"Chủ tịch công ty tôi hỏi bằng tiếng Nhật rằng tôi có nuốt tinh trùng của ông ta không. Tôi không hiểu ông ta đang nói gì. Nhưng sau khi về nhà, tra từ điển, tôi cảm thấy buồn và bị xúc phạm", cô gái nói với NHK.
Bị sa thải sau khi tố ông chủ quấy rối tình dục
Nữ thực tập sinh đến Nhật Bản vào mùa hè năm 2018 để làm việc cho một công ty xây dựng. Trước khi bắt đầu, cô được giới thiệu sẽ làm việc liên quan kiểm tra sản phẩm. Nhưng sau đó, cô bị điều đi lắp ráp thép tại công trường xây dựng.
Tuy nhiên, đó không phải điều tồi tệ nhất mà cô gái người Việt phải trải qua. Hầu hết đồng nghiệp đều là nam giới, cô bị họ quấy rối tình dục ngay tại nơi làm việc. Người giám sát, thậm chí cả chủ tịch công ty, đều có hành vi đụng chạm vào người cô, thậm chí buộc cô phải xem phim khiêu dâm.
Nữ thực tập sinh Việt cho biết cô bị chủ quấy rối khi làm việc ở Nhật Bản. Ảnh: NHK. |
Mùa xuân năm 2019, khoảng 8 tháng sau khi cô làm việc tại công trường xây dựng, một nam nhân viên đã chạm vào mông cô gái. Cô lấy một thanh thép rồi ném vào người đàn ông kia. Sau đó, cô bị sa thải.
"Tôi đã giải thích với ông chủ lý do tôi làm như vậy, nhưng không ai chịu nghe", nạn nhân bức xúc nói.
Chưa dừng lại ở đó, công ty đệ đơn tố cáo với tổ chức sắp xếp công việc cho nữ thực tâp sinh, nói rằng cô "không tuân theo hướng dẫn của người giám sát và luôn lặp lại những hành động có vấn đề tại nơi làm việc".
Khi đó, cô gái còn hơn 2 năm thời hạn làm thực tập sinh tại Nhật. Đơn tố cáo của công ty khiến cô phải dừng mọi hoạt động và trở về.
Chủ tịch công ty xây dựng, người bị nữ thực tập sinh tố cáo, khẳng định hành động của ông không cấu thành tội quấy rối tình dục.
"Có thể tôi đã có những hành động và lời nói tục tĩu, nhưng tất cả chỉ là đùa thôi. Tôi chưa bao giờ bị nhân viên phản ánh, phàn nàn về việc này. Có thể cô ta đã bịa chuyện để trục lợi", người đàn ông nói.
Tháng 10/2019, nữ thực tập sinh trở về Việt Nam. Hiện, cô làm việc cho một công ty tại địa phương với mức thu nhập 220 USD/tháng. Mức lương này chưa bằng 1/2 so với những gì cô kiếm được khi làm thực tập sinh ở Nhật Bản. Chưa kể, cô gái đang phải gánh khoản nợ 5.500 USD vay trước đây để đi Nhật làm việc.
"Tôi muốn tiếp tục làm việc ở Nhật Bản, nếu không bị quấy rối, có lẽ tôi sẽ vẫn ở đó. Nhưng tôi là một phụ nữ ngoại quốc, đó là điều dễ bị người khác lợi dụng", cô nói.
Nhiều nạn nhân không dám lên tiếng
Kakehashi là tổ chức hỗ trợ người nước ngoài sống và làm việc tại Nhật Bản. Koshida Maiko, người phát ngôn của tổ chức, cho biết từ năm 2015, hơn 100 thực tập sinh ngành kỹ thuật đã liên hệ với cô để xin lời khuyên.
Trong đó, khoảng 10% cuộc gọi về việc liên quan bạo lực, quấy rối tình dục. Nhưng con số này vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
"Phần lớn thực tập sinh không nhận ra họ đang chịu bạo lực tình dục. Thay vào đó, họ có xu hướng tự trách bản thân", nữ phát ngôn viên phân tích.
Koshida đã yêu cầu Tổ chức Đào tạo Thực tập sinh Kỹ thuật (OTIT) tiến hành một cuộc điều tra về bạo lực tình dục đối với các thực tập sinh nước ngoài. Tổ chức được yêu cầu chịu trách nhiệm về việc đào tạo thực tập sinh kỹ thuật và bảo vệ họ. Đến nay, OTIT vẫn chưa phản hồi.
“OTIT sẽ phản hồi các yêu cầu tư vấn về công việc và tiền lương, nhưng họ lại phớt lờ yêu cầu khi chúng tôi đề cập vấn đề liên quan bạo lực tình dục đối với các thực tập sinh", bà Koshida nói.
Sunai Naoko, nhà báo chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan thực tập sinh kỹ thuật, cho biết bạo lực tình dục, về bản chất, là vấn đề nan giải vì các chương trình thực tập có cấu trúc và sự thay đổi bất thường.
Ví dụ, nhiều thực tập sinh sống trong ký túc xá do công ty cung cấp, điều này có nghĩa là chỗ ở của họ cũng nằm trong tầm kiểm soát của người sử dụng lao động. Nói cách khác, sống gần nơi làm việc sẽ làm tăng nguy cơ bị bạo lực tình dục, kể cả trong hay ngoài nơi làm việc.
Hơn nữa, thực tập sinh có thể mất việc nếu khiếu nại và xúc phạm người sử dụng lao động. Mất việc sẽ đồng nghĩa mất tư cách cư trú. Vì thế, đây là một điều khiến nhiều người khó nói ra.