Anh Thắng, một trung niên làm nghề sửa xe trong con ngõ nhỏ của phố Gia Quất, quận Long Biên (Hà Nội) lâu nay được biết đến như một “kỹ sư” chế tạo ô tô, xe máy dù chẳng có bằng cấp nào, chỉ đơn thuần là mỗi năm anh lại sòn sòn "đẻ" ra vài mẫu xe lạ, dị, chưa kể hàng chục xe 3 bánh khá thẩm mỹ bán cho người khuyết tật, nghề kiếm cơm chính của anh. Đó là sở trường, và món sở đoản là bộ đảo bánh răng ở cầu chuyển số lùi do anh Thắng tự chế là “công nghệ” trung tâm cho tất cả các sản phẩm, từ ATV 4 bánh, Vespa Ape cổ 3 bánh, xe 3 bánh cho người khuyết tật và giờ đây là mô tô Can-Am.
Chiếc xe được gò hàn tỉ mẩn bằng tay, dựng lại hình ảnh chiếc Can-Am bạc tỷ. |
Anh Thắng nói đã biết đến xe này từ năm 2008, khi chiếc xe đầu tiên về Việt Nam, ảnh đăng đầy trên mạng và dự định làm thử. Nhưng quá nhiều dự án “đóng” xe, cái nào cũng cuốn hút và lần lữa đến đầu năm 2013, mô tô Can-Am “made in Vietnam” mới thành hình.
Nếu so sánh kiểu cào bằng thì Can-Am tự chế chẳng thua kém gì mẫu xịn bên trời Tây. Cũng mặt trước 4 đèn, hốc gió trước khoét sâu, cặp bánh trước nhỏ, bánh sau to, yên choãi ra sau và hông tỳ bình xăng như ATV 4 bánh. Tuy nhiên, so với đống trang bị tiền tỷ ở xe thật thì chiếc xe của anh Thắng chỉ là đồ “liên hợp quốc” nhặt nhạnh từ các cửa hàng sửa xe, chợ phụ tùng xe cũ, như bảng đồng hồ của xe Matiz, bộ cùm (công tắc đề, tay ga) Honda CM, lốp trước xe Matiz 13 inch, lốp sau của xe máy scooter 16 inch. Thậm chí nhiều chi tiết như gương chỉnh lòng, đèn trước, sau, xi-nhan anh cũng chẳng quan tâm của xe nào mà lượm vừa mắt thì đem về. Ngay cả kích thước xe cũng chỉ ướm bằng mắt cỡ 1,7m. “Bản vẽ thiết kế nằm sẵn trong đầu, mình cứ thế làm xe theo cảm hứng, không quan trọng phải giống y chang nguyên mẫu”, anh Thắng nói.
Mặt trước và sau trông khá hầm hố. |
Bảng đồng hồ/bánh trước lấy từ xe Matiz, bộ cùm từ Honda CM, treo trước càng chữ A với nhún lò xo |
Để có dáng hình như Can-Am, vỏ xe trải qua công đoạn gò, hàn bằng tay. Sau khi lên hình sẽ được phủ ma-tít và sơn bóng. Công đoạn làm đồng sơn nhanh chỉ mất 1 đến 2 tuần, tùy theo thời gian rảnh rỗi của anh Thắng. Trái tim của Can-Am tự chế sử dụng động cơ Honda @ 150cc, công suất cực đại 15 mã lực ở vòng tua máy 8.500 v/ph, quá nhỏ bé so với nguyên mẫu sử dụng động cơ 998 phân khối, kiểu V-Twin có công suất tối đa 106 mã lực tại vòng tua máy 7.500 v/ph.
Lẫy chuyển chức năng tiến, lùi bằng cách dẫm mũi và gót chân. |
Với xe xịn, mở khóa điện là “tanh tách” các tín hiệu thông báo kèm hình ảnh điện tử, đi theo sau là mớ công nghệ hiện đại như phanh ABS, cân bằng điện tử VSS, kiểm soát lực kéo TCS, ổn định xe điện tử SCS… Lắm thứ đến mức một tay lái am hiểu mô tô lần đầu trèo lên xe cũng phải tý toáy mấy chục phút mới chịu nhá đề. Riêng xe “chế”, mất 3 giây sau khi ngồi trên yên xe để mở khóa điện và đề nổ. Chẳng phải mất công sờ mó, nhẵn trước mặt có đồng hồ báo tốc độ, xăng, nhiệt độ dầu (không dùng đến), hạ góc nhìn xuống là nắp bình xăng thuổng từ máy phát điện. Hệ thống an toàn đủ dùng gồm 2 phanh đĩa trước, phanh sau tang trống, treo trước dạng chữ A dùng thụt lò xo, treo sau dạng cứng, thụt lò xo.
Cốp để đồ là loại có giá rẻ, dễ lựa mua tại các cửa hàng phụ kiện xe máy. |
Hoạt động của xe Can-Am “chế” cũng đơn giản hết mức là vặn ga để tiến hay lùi nhờ bàn đạp chuyển chức năng bên để chân trái, trong khi ở xe xịn là lẫy chuyển số 5 cấp. Chạy xe ở tốc độ 40 km/h theo đường thẳng, xe khá đầm vì lốp to và thân dài, vào cua phải giảm tốc độ vì thân xe nhẹ dễ bị văng và bán kính vòng quay lớn. Anh Thắng cho biết mục đích chế xe Can-Am cũng như xe ATV trước đây đều do ham mê. Xe không để tham gia giao thông mà chỉ nghịch quanh nhà. Từ khi làm có nhiều người hỏi mua nhưng anh không bán. “Đến khi nào chế thêm xe mới, sân không còn chỗ thì mình mới nghĩ đến chuyện để xe cho người khác”, anh Thắng chia sẻ.
Một số hình ảnh chiếc Can-Am tự chế của anh Thắng:
Anh Thắng bên sản phẩm xe phong cách Can-Am đầu tiên của mình. |