Đêm 14/11/1948, Thái tử Charles ra đời. Trong khi người mẹ 22 tuổi - Nữ hoàng Elizabeth II (khi đó là Công chúa Elizabeth) - đang nằm nghỉ ngơi trong phòng ngủ ở Cung điện Buckingham, Charles lại được đưa đến phòng khiêu vũ rộng lớn, xung quanh được mạ vàng lấp lánh.
Dưới trần nhà cao hơn 14 m, cạnh ngai vàng phủ nhung thêu vàng của đức vua, đứa trẻ sơ sinh được quấn trong tấm khăn trắng và đặt trong một chiếc cũi đơn giản để các cận thần của ông nội, bà nội (khi đó là Vua George VI và Nữ hoàng Elizabeth) xem xét.
"Đứa trẻ đáng thương, mới chỉ lọt lòng hơn 2 giờ, nó đã bị người ngoài dòm ngó, chỉ trỏ", Thiếu tá Thomas Harvey, thư ký riêng của Nữ hoàng Elizabeth, cảm thán.
Một đứa trẻ nhạy cảm
Không giống mẹ mẹ đẻ được trải qua 10 năm thơ ấu khá vô tư, vui vẻ, Thái tử Charles ngay từ khi chào đời đã trở thành tâm điểm của mọi sự chú ý. Ông được mọi người đặt kỳ vọng và giám sát kỹ lưỡng.
Hai tháng đầu đời, Charles được nuôi bằng sữa mẹ. Sau đó, Công chúa Elizabeth phải dừng cho con bú vì mắc bệnh sởi.
Sinh nhật 1 tuổi, Charles vui vẻ đón sinh nhật 1 tuổi bên mẹ và các thành viên Hoàng gia Anh. Nhưng thời gian sau đó, ông thường phải xa cha mẹ vì Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip luôn bận rộn với những công việc ở nước ngoài.
Thái tử Charles, công chúa Anne chụp ảnh cùng cha mẹ tại Balmoral vào năm 1952. Ảnh: Getty Images. |
Hoàng thân Philip, cha của Thái tử Charles, gần như không gần gũi với con trai trong hai năm đầu đời. Mỗi khi trở về từ những chuyến công du nước ngoài, ông dành một ít thời gian để dạy con trai săn bắn, câu cá và tập bơi trong hồ bơi Cung điện Buckingham.
Từ bé, Thái tử Charles đã rất nhạy cảm với mọi thứ xung quanh. Trong một bữa tiệc trưa tại Broadlands, quê hương của Bá tước Louis Mountbatten - chú ruột của Hoàng thân Philip, các vị khách được phục vụ dâu rừng. Khi đó, Charles, mới chỉ 8 tuổi, cẩn thận ngắt hết cuống trên những quả dâu.
Bà Edwina Mountbatten, vợ của Bá tước Louis Mountbatten, chú ý hành động nhỏ của Charles và nhắc: "Cháu đừng ngắt cuống dâu. Nhìn này, cháu có thể cầm cuống dâu để chấm quả vào đường mà".
Một lúc sau, chị họ của Charles là Pamela Hicks, nhận thấy em họ mình đang cố ghép cuống vào những quả dâu đã bị ngắt bỏ. "Điều đó cũng có thể thấy Charles nhạy cảm như thế nào", bà Pamela Hicks nói.
Nhận thấy con trai mình có những đặc điểm tính cách khá nhạy cảm, Hoàng thân Philip lo lắng con trai mình sẽ trở nên yếu ớt và dễ bị tổn thương. Vì thế, ông bắt tay vào việc "huấn luyện" để con mình cứng rắn, mạnh mẽ hơn.
Trong một cuộc phỏng vấn, Thái tử Charles - khi đó mới 20 tuổi - được hỏi rằng liệu cha của ông có phải là một người nghiêm khắc, cứng rắn hay không. Charles trả lời không do dự: "Lúc nào ông ấy cũng như vậy".
Không được gần gũi với cha mẹ
Năm 1952, Vua George VI băng hà, Công chúa Elizabeth lên ngôi nữ hoàng và lấy tước hiệu là Elizabeth II. Trở thành người đứng đầu hoàng gia khiến Nữ hoàng Elizabeth II trở nên bận rộn với công việc và không thể dành nhiều thời gian cho con cái. Với các vấn đề trong gia đình, Nữ hoàng Anh trao lại quyền quyết định cho chồng là Hoàng thân Philip.
Sự xa cách, thiếu kết nối trong cảm xúc giữa nữ hoàng và các con được thể hiện rõ ràng vào năm 1954. Khi đó, Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip trở về nhà sau gần 6 tháng công du châu Âu. Thay vì dành cho con trai Charles (khi đó mới 5 tuổi) và con gái Anne (khi đó mới 3 tuổi) những cái ôm hôn tình cảm, nữ hoàng lại bắt tay với hai con.
Martin Charteris, thư ký riêng của Nữ hoàng Anh, nói rằng khi đó chắc hẳn Thái tử Charles "đã bị ngăn cản với những thứ được gọi là tình mẫu tử theo lẽ thông thường".
Vì mẹ đẻ quá bận rộn với công việc, Thái tử Charles được bà ngoại là Hoàng thái hậu Elizabeth yêu thương. Hoàng thái hậu thường đón cháu trai đến Royal Lodge để chăm sóc mỗi khi nữ hoàng đi công tác.
Khi mới 2 tuổi, thái tử được bà ngoại cho phép chơi với những thỏi son môi và những chiếc áo đầy màu sắc. Khi lên 5, Charles được bà dẫn đi khám phá trang trại Shaw ở công viên Gia đình nằm tại Windsor.
Hoàng thái hậu Elizabeth không bao giờ ngần ngại trao cho cháu trai những cái ôm ấm áp. Bà cũng thường khuyến khích Thái tử Charles chia sẻ kẹo với những đứa trẻ khác. Khi chơi trò chơi, hoàng thái hậu khuyên cháu trai nên chọn những người yếu thế để bảo vệ họ.
Bà ngoại cũng là người mở ra một thế giới âm nhạc và nghệ thuật mới mẻ cho Charles. "Bà là người đã dạy tôi cách nhìn nhận mọi thứ", thái tử nhớ lại.
Cô độc khi ở trường
5-8 tuổi, Thái tử Charles học tại nhà dưới sự giám sát của bà Catherine Peebles - người luôn cảm thông cho cậu bé luôn bất an và sợ hãi mỗi khi ai đó lớn tiếng.
Mong muốn làm hài lòng mọi người, Thái tử Charles luôn chăm chỉ học bài nhưng lại rất dễ bị phân tâm và hay mơ mộng. Mô tả về học trò của mình, bà Catherine nói Thái tử Charles là "người mơ mộng" và "hay suy nghĩ".
Cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill cũng đưa ra nhận xét tương tự khi gặp mặt Thái tử Charles. Ông nói: "Đứa bé còn quá nhỏ đế suy nghĩ nhiều như vậy".
Khi Charles đang trải qua những ngày tháng học tại nhà vui vẻ cùng những tập thơ hài hước thì Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip lại đưa ra một quyết định bất ngờ là gửi con trai đến trường học. Cặp đôi hoàng gia cho rằng con trai mình cần bầu bạn với những đứa trẻ đồng trang lứa.
Điều này khiến Thái tử Charles trở thành người thừa kế đầu tiên được học tập ở môi trường ngoài cung điện.
Thái tử Charles (ở giữa) đi dạo cùng bạn bè và hiệu trưởng trường Tiểu học Hill House, ảnh chụp vào năm 1957. Ảnh: Getty Images. |
Đầu năm 1957, Thái tử Charles được gửi đến trường Tiểu học Hill House ở phía tây London. Mong muốn con trở thành một đứa trẻ bình thường giống bạn bè, vợ chồng Nữ hoàng Anh cho con tự đi xe buýt đến sân chơi và tham gia việc quét lớp học. Tuy nhiên, Charles vẫn gặp khó khăn khi hòa nhập với những cậu bé khác trong trường.
Khi học ở trường Tiểu học Hill House, Thái tử Charles gặp khó khăn với Toán học, trong khi vẫn làm tốt ở các bài tập môn Đọc và Viết. Báo cáo học kỳ đầu tiên tại trường nêu rằng "Charles chỉ yêu thích vẽ và hội họa, đồng thời bộc lộ năng khiếu âm nhạc".
Học ở Hill House 6 tháng, Charles lại được cha chuyển đến trường dự bị Cheam School ở Hampshire. Đây cũng là nơi Hoàng thân Philip từng theo học từ năm 8 tuổi.
Vốn là một đứa trẻ nhạy cảm và dễ ngại ngùng, Thái tử Charles trở nên tổn thương nhiều hơn khi được chuyển đến trường mới. Thời điểm đó, Charles nhớ nhà và luôn khóc một mình. Ông cũng bị bạn bè trêu chọc vài lần vì đôi tai vểnh kỳ lạ và bị bạn gọi là "hoàng tử béo lùn".
Tháng 5/1957, Charles bị nhiễm trùng xoang mạn tính và phải nhập viện. Đến cuối năm, ông nằm liệt giường ở ký túc xá trường học vì mắc bệnh cúm châu Á. Khi đó, cha mẹ không hề đến thăm Charles.
Năm 12 tuổi, thái tử của Hoàng gia Anh mắc bệnh sởi. Cùng lúc đó, Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip đang có chuyến công du ở Ấn Độ nên không thể đến thăm và chăm sóc con trai.
Trong suốt 5 năm học tập ở Cheam School, Thái tử Charles không có bạn thân và khó duy trì những tình bạn lâu dài. Khi biết Hoàng thân Philip sẽ chuyển con trai đến Gordonstoun School ở phía đông bắc Scotland, Hoàng thái hậu đã khuyên vợ chồng nữ hoàng cho con theo học ở Eton College, một trường nội trú lâu đời gần Windsor.
Trong một bức thư gửi nữ hoàng vào tháng 5/1961, hoàng thái hậu đã mô tả Eton College là một nơi lý tưởng cho những học sinh có tính cách và lý tưởng giống Thái tử Charles. Bà cũng nhấn mạnh nhiều đứa trẻ hoàng gia cũng đang học tại đây, Charles sẽ dễ kết bạn và hòa nhập tốt hơn.
Tuy nhiên, Hoàng thân Philip vẫn giữ nguyên quan điểm và cho rằng Gordonstoun School sẽ là nơi tốt nhất để giáo dục con trai. Nữ hoàng Elizabeth II đồng tình với chồng.
Tìm thấy niềm vui khi ra nước ngoài
Thái tử Charles tiếp tục trải qua quãng thời gian không mấy dễ chịu khi học ở Gordonstoun School. Đến năm 17 tuổi, ông lại được cha đưa đến Timbertop Campus thuộc Geelong Grammar School (bang Victoria, Australia) với mong muốn con trai sẽ được rèn luyện để trở thành trụ cột vững chắc. Ngoài chuyến đi đến Libya vào năm 5 tuổi, đây là lần đầu tiên thái tử rời châu Âu.
Khi đến Australia, Thái tử Charles được David Checketts chăm sóc dưới chỉ đạo của Hoàng thân Philip. David là một người xuất thân từ tầng lớp trung lưu, 36 tuổi, từng phục vụ trong Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh. Phong thái bình dị và tính cách dễ chịu của David khiến Charles cảm thấy thoải mái.
Charles ở chung phòng với một người bạn cùng trường. Tại đây, ông được giải phóng khỏi những khuôn khổ của hoàng gia, không bị bó buộc bởi những nguyên tắc của tầng lớp quý tộc.
Lần đầu tiên trong đời, ông hiểu được thế nào là "cách mọi người nhìn bạn, cách mọi người suy nghĩ về bạn".
Bạn bè ở trường thường trêu chọc Thái tử Charles là Pommie (tiếng lóng của người Australia, nghĩa là dân nhập cư từ Anh). Bạn bè chỉ trêu chọc với hàm ý vui đùa nhẹ nhàng nên Charles không hề khó chịu với điều đó.
Trải qua hai học kỳ ở Timbertop Campus, Thái tử Charles được dạy mọi thứ, bao gồm những bài học về thể chất. Ông được tham gia những cuộc thám hiểm xuyên quốc gia trong cái nắng chói chang, vượt qua những đỉnh núi cao và dành nhiều đêm ngủ ngoài trời dù thời tiết lạnh cóng. Charles đã tự hào kể lại câu chuyện của mình trong những bức thư gửi về nhà.
Hình ảnh Thái tử Charles khi học ở Australia. Ảnh: Getty. |
Nhờ những trải nghiệm ở Timbertop, Thái tử Charles đã thể hiện được sự mạnh mẽ của bản thân và chứng minh cho cha thấy ông không phải là một kẻ yếu đuối.
"Tôi được trải nghiệm nhiều bài học thể chất hơn hồi học ở Gordonstoun, nhưng các hoạt động này đều rất tốt và tôi học được nhiều điều từ đó", thái tử chia sẻ.
Những ngày ở Timbertop, người thừa kế hoàng gia cũng trở nên mạnh dạn, cởi mở hơn. Ông bắt đầu học cách hòa vào đám đông và chủ động bắt chuyện với người khác.
"Tôi đã 'lao đến' và nói chuyện với mọi người. Điều này giúp tôi mở ra một cảm giác hoàn toàn khác. Từ đó, tôi có thể giao tiếp và trò chuyện với nhiều người hơn", Charles nhớ lại.
Tháng 7 năm 1966, Thái tử Charles rời khỏi Australia để trở về nước và tiếp tục học tập tại Gordonstoun School. Khi trở về, ông được phong làm Head Boy - lãnh đạo học sinh trong trường học.
Hoàn thành việc học ở Gordonstoun, Charles tham gia kỳ thi A-Level và đạt điểm B môn Lịch sử, điểm C môn tiếng Pháp rồi sau đó ghi danh vào ĐH Trinity ở Cambridge, Anh. Năm hai đại học, ông học Lịch sử và Ngôn ngữ Wales trong khoảng một kỳ tại ĐH Wales.
Tháng 6/1970, Thái tử Charles tốt nghiệp ĐH Cambridge với tấm bằng cử nhân Nghệ thuật. Đến tháng 8/1975, ông được trao bằng thạc sĩ Nghệ thuật tại ĐH Cambridge.