Họ dường như chỉ nghĩ xem những hình ảnh kia sẽ nhận được phản ứng gì và không còn thực sự đắm mình trong âm nhạc. Hiện tượng kể trên thực tế đã phản ánh một sự thay đổi lớn của cả nghệ sĩ và khán giả trong thời đại của công nghệ số.
Luyến tiếc một thời say mê nhạc sống
Đầu năm nay, nhiều khán giả đã say xỉn và ồn ào trong nhạc hội Hopscoth diễn ra ở Raleigh, thủ phủ bang Bắc Carolina (Mỹ). Đây là điều vốn không lạ ở các nhạc hội.
Nhưng ca sĩ nhạc rock Mark Kozelek không nghĩ thế. “Các người, lũ khốn mọi rợ các người, hãy câm ngay cái mồm lại!” – nam ca sĩ khiến khán giả choáng váng với câu mắng này.
Kozelek nổi tiếng là một nghệ sĩ hay “bắt nạt” người hâm mộ. Sự kiện đã làm dấy lên cuộc tranh cãi quanh việc anh có phải "tên khốn" hay không khi văng ra những lời như thế. Tuy nhiên, nó cũng là dấu hiệu cho thấy đã có những sự thay đổi mạnh trong quan hệ giữa các nghệ sĩ rock và fan của họ.
Khán giả đồng loạt giơ điện thoại chụp ảnh, quay phim trong một buổi biểu diễn. |
Nhạc rock đã luôn đón nhận hoặc thậm chí đại diện cho sự ồn ào, nổi loạn vượt xa khỏi khuôn phép thông thường của xã hội. Nhưng cùng với các loại hình nghệ thuật cổ điển hơn như opera, giàn nhạc giao hưởng..., nhạc rock cũng đang bị tổn thương bởi một thế hệ khán giả của thời đại số, không thể nào sống thiếu những chiếc điện thoại thông minh.
Việc fan phải hành xử ra sao tại các buổi hòa nhạc sống đã trở thành đề tài gây tranh cãi lớn lâu nay. Thập niên 50, sự xuất hiện của Elvis Presley luôn khiến fan phấn khích, reo hò. Tuy nhiên, ban nhạc huyền thoại The Beatles lại từng phải hủy bỏ giữa chừng tour lưu diễn của họ, chỉ vì các khán giả nữ quá cuồng loạn.
Những năm 60, các nghệ sĩ như Bob Dylan đã khiến âm nhạc trở thành một dạng nghệ thuật chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc. Các bài hát không làm theo “công thức ăn khách” chung và mỗi bài đều có những đoạn thể hiện kỹ thuật điêu luyện, xứng đáng được thưởng thức kỹ lưỡng. Thời đó, các nhà tổ chức biểu diễn và nghệ sĩ còn có thói quen yêu cầu khán giả ngồi xuống, im lặng cảm nhận âm nhạc.
Tới thập niên 70 và 80, khi nhạc disco và punk thịnh hành, sự năng động của khán giả trở lại. Disco là nhạc để nhún nhảy, và punk tuyệt nhiên không dành cho những khán giả quá trầm lặng.
Trong vài thập kỷ trở lại đây, dòng nhạc rock dân gian đã lên ngôi và nghệ sĩ lại muốn khán giả quan tâm nghiêm túc tới nhạc của họ.
Khi khán giả trở nên thờ ơ
Nhưng chuyện “âm nhạc cần được chăm chú lắng nghe” đã nhạt nhòa trong thời đại của mạng xã hội. Ngày nay mối quan tâm chính của khán giả dường như chuyển sang hình ảnh của thần tượng và bản thân mình trong buổi biểu diễn đó.
“Bức tường” giữa nghệ sĩ và khán giả được dựng lên bằng những chiếc điện thoại di động, nhỏ bé nhưng kiên cố, bởi chúng thu hút quá nhiều sự chú ý của người dùng.
Cảnh tượng nghệ sĩ chơi nhạc trước một biển người lơ đãng, buôn chuyện, nhắn tin hoặc mải mê chụp ảnh quay phim đã trở nên ngày càng phổ biến. Gần đây, bắt đầu có vài tiếng nói yêu cầu sự tôn trọng từ phía nghệ sĩ.
Năm 2012, khi nam ca sĩ Neil Young (69 tuổi) phát hiện 2 khán giả nữ mải miết nhắn tin điện thoại, ông đã giễu nhại họ, bằng cách đưa tay lên giả vờ bấm một chiếc điện thoại vô hình. Ông làm việc này cho đến lúc 2 cô gái kia nhìn thấy, xấu hổ và bỏ ra về. Còn khi ban nhạc Iron Maiden thấy một khán giả nam làm điều tương tự, họ liền gọi anh này là “tên ngu đần”.
Hồi tháng 7 năm nay, nam ca sĩ Ray LaMontagne chửi thề và rời khỏi sân khấu do các khán giả ở hàng đầu nói chuyện quá ồn ào. “Muốn nói chuyện sao không về nhà mà nói?” – LaMontagne giải thích sau đó.
Nữ ca sĩ Kate Bush cũng từng lịch sự nhắc nhở khán giả: “Tôi muốn âm nhạc kết nối tất cả chúng ta, chứ không phải iPhone, iPad hay máy chụp ảnh”. Còn ban nhạc The Savages “lý luận” hơn: “Chúng tôi tin, việc quay phim chụp ảnh ngăn chúng ta đắm chìm trong cảm xúc của mình”. Ban nhạc Yeah Yeah Yeahs tỏ ra quyết liệt: “Vứt thứ khỉ gió đó ra đằng sau đi và hãy hướng mắt về phía Nick, Kate và Brian (các thành viên ban nhạc)”.
Các nghệ sĩ đã đúng ở một điều, đó là khi khán giả mải làm việc riêng, họ sẽ không dồn sự chú ý cao độ cho âm nhạc, “nhân vật chính” của buổi biểu diễn.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ lỗi chưa hẳn đã thuộc hoàn toàn về người hâm mộ. Hành động của họ chỉ xác nhận một xu hướng thời đại, trong đó người ta thích cập nhật thông tin, hình ảnh liên tục lên mạng xã hội. Nghiên cứu của MTV hồi năm 2013 chỉ ra, công chúng đòi hỏi rất cao về việc nghệ sĩ phải kết nối với họ qua mạng xã hội. Một ca sĩ khéo chiều người hâm mộ như Taylor Swift cũng chính là người có đĩa nhạc bán chạy nhất 12 năm qua (album 1989 mới ra mắt).
Và ngược lại, mong muốn của nghệ sĩ ở công chúng không còn chỉ là mua đĩa và mua vé xem biểu diễn nữa. Họ còn muốn fan xem video của mình trên YouTube để đạt số lượt xem lớn. Họ mong fan tải nhạc, bàn tán thật nhiều về mình trên mạng xã hội, để tên họ thành từ khóa nóng...
Nghệ sĩ và khán giả không thể thiếu nhau
Có thể thấy mối quan hệ giữa nghệ sĩ và khán giả đã thay đổi. Nghệ sĩ không còn toàn quyền điều khiển khán giả theo ý muốn. Khác với Mark Kozelek, người chửi khán giả ở đầu bài, một ca sĩ khác là Tom Krell nói rằng anh không dám "nhắc nhở" như vậy vì chưa đủ tầm danh tiếng.
Nhưng không có nghĩa là Krell không buồn: “Tôi chẳng biết có phải do khán giả quá yêu mình, hay họ không tôn trọng nghệ sĩ? Đôi khi đám đông đơn giản là chẳng thèm quan tâm. Nhưng tôi vẫn cố gắng cởi mở và thân thiện hơn với họ”.
Một buổi biểu diễn thành công rõ ràng là cần nỗ lực từ hai phía. Alex Tebeleff, thành viên ban nhạc Paperhaus, bày tỏ: “Một buổi biểu diễn nhạc sống luôn là hoạt động tương tác qua lại lẫn nhau. Cả ban nhạc và khán giả đều cần mang tới nhiệt huyết cùng sự văn minh để có một môi trường âm nhạc lành mạnh".