Chiều 10/1, tại buổi họp báo khởi động Chủ nhật Đỏ lần thứ XIV - năm 2022, TS.BS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, cho biết hiện nay, chúng ta có 9 loại vaccine phòng Covid-19. Mỗi loại đều có các khuyến cáo về thời gian có thể tham gia hiến máu khác nhau.
"Có loại vaccine sản xuất theo phương pháp truyền thống là 'bất hoạt' virus (sử dụng virus có vật chất di truyền đã bị phá hủy) thì sau tiêm một tháng, chúng ta mới có thể hiến máu. Các loại vaccine sản xuất bằng các phương pháp mới chỉ cần 1-2 tuần có thể tham gia hiến máu. Tuy nhiên, quan trọng nhất là thời điểm đi hiến máu, người hiến máu không có tác dụng phụ nào từ việc tiêm vaccine phòng Covid-19", TS Khánh nói.
Ông cũng lưu ý những người từng mắc Covid-19 chưa nên hiến máu. Họ cần ưu tiên nghỉ ngơi để lấy sức. Những trường hợp này có thể tham gia hiến máu sau 3-6 tháng.
Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cũng chia sẻ vào dịp Tết Nguyên đán, ngành y tế và người bệnh rất lo lắng về vấn đề thiếu máu. Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cần tối thiểu 50.000 đơn vị máu trong 2 tháng đầu năm.
"Với các lịch hiến máu đã có, chúng tôi vẫn còn thiếu 15.000 đơn vị máu và 2.000 đơn vị tiểu cầu, chưa kể tình trạng mất cân đối giữa các nhóm máu cũng có thể xảy ra (thiếu nhóm O và A)", TS Khánh chia sẻ.
TS.BS Bạch Quốc Khánh - Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Ảnh: T.H. |
Ngày 16/1, tại Học viện Cảnh sát Nhân dân (Hà Nội), Chủ nhật Đỏ lần thứ XIV - năm 2022 sẽ chính thức khai mạc. TS Khánh cho hay chương trình được tổ chức thường niên, chủ động trước dịp Tết để đề phòng tình trạng thiếu máu. Việc này rất cần thiết bởi trong tình hình hiện nay, chương trình hiến máu của các bệnh viện, địa phương có thể hoãn bất cứ khi nào bùng dịch.
"Với sự nỗ lực tích cực vận động hiến máu khắp các địa phương, Chủ nhật Đỏ giúp chúng tôi đảm bảo lượng máu cần thiết đến tháng 2", TS Khánh cho hay.
Năm nay, Chủ nhật Đỏ nhận được sự quan tâm của các bộ, ban, ngành, đặc biệt sự vào cuộc của hơn 40 tỉnh, thành phố, dự kiến tiếp nhận 45.000-50.000 đơn vị máu.
Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong, Trưởng ban tổ chức Chủ nhật Đỏ, cho hay dù chưa chính thức khai mạc, từ tháng 11/2021 đến nay, các điểm hiến máu của chương trình tại 14 địa phương đã tiếp nhận gần 9.000 đơn vị máu.
Ông Sơn cho biết yêu cầu phòng, chống dịch trong Chủ nhật Đỏ năm 2022 được đặt lên hàng đầu. Chương trình sẽ giảm quy mô, chia nhỏ sự kiện; đồng thời, thực hiện nghiêm quy tắc 5K của Bộ Y tế.
"Chúng tôi ưu tiên tổ chức tại những địa phương, địa điểm có nguy cơ lây lan thấp trước. Trước mỗi buổi hiến máu, chúng tôi đều có đội ngũ test nhanh để đảm bảo an toàn và không lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phân chi tiết số người đến theo các khung giờ khác nhau để không quá 30 người trong một thời điểm và địa điểm", ông Sơn cho hay.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.