Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thời đại kẻ xấu của Hollywood được yêu thích cuồng nhiệt

Khi “Thor: The Dark World” ra mắt hồi cuối năm ngoái, sự quan tâm của khán giả hầu hết được dành cho gương mặt phản diện Loki, thay vì nhân vật chính là chàng Thần sấm Thor.

Tuy nhiên, không phải chỉ tới khi Loki xuất hiện, người ta mới hướng sự quan tâm đến một nhân vật xấu xa nhiều hơn cả vai chính. Trước đó không lâu trên màn ảnh nhỏ, nhân vật bác sĩ Hannibal Lecter trong series Hannibal - một kẻ giết và ăn thịt người - cũng được khán giả yêu mến và ủng hộ. Còn loạt phim truyền hình được vinh danh tại Quả cầu vàng năm nay, Breaking Bad, lại xoay quanh một nhà hóa học trong hành trình dấn thân vào tội lỗi. Những câu chuyện về các nhân vật xấu xa đã chính thức lên ngôi trong thời đại ngày nay, phản ánh một phần cái nhìn của thế hệ khán giả hiện đại đối với phim ảnh.

Loki hoàn toàn lấn át nhân vật chính Thor trong bộ phim về nhân vật siêu anh hùng.

Lứa khán giả này mở ra một kỷ nguyên mới cho các câu chuyện trên phim. Từ đó, một dạng nhân vật chính kiểu mới được sinh ra. Đó là những người đàn ông dối trá, lừa lọc, giết người (Mad Men, Breaking Bad, Hannibal) hay những người đàn bà lăng loàn, thâm độc, sẵn sàng ngủ với người đã có vợ (American Horror Story, Girls). Họ chính là những nhân vật phản diện.

Xơ Jude là một nhân vật phản diện đáng nhớ trong mùa thứ hai của American Horror Story.

Trong quá khứ, những vai phản diện thường không có các tính cách cơ bản để khiến người ta yêu mến, chẳng hạn như lòng nhân hậu hay sự tử tế, vị tha... Và quan trọng nhất, họ không có chuẩn mực nhất định về đạo đức. Họ là những nhân vật đầy tội lỗi, bất chấp những quy cách thông thường mà xã hội gán cho.

Nhưng hiện tượng đang xảy ra lúc này là khán giả bắt đầu ủng hộ cho những người vi phạm vào những gì luôn được đánh giá đúng. Vì sao khán giả lại yêu quý các nhân vật phản diện? Vì sao khán giả lại tìm thấy chính mình trong những con người xấu xa đó?

Hannibal Lecter trong loạt phim truyền hình Hannibal nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của khán giả bất chấp những tội ác mà nhân vật này gây ra.

Đầu tiên là bởi khán giả ngày nay đã thực tế hơn rất nhiều. Các bộ phim này không hề giống như những gì thế hệ cha anh chúng ta từng xem. Ở giai đoạn trước đây vài năm, các nhân vật chính diện thường là hình mẫu lý tưởng kiểu công dân Mỹ, bà nội trợ, những người bạn thân thiết (Desperate Housewives, Friends). Họ phản ánh văn hóa nước Mỹ đương thời, chứ không phục vụ cho những gì khán giả thực sự muốn theo đõi.

Khán giả cảm thấy đồng cảm với những kẻ phản diện bởi cả hai đều có những khiếm khuyết nhất định.

Thời đại bây giờ, khán giả chẳng cần những nhân vật hoàn hảo vô khuyết để ngưỡng mộ nữa. Chúng ta muốn nhìn trực diện vào bản chất của các nhân vật hơn. Ví dụ như Hannibal Lecter là một gã giết người, Loki là một tên phản bội ích kỷ...

Khán giả nhận ra rằng chẳng có ai là hoàn hảo cả, thế nên họ không còn muốn xem các nhân vật phi thực tế trên màn ảnh nữa. Khán giả thích những người giống như họ, có nhiều khiếm khuyết và không có chuẩn mực đạo đức rõ ràng. Trên phim, các nhân vật phản diện bị mắc kẹt trong các lề lối xã hội và không biết phải hành xử sao cho đúng, lại không phải lúc nào cũng thắng thế. Khi chứng kiến điều này, khán giả tin rằng những gì xảy ra trên phim cũng là một phần những gì đang diễn ra trong cuộc đời thực.

Những nhân vật phản diện cũng khiến cho khán giả trở nên "mềm" hơn trong cuộc sống.

Nguyên nhân thứ hai là bởi vì khán giả tin mà dẫn đến sự đồng cảm và yêu mến các nhân vật phản diện. Họ khiến khán giả thấy thông cảm với những điều xấu xa mà hàng ngày ta vẫn đối mặt. Họ khiến khán giả ít thấy dằn vặt hơn về những thiếu sót hay lỗi lầm của bản thân trong cuộc sống. Từ đó, bỗng dưng khán giả cũng thấy vị tha với khiếm khuyết của những người xung quanh.  

Moriarty trong Sherlock là một ví dụ tiêu biểu của việc quyết tâm đạt được điều mình muốn bằng mọi giá.

Nguyên nhân cuối cùng nằm ở việc các nhân vật phản diện trên phim thường vô cùng mạnh mẽ. Do không bị vướng bận bởi những chuẩn mực đạo đức thông thường nên những kẻ ác trên phim luôn vô cùng cố chấp và cứng đầu. Một khi đã quyết tâm đạt được thứ mình muốn bằng mọi giá, họ sẽ chẳng bao giờ đồng ý thỏa hiệp để trở lại như trước.

Khán giả tôn trọng các nhân vật phản diện bởi họ xứng đáng được như thế. Họ có lý tưởng riêng và sẽ không bao giờ thay đổi nó. Họ chủ động tách biệt mình ra khỏi xã hội và sẵn sàng trả giá cho những hành động mà họ đã gây ra. Họ đơn độc và chấp nhận điều đó.

Động cơ gây tội ác đôi khi là hoàn toàn tốt đẹp, như Walter White của Breaking Bad chẳng hạn.

Và hơn nữa, động cơ gây ra tội ác của họ hoàn toàn tốt đẹp. Đặt trường hợp của Walter White, một giáo viên chỉ muốn mang lại cuộc sống sung túc cho gia đình ông. Còn Loki, một người con lúc nào cũng cảm thấy tự ti về thân phận, chỉ giành lại những gì mình đáng được hưởng, bao gồm cả tình yêu từ người cha. Như vậy, cho dù hành động của họ là không chấp nhận được, nhưng tất cả đều xuất phát từ những ý định tốt. Đây càng là một lý do chính đáng khiến khán giả yêu mến họ hơn.

Xét cho cùng, việc các nhân vật phản diện được yêu mến không chỉ thể hiện được quan điểm thực tế của khán giả hiện nay, mà còn mở ra một thời đại mới – khi các nhà làm phim chọn cách nhìn thẳng vào những vấn đề xã hội thực sự, thay vì chăm chăm tìm cách phản ánh nền văn hóa quốc gia như trong quá khứ.

Trinh Huỳnh

Ảnh: Cine21, FX

Bạn có thể quan tâm