ đi cắm trại, sáng thứ hai được nghỉ là chúng tôi lên đường luôn. Đi bằng xe riêng lại chọn ngày trong tuần, cả bãi đất trống không có ai nên nhóm tôi hoàn toàn yên tâm về vấn đề phòng dịch. Chúng tôi thuê lều và bếp than tại địa điểm cắm trại luôn, chỉ phải chuẩn bị đồ ăn từ nhà", Thu nói.
Hạ trại tại hồ Đồng Đò (Sóc Sơn, Hà Nội), nhóm Thu có một ngày xa thành phố, hít thở không khí trong lành và nạp lại năng lượng sau một mùa sự kiện cuối năm tại công ty.
Chia sẻ với Zing, cô cho biết chuyến đi cắm trại vừa rồi cả nhóm khá chật vật để mồi được bếp than. Song cô coi đây là một kỉ niệm vui bên những người đồng nghiệp của mình.
Chi tiền mua đồ cắm trại phục vụ sở thích lâu dài
Mỗi tháng Trịnh Quang Linh (28 tuổi, Cẩm Phả, Quảng Ninh) đều tổ chức ít nhất một chuyến cắm trại cùng gia đình hoặc bạn bè tại những bãi đất trống quanh TP Hạ Long.
Anh Linh chi khoảng 15 triệu đồng để mua đồ cắm trại cơ bản. Ảnh: Linh Trịnh. |
Chia sẻ với Zing, Linh cho biết chuyến đi du lịch gần nhất của anh là hồi 2019. Đến đầu 2020, gia đình anh lên kế hoạch đi Sa Pa nhưng phải hủy do dịch Covid-19. Trong năm nay, anh chưa có chuyến đi chơi xa nào vì lo ngại tình hình dịch diễn biến phức tạp.
"Đi du lịch xa hay những chuyến cắm trại đều giúp gia đình tôi được thư giãn và thoái mái. Song dịch còn diễn biến phức tạp, gia đình có trẻ nhỏ nên tôi chọn những chuyến đi cắm trại nhằm tránh nơi đông người", anh nói.
Để phục vụ cho sở thích lâu dài, Linh đã chi khoảng 15 triệu đồng để mua một vài vật dụng thiết yếu cho những chuyến dã ngoại. Sắp tới, anh muốn mua thêm lều và đệm để thuận tiện khi chuyến đi có trẻ em tham gia.
Như gia đình Linh, Hà My (30 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) luôn có sẵn đồ cắm trại trên ô tô nên cô thường xuyên có những chuyến cắm trại cùng chồng và 2 con ở địa điểm vắng người, gần với thiên nhiên vào ngày cuối tuần.
"Có sẵn đồ trên xe, cứ đến địa điểm nào tôi cảm thấy không khí trong lành là sẵn sàng hạ trại. Khi tình hình dịch vẫn còn diễn biến, tôi ưu tiên những chuyến đi cắm trại ở địa điểm ít người. Nhiều khi đến địa điểm đã lên kế hoạch mà thấy có một vài người, tôi sẽ chuyển chỗ khác vì không muốn tụ tập đông", cô kể.
Hà My cho biết cô chỉ mất nhiều thời gian để tìm được địa điểm cắm trại mới và ít người biết để cả gia đình có thể thoải mái thư giãn. Về việc chuẩn bị đồ ăn mang theo, cô không quá cầu kỳ.
"Bữa nay gia đình ăn gì thì tôi mang đi như vậy, chỉ là thay đổi địa điểm nấu. Tôi muốn đến nơi cắm trại được tận hưởng không khí trong lành, con trẻ được vui chơi và cả gia đình chụp cùng nhau những tấm ảnh đẹp".
Cô cho biết những chuyến cắm trại không chỉ là thời gian nghỉ ngơi tuyệt vời mà còn giúp gắn kết các thành viên trong gia đình khi cùng nhau tham gia các hoạt động như dựng lều, nấu ăn, nhặt củi, lội suối...
Trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch sắp đến, gia đình Hà My lên kế hoạch tổ chức một chuyến đi cắm trại ở gần biển để thay đổi không khí.