Theo The Guardian, Ủy ban Châu Âu (EC) kêu gọi chấm dứt thời trang nhanh vào năm 2030.
Vào ngày 30/3, EC công bố một đề xuất nhằm thúc đẩy tính bền vững của loạt sản phẩm tiêu dùng như quần áo, điện thoại và nội thất. Kế hoạch phản ánh nỗ lực của các nhà điều hành nhằm thúc đẩy hàng hóa tiêu dùng bền, dễ sửa chữa và tái chế hơn.
Ủy ban châu Âu kêu gọi chấm dứt thời trang nhanh. Ảnh: BBC News. |
Frans Timmermans, Ủy viên EU chịu trách nghiệm về môi trường, chia sẻ trong cuộc họp báo: "Chúng tôi muốn các sản phẩm bền vững trở thành tiêu chuẩn trên thị trường châu Âu. Các sản phẩm sử dụng hàng ngày phải tồn tại lâu dài. Nếu có món đồ bị hỏng, chúng ta có thể sửa chữa chúng. Quần áo mặc hàng ngày có thể dễ dàng tái chế".
Giám đốc điều hành EU muốn các công ty tiết lộ lượng hàng tồn kho gửi đến bãi rác. Hành động này như một phần của kế hoạch ngăn chặn văn hóa vứt bỏ sản phẩm.
Ủy viên môi trường EU, Virginijus Sinkevičius, cho biết ủy ban muốn thời trang nhanh không bị phụ thuộc vào các xu hướng. "Đến năm 2030, hàng dệt may được đưa vào thị trường châu Âu phải có tuổi thọ cao hoặc được làm từ chất liệu sợi tái chế", anh nói.
Vẫn chưa rõ các đề xuất này sẽ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp thời trang đến đâu. Hiện tại, các quyết định cụ thể vẫn chưa được đưa ra.
Các công ty phải tiết lộ số lượng hàng tồn kho được gửi đến bãi rác. Ảnh: Forbes. |
Trung bình mỗi năm, người châu Âu vứt bỏ 11 kg quần áo, giày dép và các loại hàng hóa bằng vải khác. Dệt may là ngành phát thải khí lớn thứ 4, sau thực phẩm, nhà và phương tiện giao thông. Đồng thời, ngành này tiêu thụ một lượng lớn nước và nguyên liệu thô.
Nếu các đề xuất này có hiệu lực, chúng có thể tác động lớn đến ngành thời trang trên toàn thế giới.