Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thói quen khiến da bạn bị nứt nẻ

Do khí hậu lạnh kết hợp độ ẩm thấp, làn da của chúng ta bị khô và gặp các vấn đề liên quan như viêm da cơ địa, vảy nến, gàu.

Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Nguyệt Minh, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm Lâm sàng, Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội), cho biết: "Da là bộ phận bên ngoài bảo vệ cơ thể. Độ ẩm và nước phụ thuộc rất nhiều vào làn da. Do đó, thời tiết hanh khô, chênh lệnh nhiệt độ sẽ khiến cơ thể mất nước nhanh hơn".

Bác sĩ này chia sẻ trong những ngày nhiệt độ thấp, tổng số bệnh nhân đến khám không tăng nhưng số người bị khô da lại chiếm tới 50%. Trong đó, đối tượng tới khám nhiều nhất là trẻ em dưới 5 tuổi, trẻ sơ sinh và người già trên 70 tuổi. Nhóm này thông thường đã có nguy cơ khô da cao. Vào mùa đông, tình hình trầm trọng hơn.

Tình trạng khô da đặc biệt khó chịu với trẻ em có làn da mỏng manh. Trong khi đó, người già có nồng độ nước trong da rất thấp khiến tình tình trạng nứt nẻ nặng hơn, thậm chí, gây khó ngủ.

Do đó, bác sĩ Nguyệt Minh khuyến cáo việc dưỡng ẩm cho da rất cần thiết. Tuy nhiên, người dân nên mua các sản phẩm dưỡng ẩm rõ nguồn gốc xuất xứ và được cấp phép.

Những người viêm da cơ địa cũng cần sự tư vấn của bác sĩ kỹ trước khi sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm. Nguyên nhân là một số sản phẩm dưỡng ẩm có thành phần không phù hợp và gây các tác dụng phụ. Mọi người cũng cần hiểu rằng đôi khi để đảm bảo an toàn, các loại dược mỹ phẩm bác sĩ kê sẽ không có mùi thơm.

Theo bác sĩ Minh, cách sử dụng dưỡng ẩm đơn giản, hiệu quả nhất là thoa kỹ, dày sau khi tắm xong và lau khô - thời điểm da có độ ẩm cao nhất. Lúc này, các hoạt chất dưỡng ẩm sẽ dễ thấm vào da nhất.

cach tri kho da anh 1

Thoa kem dưỡng ẩm sau khi tắm xong bằng một lớp dày là cách hiệu quả nhất. Ảnh minh họa: Medical News Today.

Bác sĩ này cho biết thời gian qua, Bệnh viện Da liệu Trung ương tiếp nhận nhiều trường hợp khô da, nứt nẻ bị bội nhiễm do điều trị sai cách. Phổ biến nhất là việc đắp lá, ngâm nước lá. Các bệnh nhân sau khi bị bội nhiễm, bắt đầu xuất hiện tình trạng chảy nước kèm nứt nẻ.

Sai lầm phổ biến của nhiều người là tắm nước quá nóng và rất kỹ trong mùa đông, làm mất đi các chất dưỡng ẩm và lipit tốt trên da. Thói quen này làm tăng mức độ khô da.

"Nhiều phụ nữ bị khô da và thấy xuất hiện nhiều gàu nên nghĩ mình có nhiều tế bào chết. Họ dùng nước hoa hồng hoặc các dung dịch khác để tẩy da chết. Tuy nhiên, sau lần tẩy đó, da có thể sẽ bị tổn thương và tình trạng khô trở nên trầm trọng hơn", bác sĩ Minh khuyến cáo.

Đặc biệt, việc sử dụng đèn sưởi, máy sưởi, điều hòa 2 chiều..., cũng có thể gây khô da vì nhiệt độ quá cao nếu không chú ý. Do đó, khi dùng đèn sưởi cho trẻ em, cha mẹ nên đặt chậu nước trong nhà để tạo độ ẩm và tránh đặt thiết bị này quá gần.

Ở một số vùng, người dân thường sử dụng củi đốt để sưởi ấm. Tuy nhiên, việc làm này khá nguy hiểm bởi gây khô da trầm trọng, thậm chí, mang đến nguy cơ ngạt khí hay cháy nổ khi đặt trong phòng kín.

7 loài hoa giúp làm đẹp da

Hoa không chỉ chữa lành và hồi phục làn da, chúng còn có công dụng dưỡng ẩm, làm giảm mụn trứng cá.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm