Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thiếu nguồn tạng, đành chờ chết

Cả nước hiện có khoảng 6.000 người cần ghép thận, 1.500 người cần ghép gan nhưng không có nguồn tạng. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), hơn 200 người đang sống lây lất từng ngày.

“Quan niệm của phương Đông về “chết toàn thây” để về với cát bụi ở góc độ nào đó có thể thấy gây lãng phí lớn đối với sự sống và chưa đúng với tinh thần nhân văn. Đã đến lúc vấn đề hiến ghép tạng cần đưa vào giáo dục trong nhà trường”. GS-TS Trần Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Niệu thận học TP.HCM, phát biểu như vậy tại lễ công bố thành lập Đơn vị Điều phối ghép tạng và đẩy mạnh tuyên truyền hiến tạng nhân đạo cứu người ở Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy mới đây.

Thắc thỏm, tuyệt vọng

Một người chết hiến tạng có thể cứu sống được nhiều người. Thế nhưng, những “món quà tái sinh” ấy lâu nay bị bỏ phí do quan niệm của nhiều người chưa thay đổi.

GS-TS Trần Ngọc Sinh cho biết từ năm 1992 đến nay, BV Chợ Rẫy đã ghép thận cho khoảng 400 bệnh nhân, nhiều nhất trong số 12 trung tâm ghép tạng với 1.200 ca ghép trên cả nước. Con số ít ỏi này không phải do năng lực bác sĩ mà là vì không có người cho tạng. Chỉ riêng BV Chợ Rẫy, hiện có hơn 200 bệnh nhân đăng ký chờ ghép thận. “Danh sách đăng ký ghép tạng ngày càng dài nhưng nguồn tạng hiến không biết kiếm đâu ra”, ông Sinh nêu thực tế.

Ghép thận tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM).

Ghép thận tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM).

Theo GS Sinh, mỗi năm, BV Chợ Rẫy thực hiện khoảng 40 ca ghép thận. Lâu nay, tạng được huy động chủ yếu từ 2 nguồn chính: Người cho còn sống (chủ yếu là người thân gia phả 3 đời) và người cho chết não. Từ năm 2008 đến nay, tại BV Chợ Rẫy, ngoài trường hợp được ghép thận từ nguồn tạng người thân hiến (95% số ca được ghép), chỉ có 7 người chết não tự nguyện hiến thận và đã ghép cứu được 13 người. Những người khác phải sống trong thắc thỏm và không ít bệnh nhân đã qua đời trong sự chờ đợi mỏi mòn.

“Với bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, việc chạy thận nhân tạo có thể giúp kéo dài thời gian chờ đợi để được ghép. Nhưng với những người bị bệnh u gan, xơ gan, thời gian sống chỉ còn tính bằng tháng, nhiều trường hợp đã qua đời trước khi tìm được nguồn tạng hiến phù hợp. Thật xót xa...”, GS Sinh băn khoăn.

Theo TS-BS Dư Thị Ngọc Thu, Khoa Tiết niệu BV Chợ Rẫy kiêm Trưởng Đơn vị Điều phối ghép tạng, hiện nay, nhu cầu nguồn tạng ghép tại Việt Nam là rất lớn: Khoảng 6.000 người cần ghép thận, 1.500 người cần ghép gan, 6.000 người chờ ghép giác mạc. Ngoài ra, hàng trăm người đang chờ ghép phổi, tim, tụy tạng. Song, nguồn tạng hiến chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hơn 20 năm nay, chỉ có 1.000 người được ghép thận, 46 người ghép gan, 11 người ghép tim, 1 người ghép tụy tạng... Hầu hết những bệnh nhân có tạng để ghép là nhờ người thân hiến tặng.

Mạnh dạn mở lối đi mới

Theo các chuyên gia thận niệu, việc khan hiếm tạng đã làm phát sinh nhiều tiêu cực. Trong đó, nổi lên là tình trạng buôn bán nội tạng, buôn lậu tạng đang khá phổ biến, dẫn đến việc không công bằng trong hiến, ghép tạng cũng như gây mất an ninh trật tự xã hội.

GS Trần Ngọc Sinh đặt vấn đề: Trong lúc nguồn tạng hiến từ người cho sống, người chết não còn quá hiếm hoi thì tại sao không nghĩ đến việc mở nhóm hiến tạng mà nguồn tạng hiến là từ người cho tim ngừng tuần hoàn (khi tim ngừng đập)? Đây là nguồn tạng đa dạng thế giới đang dùng và cũng là hướng đi mới mà BV Chợ Rẫy đang thực hiện với công trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước được triển khai thực hiện 2 năm nay.

Theo đề án mới này, nếu được phép, BV sẽ lấy tạng khi tim của người hiến ngừng đập hoàn toàn. Tạng người ngưng tim tuy không chất lượng như được lấy khi vừa chết não song vẫn có thể dùng để cứu người được (thận lấy trong vòng 15 phút khi tim ngưng đập và gan lấy trong vòng 30 phút). Cách làm này giúp tăng cơ hội sống cho nhiều người. Chỉ riêng tại BV Chợ Rẫy, mỗi ngày có khoảng 5 trường hợp chết não, ngưng tim - chủ yếu do tai nạn giao thông - mà nguồn tạng của họ có thể tận dụng để cứu người.

GS Sinh cho rằng để thực hiện mục tiêu nêu trên, cần có sự hưởng ứng, đồng thuận rất lớn từ cộng đồng. Sự thay đổi suy nghĩ, quan niệm và quyết định hiến tạng là rất cần thiết. Cộng đồng cần thay đổi suy nghĩ, người dân có thể đăng ký hiến tạng khi còn có thể. Người nào đó nếu chẳng may gặp mệnh hệ gì thì còn có một bộ phận thân thể của mình gửi gắm lại cho đời. Người hiến tạng phải vượt qua rào cản về tâm lý, tâm linh, phong tục… và xem đây là nghĩa cử cao đẹp, đầy tính nhân văn.

“Giờ là lúc xã hội nên thay đổi nếp nghĩ, quan niệm, nhận thức và cũng cần đưa vấn đề hiến ghép tạng vào giáo dục trong nhà trường. Có như thế thì 20 năm sau, chúng ta mới cơ bản đáp ứng được 2/3 nguồn tạng hiến”, GS Sinh nhấn mạnh.

Phát hành chiếc thẻ cứu người

Đơn vị Điều phối ghép tạng thuộc BV Chợ Rẫy hoạt động theo mục đích nhân đạo, công tâm, không vụ lợi, với hội đồng gồm 20 thành viên làm việc minh bạch trong việc thu dung, quản lý cũng như điều phối nguồn tạng. Người cho và nhận không biết nhau, việc bố trí ưu tiên nhận tạng phải theo quy định, đúng đối tượng.

Người dân có tâm nguyện hiến tạng khi qua đời (người chết não, ngưng tuần hoàn) sẽ được cấp thẻ đăng ký. Khi cấp cứu điều trị, nếu người bệnh không qua khỏi, bác sĩ sẽ căn cứ trên tâm nguyện của họ để lấy các bộ phận hiến. Đăng ký trực tiếp tại BV: Số 08.39560139 hoặc qua email: dieuphoigheptangbvcr@gmail.com.

http://nld.com.vn/suc-khoe/thieu-nguon-tang-danh-cho-chet-20141023214919702.htm

Theo Nguyễn Thạnh/ Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm