Trong chương trình truyền hình Video Star của kênh MBC Every 1 phát sóng ngày 22/6, bác sĩ sản khoa Hong Hye-ri tiết lộ độ tuổi trung bình của thanh, thiếu niên Hàn Quốc lần đầu quan hệ tình dục là 13,6 tuổi. Con số này giảm nhiều trong những năm gần đây.
"Nhiều trường hợp rất sốc, có em sử dụng túi ni lông để quan hệ tình dục vì không biết cách sử dụng và không thể mua bao cao su", bác sĩ Hong nói.
Độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu của thiếu niên Hàn Quốc là 13.6. |
Quan hệ tình dục sớm và không an toàn
Đây không phải lần đầu tiên thông tin này được phổ biến tại Hàn Quốc. Trước đó, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc thực hiện khảo sát với thanh, thiếu niên trong nước. Kết quả cho thấy độ tuổi trung bình quan hệ tình dục của nhóm đối tượng này là 13,6; 57.2% trong số đó quan hệ tình dục không có biện pháp bảo vệ an toàn, theo Korea Times.
Ngoài ra, 24.1% nữ giới làm khảo sát cho biết họ từng quan hệ tình dục và mang thai ngoài ý muốn. 70-80% trong số này phá thai. Hàng năm, độ tuổi quan hệ tình dục của thanh, thiếu niên tại quốc gia này lại trẻ hóa.
Một khảo sát của nhà sản xuất bao cao su tại Đài Loan (Trung Quốc) cho thấy hơn 60% sinh viên đang hoạt động tình dục, 6% trong số đó cho biết họ bắt đầu quan hệ tình dục khi mới học tiểu học, theo Taiwan News.
Cụ thể, nhà sản xuất làm khảo sát với hơn 2.400 sinh viên đại học, 34% cho biết họ lần đầu quan hệ khi lên đại học, 17% quan hệ tình dục khi học trung học phổ thông, 5% ở cấp trung học cơ sở và 6% bắt đầu quan hệ khi mới học tiểu học.
Khi các sinh viên được hỏi số lượng bạn tình họ có trong vòng 3 tháng, 68% cho biết họ chỉ có 1 bạn tình, 11% khác có nhiều hơn 1. Ngoài ra, chỉ 62% người làm khảo sát sử dụng bao cao su và các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục.
The Guardian từng đăng một bài viết về thái độ của người trẻ tại Anh về việc sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục. Gần một nửa tham gia khảo sát cho biết họ không sử dụng bao cao su khi lần đầu quan hệ. Hơn 1/3 cho rằng chỉ những người lăng nhăng mới phải sử dụng bao cao su.
Một khảo sát khác trên trang web YouGov với 2.007 thanh, thiếu niên tại quốc gia này cũng cho kết quả đáng lo ngại. Báo cáo cho biết 56% nam giới và 43% nữ giới cảm thấy khó khăn khi chia sẻ về vấn đề "giường chiếu" với người khác.
58% trong số người làm khảo sát cho rằng sử dụng bao cao su chỉ để tránh việc mang thai, 29% số khác biết rằng bao cao su cũng có tác dụng ngăn chặn lây nhiễm bệnh qua đường tình dục.
Bác sĩ Hong Hye-ri nhấn mạnh việc giáo dục, hướng dẫn học sinh sử dụng bao cao su đúng cách là điều cần thiết. Tại nhiều quốc gia, giáo dục giới tính được đưa vào các bài giảng cấp tiểu học, THCS.
Riêng tại Hàn Quốc, các chuyên gia phổ cập kiến thức giáo dục giới tính thông qua các kênh truyền hình. Tuy nhiên, họ nhận được nhiều phản ánh từ phụ huynh về việc con quan hệ tình dục sớm hoặc quan hệ không đúng cách, theo Naver.
"Bao cao su được sử dụng vì sức khỏe của nam và nữ. Điều cần nhớ là phải sử dụng bao cao su từ đầu cho đến khi kết thúc việc quan hệ tình dục", bà nhấn mạnh, đồng thời cho biết tỷ lệ mang thai khi sử dụng bao cao su từ đầu đến cuối khi quan hệ tình dục là 2%, nếu đã quan hệ mới dùng bao cao su thì tỷ lệ mang thai sẽ cao hơn, khoảng 18%.
Giáo dục giới tính vẫn bị coi nhẹ
Bộ Giáo dục Hàn Quốc yêu cầu đưa các tiết học giáo dục giới tính vào trường học, ít nhất 15 giờ mỗi năm. Nhưng thực tế, con số này chỉ được 1/3.
Theo thống kê, các trường tiểu học dành trung bình 5,17 giờ để giáo dục giới tính, trong khi trường THCS dành 5,5 giờ và trường THPT ít hơn, trung bình 3,5 giờ mỗi năm.
Vấn đề nghiêm trọng hơn là chương trình giáo dục giới tính tại nước này không hiệu quả và không đầy đủ. Hầu hết học sinh chỉ được xem một đoạn video ngắn hoặc nghe giảng một số thông tin cơ bản.
Giáo sư Cha Chi-young tại Đại học Nữ sinh Ewha lý giải nguyên nhân giáo dục giới tính ở Hàn Quốc bị coi nhẹ. Hầu hết học sinh dành 12 năm để chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Các em ưu tiên các môn thi như Toán, Tiếng Anh, Ngữ văn, không có thời gian cho môn Giáo dục giới tính. Nhiều em cho rằng môn học này không phải kiểm tra nên không quan trọng, không cần học kỹ.
"Vì phải chuẩn bị cho các kỳ thi, học sinh đang đánh mất cơ hội học các kỹ năng xã hội quan trọng. Con em chúng ta xứng đáng được học những kiến thức này nhiều hơn", giáo sư nói.
Tương tự, tại Trung Quốc, các bài giảng về giáo dục giới tính vẫn chỉ dừng lại ở mức bao quát, thiếu cụ thể. Ví dụ, khi nói về bộ phận sinh dục, giáo viên dạy đó là vùng riêng tư, không nêu thuật ngữ chính xác, cũng không có hình minh họa cụ thể.
Dù được đưa vào chương trình phổ thông, giáo dục giới tính vẫn là vấn đề "khó nói" tại quốc gia này. Điều này vô tình khiến học sinh mất đi cơ hội hiểu rõ hơn về các vấn đề giới tính, đồng thời không được học cách bảo vệ bản thân và tôn trọng người khác.
Để bảo vệ sức khỏe học sinh và ngăn chặn các vấn đề từ quan hệ tình dục, nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng các bài giảng giáo dục giới tính từ sớm. Ví dụ, trẻ em ở Na Uy được tiếp cận với giáo dục giới tính từ năm lớp 1. Đây là chương trình bắt buộc, áp dụng cho mọi cơ sở giáo dục và kéo dài đến năm trẻ 16 tuổi.
Tại New Zealand, giáo dục giới tính được đưa vào chương trình học bắt buộc từ năm 1999. Khi lên lớp 1, trẻ được tìm hiểu về tình bạn, tình cảm gia đình và sự tôn trọng lẫn nhau.
Lên lớp 10, hầu hết học sinh được dạy về sức khỏe sinh sản và tình dục. Các bài học về quan hệ tình dục an toàn và biện pháp tránh thai cũng được đưa vào chương trình giảng dạy. Theo New Zealand Herald, các bài giảng phù hợp với độ tuổi và tâm lý học sinh được trường học các cấp trên cả nước áp dụng.