Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thời điểm bạn không nên uống cà phê

Cà phê giúp cơ thể tỉnh táo, tăng cường năng lượng. Tuy nhiên, uống cà phê trước bữa sáng, sau khi tập thể dục, thời điểm bị ốm hay mang thai sẽ không tốt cho sức khỏe.

Cà phê là đồ uống phổ biến được yêu thích hiện nay. Nó không chỉ thơm ngon mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như tăng cường năng lượng, duy trì sự tỉnh táo, hỗ trợ tiêu hóa, chống viêm.

Tuy nhiên, tiêu thụ nhiều đồ uống này trong thời điểm không phù hợp sẽ gây ra tác dụng phụ không mong muốn. Dưới đây là một số thời điểm bạn không nên uống cà phê.

Khi chưa ăn sáng

Theo Prevention, uống một ly cà phê lúc 6h khi chưa ăn không làm tăng mức năng lượng của bạn. Đó là bởi vì trong vài giờ đầu tiên sau khi thức dậy, mức độ hormone căng thẳng cortisol ở mức cao nhất, điều này thực sự giúp bạn tăng cường năng lượng tự nhiên.

Vì vậy, nhiều chuyên gia đồng ý rằng thời điểm tốt nhất để uống cốc đầu tiên là vào khoảng 10-12h sáng, khi mức cortisol bắt đầu giảm xuống. Bằng cách đó, bạn sẽ tận dụng được lượng cao tự nhiên của cơ thể và tiết kiệm lượng caffeine đó khi bạn thực sự cần.

Ngoài ra, cà phê có tính axit, uống khi đói có thể gây khó chịu. Nồng độ axit có thể không tốt với những người bị ợ chua, trào ngược, các vấn đề về tiêu hóa và thậm chí chỉ là đau bụng.

Thoi diem khong nen uong ca phe anh 1

Uống cà phê khi bụng đói có thể khiến dạ dày khó chịu do đồ uống này có tính axit cao. Ảnh: Dripdrop.

Khi bị ốm

Nhiều người bị ốm thường muốn uống một cốc cà phê để tỉnh táo, loại bỏ cảm giác uể oải. Tuy nhiên, thực tế cà phê không phải là lựa chọn tốt nếu bạn bị ốm vì nó sẽ làm bạn mất nước và có thể gây khó ngủ vào ban đêm. Ngoài ra, cà phê có thể làm cho dạ dày của bạn khó chịu, điều này khiến tình trạng buồn nôn hoặc nôn mửa mà bạn đang trải qua trở nên tồi tệ hơn.

Nước là thức uống tốt nhất khi bạn bị ốm. Nếu bạn muốn uống thứ gì khác, trà là lựa chọn tốt hơn cà phê. Trà có chứa chất chống oxy hóa và ít caffeine nên sẽ làm dịu cơn đau họng. Bạn có thể quay lại cà phê khi đã khỏe.

Sau khi say rượu

Một số người dựa vào cà phê để chữa khỏi cảm giác nôn nao do say rượu, nhưng có rất ít bằng chứng khoa học cho thấy điều này là đúng. Mặc dù uống cà phê có thể giúp giảm đau đầu do cai nghiện, nó cũng có thể làm cơn đau đầu trầm trọng hơn do thu hẹp mạch máu và tăng huyết áp.

Quan trọng nhất, caffeine sẽ không làm bạn tỉnh rượu. Nó có thể khiến bạn tỉnh táo hơn, nhưng bạn vẫn say, suy giảm khả năng phán đoán.

Nếu bạn cảm thấy nôn nao sau khi uống rượu, hãy uống nước thay vì cà phê. Nếu bạn phải uống cà phê để tỉnh táo, hãy chỉ uống một ít và tiếp tục chủ yếu uống nước.

Uống hàng ngày

Với những tín đồ của cà phê, thức uống này có thể trở thành thói quen mạnh mẽ đến mức nó dẫn đến nghiện. Do cà phê có chứa chất kích thích, việc uống hàng ngày có thể ảnh hưởng trực tiếp đến mức năng lượng bằng cách tăng hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Vấn đề là cơ thể chúng ta thích nghi với tác động của chúng và yêu cầu tăng liều lượng để có được hiệu quả tương tự, cuối cùng dẫn đến kiệt sức và mệt mỏi.

Vì vậy, bạn chỉ nên uống cà phê 4-5 ngày một tuần và thay thế đồ uống này bằng matcha hoặc trà xanh bất cứ khi nào có thể.

Khi bị căng thẳng

Nếu tâm trạng không tốt, một cốc cà phê có thể góp phần khiến ngày hôm đó của bạn thêm phần tồi tệ. Caffeine có khả năng tác động tiêu cực tới các tế bào thần kinh, kích thích sản sinh cortisol. Đây là hormone gây ra cảm giác mệt mỏi, buồn chán và uể oải trong suốt ngày dài.

Khi thiếu ngủ

Nhiều người cho rằng cà phê là giải pháp tự nhiên giúp cơ thể tỉnh táo hơn khi buồn ngủ. Tuy nhiên, caffeine lại không có tác dụng như vậy nếu bạn ngủ ít hơn 5 giờ mỗi ngày trong 3 đêm liên tục.

Thiếu ngủ gây suy giảm đáng kể trong hoạt động nhận thức và caffeine không thể cải thiện được tình trạng này dù uống nhiều.

Thoi diem khong nen uong ca phe anh 2

Uống cà phê không giúp ích gì khi bạn bị thiếu ngủ. Ảnh: Insider.

Sau khi tập thể dục

Bạn không nên uống cà phê ngay sau khi tập luyện. Nó có thể ngăn chặn sự thèm ăn và dẫn đến tình trạng thiếu nhiên liệu. Trong một số trường hợp, cà phê gây đau đầu do năng lượng sẵn có và mất nước.

Trong khi đó, sau khi tập thể dục, điều có thể cần là nhiên liệu hoặc hydrat hóa. Thức uống chứa nhiều caffein có tính lợi tiểu, điều đó có nghĩa khiến bạn đi vệ sinh nhiều hơn. Khi bạn vừa tập xong, cơ thể đang ở trong tình trạng mất nước nên điều này tất nhiên là không tốt.

Khi mang thai

Theo Mayo Clinic, có 2 lý do để giảm lượng cà phê khi bạn mang thai. Đầu tiên, caffeine sẽ làm tăng nhịp tim của thai nhi. Thứ hai, theo Đại học Sản phụ khoa (Mỹ), uống quá nhiều cà phê có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai hoặc sinh bé nhẹ cân. Trong khi đó, phụ nữ mang thai uống cà phê dễ bị căng thẳng, mất ngủ và ợ nóng.

Các chuyên gia khuyên bạn nên hạn chế lượng caffein tiêu thụ ở mức 200 miligam mỗi ngày trong thời kỳ mang thai. Con số này tương đương với 1-1,5 cốc cà phê mỗi ngày.

Trước khi đi ngủ

Cà phê sẽ giúp bạn tỉnh táo bằng cách làm tăng adrenaline, ngăn chặn adenosine và làm chậm quá trình tái hấp thu dopamine. Tất cả đều làm tăng sự tỉnh táo và giảm buồn ngủ. Tuy nhiên, caffeine không chỉ có tác dụng ngắn hạn đối với giấc ngủ. Các nhà nghiên cứu gần đây đã xác nhận rằng nó can thiệp vào đồng hồ sinh học của mọi người khi tiêu thụ một thời gian ngắn trước khi đi ngủ.

Vì vậy, uống cà phê vào buổi tối không phải là ý kiến ​​hay. Nói chung, bạn không nên tiêu thụ đồ uống chứa caffeine này trong vòng khoảng 6 giờ sau khi đi ngủ.

Cách giúp bạn thức dậy tỉnh táo không cần cà phê

Uống cà phê khiến bạn tỉnh táo nhưng cũng gây bồn chồn, hồi hộp, lo lắng. Một số thay đổi trong sinh hoạt có thể giúp bạn không cần phụ thuộc vào đồ uống này.

Phương Mai

Bạn có thể quan tâm