Phim "mì ăn liền" từng có vai trò lịch sử
Thực ra, cá nhân tôi thấy hơi khó để so sánh thị trường (chứ không phải môi trường) điện ảnh hiện tại với giai đoạn mà chúng ta quen với khái niệm “mì ăn liền”. Có thể vì quá sớm khi nhận định thế, hoặc vì bản chất nó không phải thế.
Đạo diễn của Đập cánh giữa không trung chia sẻ chị hoàn toàn chỉ là khán giả ở thời điểm phim "mì ăn liền" bùng nổ. |
Những năm 1990, tôi là khán giả, hoàn toàn chỉ đóng vai trò thưởng thức, thụ hưởng, ý thức khen chê khi đó thuần tuý gói trong cảm giác ghét - yêu, mà YÊU nhiều hơn, thậm chí tôi còn chẳng nhớ mình đã từng ghét được phim nào... Nên rất chủ quan tôi cho là sự thoái trào của phim ảnh giai đoạn đó có nhiều nguyên nhân chứ không phải như cách một số người nhận định: phim chất lượng càng ngày càng đi xuống, khán giả quay lưng, nhà đầu tư nản chí...
Đó cũng là một giai đoạn tích cực và rất sôi động. Điện ảnh Việt Nam khi đó có nhiều phim, và mặc dù chất lượng phim không đều (chuyện này là phổ biến với hầu hết các nền công nghiệp điện ảnh) nhưng không ít phim hay, khiến khán giả nhớ mãi, yêu mãi. Chúng ta có một thế hệ ngôi sao trong diễn xuất như Lý Hùng, Việt Trinh, Diễm Hương, Lê Công Tuấn Anh… Quy trình sản xuất phim cũng được công nghiệp hóa. Các khâu đầu tư, sản xuất và phát hành vận hành trơn tru và có trật tự.
Điều đáng tiếc chỉ là chúng ta quá hiếm gương mặt tác giả nổi bật. Phim ảnh ở giai đoạn đó “ngon miệng” theo kiểu công nghiệp của vỏ bề ngoài hơn là có dinh dưỡng thực chất bên trong. Có lẽ cũng vì thế, người ta mới nghĩ ra cách gọi “mì ăn liền” và tôi thấy cũng có vẻ đúng. Dù thực sự cá nhân mình, tôi không quen với cách gọi đó nhưng phải thừa nhận là ở giai đoạn đó, phim “mì ăn liền” với vai trò lịch sử của mình đã “cứu đói” rất tích cực và hiệu quả cho công chúng vốn đang quá thiếu thốn.
Quay về đỉnh cao, đừng quay về vực sâu
Ngày nay, công chúng no đủ và dư thừa, người ta bắt đầu biết và quan tâm, thậm chí tranh đấu vì chất lượng. Người ta nói nhiều về organic, về thực phẩm sạch... Sản phẩm văn hoá mà cụ thể là điện ảnh cũng thế. Công chúng có quá nhiều lựa chọn xem phim mỗi ngày. Tây và Ta, bình dân và hàn lâm đủ hết. Cả thế giới giải trí như một đại siêu thị, muốn tìm gì có đó, mì ăn liền có mì ăn liền, trứng cá hồi có trứng cá hồi, từ cơm đến phở đề huề cả...
Nên tôi nghĩ không thể có cái gọi là sự quay lại của phim “mì ăn liền” được nữa. Thời điểm đó qua rồi. Vai trò của mì ăn liền đã chấm dứt rồi. Ít nhất là ở những nơi có internet, khi mà khán giả có thể không có tiền ăn một bữa no nhưng vẫn ung dung xem phim “miễn phí” trên mạng.
Hơn nữa, giai đoạn này, dù làm phim thương mại hay nghệ thuật, thì dấu ấn và gương mặt tác giả khá rõ nét. Theo tôi, đây là một điểm rất khác. Chúng ta có những cái tên để kể, có những xì-tai được nhắc đến mà rất nhanh thôi, tôi tin chúng ta sẽ gọi đó là phong cách nghệ thuật của tác giả. Chuyện này rất quan trọng, bộ phim giờ là tác phẩm hơn là sản phẩm.
Theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, điện ảnh Việt sẽ không ngược về những năm 1990 của thế kỷ trước. |
Điện ảnh hiện nay đang khởi sắc, có tác giả, có khán giả đa dạng, có nhà đầu tư, có hệ thống sản xuất, có khái niệm ngôi sao, có các cây viết phê bình, có quan hệ hợp tác quốc tế, có hệ thống phát hành đa dạng... Các thành phần đang học cách để hài hoà và nhịp nhàng với nhau, một cách vừa tự nhiên vừa nhiều nỗ lực.
Thật khó tin là với chừng đó yếu tố, điện ảnh lại ngược về những năm 1990 của thế kỉ trước!
Nhưng nếu nhất định cứ quay về, thì làm ơn quay về đỉnh cao, đừng quay về vực sâu... tôi xin những ai đang định quay về! Phim “mì ăn liền” - nếu nhất định phải gọi tên điện ảnh theo cách “ăn tươi nuốt sống” như vậy thì cho tôi được thú nhận rằng với tôi, những Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh, Lê Công Tuấn Anh, Mộng Vân, Y Phụng... thực sự là bữa tiệc tuyệt vời nhất của tôi thời niên thiếu. Cho đến giờ, dù không thể phân biệt nổi đó là cao lương mỹ vị hay những món dân dã ruộng đồng... thì bạn ạ, tôi vẫn không sao quên được. Và chắc sẽ chẳng bao giờ quên!
Dòng phim "mì ăn liền" phát triển mạnh trong thị trường phim Việt thập niên 1990 của thế kỷ trước. Những bộ phim này chủ yếu được sản xuất ở định dạng video vì thế thời gian sản xuất thường ngắn. Chủ đề các phim "mì ăn liền" khá đa dạng từ dã sử, kiếm hiệp tới tâm lý, hình sự... Tuy nhiên dòng phim này đa số mang tính thương mại, không được chăm chút nhiều về chất lượng kịch bản, nội dung mà chủ yếu khai thác sự xuất hiện của các ngôi sao nổi bật thời điểm đó như Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh, Lê Công Tuấn Anh...
Gần đây, câu hỏi phim "mì ăn liền" có đang trở lại được đặt ra với sự xuất hiện một loạt phim thương mại như Già gân, mỹ nhân và găng tơ, Kungfu phở, Thám tử Hên Ry hay Hy sinh đời trai... Đây là những bộ phim quảng bá khá rầm rộ, quy tụ đông đảo ngôi sao trong nhiều lĩnh vực tham gia nhưng chất lượng thực sự lại không được chăm chút xứng đáng với những gì nhà sản xuất hứa hẹn.