Chịu kiểm soát về tâm lý và cuộc sống, bạn sẽ cảm thấy tổn thương nghiêm trọng. Ảnh: Samson Katt/Pexels. |
Theo từ điển của Hội Tâm lý học Mỹ, thao túng tâm lý là hành vi nhằm mục đích kiểm soát, gây ảnh hưởng lên một người khác nhằm đem lại lợi ích cho cá nhân. Trong một số trường hợp, sự thao túng này diễn ra một cách không có chủ đích.
Là nạn nhân bị kiểm soát, bạn có thể gặp sự tổn thương sâu sắc về tinh thần, nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến tính mạng.
Talkspace nêu ra một vài dấu hiệu nhận biết cũng như cách đối phó với người có hành vi thao túng độc hại.
Nguyên nhân của thao túng
Theo chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến một người có tâm lý thích kiểm soát và tác động lên quyết định của người khác:
Cảm giác không an toàn
Những người thích thao túng luôn thể hiện vẻ mặt tự tin và vui vẻ. Song bên trong, họ lại tồn tại sự sợ hãi hoặc bất an. Vậy nên họ luôn muốn điều khiển bạn, giúp bản thân cảm thấy luôn chủ động.
Chứng lo âu hoạt động cao
Mắc chứng tâm lý lo âu hoạt động cao, con người cũng trở nên thích thao túng người đối diện. Họ thường là nhóm người có khả năng lãnh đạo, sắp đặt mọi thứ chuẩn chỉnh đến từng phút. Họ cố gắng kiểm soát cuộc sống, người khác như một “liều thuốc” để giảm bớt nỗi lo âu.
Mặc cảm
Sự áp đặt có thể xuất hiện khi một người bị tổn thương tinh thần trong quá khứ (ví dụ như bị bỏ rơi khi còn nhỏ).
Theo chuyên gia, những người này không thể tin rằng có ai đó thực sự quan tâm đến họ, vì vậy họ cố gắng kiểm soát đối phương bằng mọi cách, thậm chí thao túng bằng tiền bạc.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
Ngoài những vấn đề trên, người thích thao túng có thể bị mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). Họ luôn suy nghĩ cực đoan, lo lắng, phải thực hiện các hành vi có tính chất ép buộc để giảm bớt căng thẳng.
Dấu hiệu
Các bác sĩ của Đại học San Diego (Mỹ) chỉ ra những biểu hiện của một người có hành vi thao túng trong mối quan hệ.
- Luôn hỏi han bạn ở đâu, làm gì
- Họ nuông chiều, giúp đỡ, tặng quà cho đến khi bạn cảm thấy mắc nợ
- Luôn yêu cầu bạn thuận theo ý họ
- Bác bỏ, chế giễu quan điểm của bạn
- Khiến bạn cảm thấy tội lỗi với họ
- Im lặng để trừng trị bạn.
Kẻ thao túng tâm lý thường đối tốt với bạn để khiến bạn cảm thấy mắc nợ họ. Ảnh: Gary Barnes/ Pexels. |
Giải thoát
Giao tiếp
Bạn hãy cho đối phương biết những vấn đề tiêu cực gì xảy ra khi họ cố kiểm soát với bạn. Theo đó, bạn nên sử dụng chủ ngữ “tôi” (tôi cảm thấy...) thay vì “bạn” (bạn đã làm...). Điều này sẽ làm bạn giảm bớt căng thẳng.
Tự lập
Nhiều cá nhân khi bị thao túng sẽ dần mất đi khả năng suy nghĩ tự lập. Tuy nhiên, bạn càng chiều lòng, đối phương càng thêm áp đặt.
Để chống lại tính cách độc hại này, bạn cần kiên quyết với lập trường của mình và sáng suốt trong các tình huống, lựa chọn các lời khuyên tốt để lắng nghe, thẳng thắn phản đối nếu ý kiến của họ khiến mình tổn thương.
Không nên tranh luận
Khi đôi co với một người thích kiểm soát, bạn sẽ gây ra một trận đấu khẩu không hồi kết bởi lẽ đối phương không hề biết lắng nghe. Thay vì tranh cãi, bạn hãy lịch sự đưa ra ý kiến cá nhân và dừng lại cuộc trò chuyện ấy.
Bạn nên tránh tranh luận với người có hành vì thao túng tâm lý của bạn. Ảnh: Arif Riyatno/ Unsplash. |
Tìm kiếm sự trợ giúp
Có một số trường hợp hành vi thao túng trở nên nguy hiểm. Đối phương muốn kiểm soát lịch trình, mật khẩu cá nhân của bạn và đe dọa nếu như bạn không tuân thủ.
Trong trường hợp này, bạn có thể thông báo với người thân, hàng xóm hoặc một cộng đồng có thể bảo vệ mình.
Cả 2 cần cởi mở và trung thực để có thể duy trì mối quan hệ tốt đẹp. Song quan trọng nhất, người có hành vi thao túng cần xem xét lại chính bản thân họ và thay đổi.