Con tôi mới 5 tháng tuổi. Thấy xung quanh nhiều người mắc sởi quá, tôi có nên đưa con đi tiêm phòng sớm?
Bác sĩ Hồ Thị Hồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đồng Nai
Hiện nay, bệnh sởi đang gia tăng tại nhiều nước trên thế giới và khu vực lân cận Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều trẻ em Việt vẫn chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm đủ mũi các vaccine trong những năm gần đây là yếu tố nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh, bao gồm bệnh sởi.
Thời tiết giao mùa với sự gia tăng giao lưu, du lịch, vì vậy bệnh rất dễ lây lan và gây dịch nếu không kịp thời thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Để chủ động phòng chống bệnh sởi, biện pháp tốt nhất là tiêm vaccine. Người dân cần chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm phòng sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi đến trạm y tế xã, phường để tiêm.
Chỉ 80-85% trẻ được tiêm một mũi vaccine sởi lúc 9-11 tháng tuổi đáp ứng miễn dịch. Tỷ lệ bảo vệ có thể nâng lên 90-95% nếu bé được tiêm mũi thứ hai lúc 18 tháng tuổi.
Sau khi được tiêm đủ 2 mũi vaccine theo lịch, trẻ có thể có miễn dịch suốt đời với bệnh. Trẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vaccine sởi cần tiêm phòng tại các điểm tiêm chủng dịch vụ. Nếu không tiêm, mọi người sẽ có nguy cơ rất cao mắc bệnh sởi bất kỳ lúc nào.
Trong quá trình nuôi con, cha mẹ không tránh khỏi lo lắng trước những hiện tượng liên quan đến sức khỏe của em bé. Trẻ có thể chảy nước mũi hay húng hắng ho khi chuyển mùa, sốt khi tiêm phòng, gặp vấn đề tiêu hóa…
Những lúc ấy, các bậc phụ huynh sẽ đưa con đến thẳng bệnh viện để nhờ bác sĩ thăm khám, nghe theo những phương thuốc dân gian hay quáng quàng lo lắng? Trẻ con đứa nào chẳng ốm, Để con được ốm hay Hỏi bác sĩ nhi đồng sẽ là cẩm nang chăm sóc sức khỏe cho trẻ, cung cấp kiến thức khoa học về chăm sóc sức khỏe trẻ em.