Một vụ ngộ độc thịt nưa vừa xảy ra khiến 12 người ở xã Trang, huyện Đăk Đoa, Gia Lai phải nhập viện. Ngoài ăn thịt và lòng, một số người còn uống rượu hòa với tiết. Sau đó, họ bị các triệu chứng sốt cao, lạnh run, kèm theo nôn, đau đầu, chóng mặt, rối loạn tiêu hóa. Hiện tình trạng của những người này vẫn rất yếu. Đây không phải lần đầu tiên người dân bị ngộ độc thịt nưa, từng có 14 người bị ngộ độc vào năm 2013 và 7 người phải nhập viện năm 2014.
Các vụ ngộ độc nưa xảy ra tương đối nhiều ở các tỉnh Tây Nguyên. Con nưa còn được người dân địa phương gọi tên khác là "trăn 9 mũi", còn miền Bắc, con vật này khá lạ lẫm. Zing.vn đã trao đổi với các chuyên gia để giải đáp thắc mắc về con vật này cũng như độc tố của nó.
Con nưa là con gì?
Theo nguồn tin từ Chi cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm tỉnh Đăk Lăk, nưa là loài bọ sát không phổ biến bằng trăn. Hiện chưa có tài liệu chính thức về con vật này cũng như độc tố của nó. Nưa là thủ phạm gây ra các vụ ngộ độc hàng loạt tại các tỉnh Tây Nguyên, không phải trăn độc như nhiều người lầm tưởng.
Con vật này có hình dạng bên ngoài rất giống trăn, nhưng con trăn khá quen thuộc với người dân Tây Nguyên và không chứa độc tố nguy hiểm. Nưa ngoài 2 lỗ mũi chính còn có 7 lỗ hô hấp khác. Ngoài ra, đầu con vật ngóc lên và có răng như rắn thay vì trườn dưới đất như trăn.
Con nưa có bề ngoài khá giống con trăn nên nhiều người lầm tưởng bắt ăn thịt, dẫn đến ngộ độc. Ảnh: Báo Gia Lai. |
Vì nưa có hình dạng bên ngoài giống con trăn nên nhiều người nhầm lẫn, đem về lấy máu uống rượu và ăn thịt dẫn tới ngộ độc.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay hiện thông tin về nưa còn hạn chế, rất ít người biết con vật này. Song, cũng như các động vật hoang dã khác, chúng có thể chứa độc tố, khi con người ăn phải dẫn tới các phản ứng ngộ độc. Cơ chế tương tự như nọc độc của cóc, nấm,… Do đó, tốt nhất, người dân cần cảnh giác với loài động vật hoang dã này.
Nhiều ấu trùng giun
Bác sĩ chuyên khoa Ký sinh trùng Nguyễn Ngọc Ánh cho biết, ngộ độc nưa là bởi cơ thể mẫn cảm dị ứng với huyết tương của con vật này. Việc uống tiết của nưa về bản chất rất nguy hiểm. Hơn nữa, uống máu sống còn ẩn chứa nguy cơ nhiễm các ấu trùng giun sán, đặc biệt là giun móc (giun xoắn).
Nưa là loại bò sát với thức ăn chính chủ yếu thịt động vật còn sống. Trong khi, thịt các động vật này phần lớn bị nhiễm ấu trùng trong cơ thể, chủ yếu là giun xoắn. Khi nưa ăn vào sẽ bị nhiễm bệnh. Đặc biệt là trong máu và mật sẽ chứa nhiều ấu trùng của loài giun này và lây sang người nếu không thực hiện việc ăn chín, uống sôi.
Đó có thể là lý do khiến một số người không bị ngộ độc ngay mà phải 2 tuần sau mới phát bệnh. Điều này phụ thuộc vào chu kỳ sinh sản của giun xoắn, mỗi đợt, loài ký sinh trùng này sẽ tiết vào máu các chất độc, khiến cơ thể nổi sẩn ngứa, nhức mỏi, sốt…
Riêng thịt và lòng, nếu nấu chín có thể loại trừ nguy cơ nhiễm khuẩn và giun sán. Bác sĩ Ánh khuyến cáo không nên ăn thịt chưa nấu chín, đặc biệt uống rượu có pha huyết hoặc mật của các loài động vật. Ngoài nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, còn có thể bị nhiễm vi khuẩn nguy hiểm như liên cầu khuẩn, các loại virus...
Đồng quan điểm, lương y Vũ Quốc Trung khuyến cáo, không chỉ nưa, ngay cả trăn, người dân cũng không nên dùng mật sống để uống tươi. Từ lâu y học cổ truyền đã nói đến tính độc của mật trăn tươi, biểu hiện ngộ độc sau uống là đau bụng, co giật. Nếu uống quá nhiều sẽ gây vàng da và đỏ mắt. Mật trăn nên sử dụng sau khi đã qua chế biến - cụ thể là sấy khô, tán bột, để dành dùng dần.
Về sơ cứu khi bị ngộ độc đường tiêu hóa, Đại tá - bác sĩ Phạm Văn Tiến - Trưởng khoa cấp cứu Học viện Quân y 103 khuyến cáo, khi có dấu hiệu ngộ độc, cần nhanh chóng gây nôn cho nạn nhân để thải hết chất độc ra ngoài. Chúng chỉ tồn tại trong dạ dày tối đa 6 tiếng, nếu chuyển xuống ruột non, việc gây nôn hoàn toàn vô tác dụng.