Lê Thị Thảo Nguyên (20 tuổi, ở Bình Định) vừa được UBND thành phố Pleiku (Gia Lai) tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Nhận được tin, bố mẹ thiếu nữ tỏ ra vui mừng và đã gửi lời động viên con gái.
Trước đó, trưa 26/3, khi quán cà phê Tâm Anh ở thành phố Gia Lai vắng khách, tên tội phạm mang lệnh truy nã Nguyễn Bá Hiển (28 tuổi, ở Thái Nguyên) ghé vào. Thấy Thảo Nguyên (nhân viên quán cà phê) cầm chiếc điện thoại xịn trên tay, hắn nảy sinh ý định cướp.
Lợi dụng lúc thiếu nữ 20 tuổi sơ hở, Hiển dùng kéo kề sát cổ bắt nạn nhân nộp chiếc điện thoại di động.
Chân dung cô gái bắt cướp khiến dân mạng xôn xao. |
Nhớ lại giây phút đó, Nguyên nói: "Khi chạm người, mình nghĩ hắn có ý định sàm sỡ nhưng không ngờ hung thủ đã bóp cổ yêu cầu giao nộp tài sản. Lúc này mình sử dụng cùi chỏ hất mạnh vào mang tai rồi dùng chân đạp mạnh xuống đầu mũi chân để hắn đau".
Do chỗ đứng hẹp, không có đường thoát thân nên tên cướp không chịu buông tha. Hắn vớ lấy chiếc kéo gần đó dí sát vào cổ nữ tiếp viên quán cà phê.
Theo lời cô gái tuổi 20, trong lúc di chuyển cô chẳng may bị vấp ngã. Được thể, kẻ mang lệnh truy nã ấn nạn nhân xuống sàn nhà, đặt chân lên vai rồi tiếp tục dọa nạt.
"Vì quá bực, mình đã nắm chân hắn giật mạnh về phía trước khiến tên cướp mất thăng bằng, ngã nhào. Vài giây sau, khi đã khống chế được kẻ gian mình hô hoán để mọi người đến giúp", Nguyên chia sẻ.
Với thành tích tay không bắt cướp, Lê Thị Thảo Nguyên được nhiều người dân phố núi biết đến. Một số còn kéo đến tận quán cà phê để xem mặt cô gái dũng cảm.
Nguyên luôn coi võ thuật là vốn phòng thân, không có ý định thi đấu hay tiến xa. |
Nguyên vốn là con nhà võ, sinh ra và lớn lên tại Bình Định và vào Gia Lai trọ học được gần 6 năm. Hiện tại cô đang sống với chị họ - chủ quá cà phê Tâm Anh.
Là con gái út trong gia đình có hai anh em, từ nhỏ, Nguyên đã có niềm say mê đặc biệt với các thế võ. Dù không được bố truyền dạy bài bản nhưng bé gái năm đó không tỏ ra buồn. Ngược lại, Nguyên kiên trì dõi theo các buổi luyện tập giữa anh trai và bố để học lỏm chút kinh nghiệm cho bản thân. Chỗ nào không hiểu, cô nhờ bố giải thích thêm. Vì nghĩ đơn giản con gái chỉ đang tò mò, muốn học hỏi để tự vệ nên ông rất sẵn lòng trao đổi.
Khi trở thành một thiếu nữ, Nguyên vẫn hứng thú với các chiêu thức võ thuật. Thay vì tập chạy, nhảy vào mỗi buổi sáng như các cô gái khác, Nguyên lại chú tâm rèn thể lực bằng cách tập đánh bao cát. Thỉnh thoảng cô cũng thách đấu cùng anh trai. Kiến thức về võ cứ thế tăng dần theo thời gian.
Cho đến một ngày, khi chân, tay bắt đầu nổi cơ trông rất thô kệch, Nguyên nhận ra mình khác biệt so với những cô gái khác. Không muốn bị trêu chọc, cô giảm dần cường độ luyện tập rồi nghỉ hẳn. Khăn gói vào Gia Lai trọ học, với vẻ ngoài nữ tính, thân hình mảnh mai, ít ai biết rằng, Nguyên là con nhà võ.
Khi còn bé, Nguyên rất nóng tính. Đi học bị bạn trêu, cô đã chặn đường quyết hỏi cho ra lẽ.
Lớn lên, tính nóng nảy vẫn còn nhưng Nguyên luôn tự nhủ không được hành xử tùy tiện vì nếu không kìm chế được sẽ làm tổn thương mình và những người xung quanh.
Nguyên bảo, sau nhiều năm học võ nhưng lần đầu cô sử dụng chiêu thức võ thuật để hạ gục kẻ xấu.
Được nhiều người khen về hành động quả cảm, Nguyên cười xòa bảo khi ai bị dồn vào đường cùng sẽ hiểu cảm giác uất ức, tự động vùng lên bằng mọi giá. Và với những người có võ, đây là lúc để ra tay tự cứu mình, phần nào dạy cho tên cướp một bài học nhớ đời.
Theo Nguyên, điểm khác biệt lớn nhất giữa việc luyện tập võ thuật trong trường lớp và sử dụng các chiêu võ ngoài thực tế chính là khả năng phản xạ linh hoạt trước những yếu tố bất ngờ. Trong lớp học, nếu là đối thủ, khi họ chuẩn bị ra đòn ai cũng có thể biết trước. Còn trong thực tế, khó có thể đoán ra. Vậy nên, cách duy nhất để vượt qua nguy hiểm trong những tình huống bất ngờ, ngoài võ thuật thì còn cần có sự nhanh trí.