Vài năm trở lại đây, phim truyền hình Việt nhận được nhiều sự quan tâm từ khán giả vì nội dung gần gũi, hướng về tình cảm gia đình. Bên cạnh đó, yếu tố thời trang cũng được chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo tính thẩm mỹ cao cho phim. Về mặt này, Hàn Quốc có lẽ đã dẫn đầu khi Hallyu (làn sóng Hàn Quốc) rộ lên hơn một thập kỷ trước.
Dù những bộ quần áo xuất hiện trên phim Việt không đến từ những thương hiệu xa xỉ như phim ở xứ kim chi, tất cả được chọn lựa chỉn chu, phù hợp với phong cách cũng như tính cách nhân vật.
"Với diễn viên Việt, họ càng mượn được nhiều trang phục càng tốt bởi thương hiệu trong nước thường ít có sự đa dạng. Còn diễn viên quốc tế, họ có thể hợp tác độc quyền với một thương hiệu. Mua trực tiếp bởi diễn viên hoặc nhà sản xuất, mượn trực tiếp hoặc gián tiếp qua stylist và đặt hàng riêng nhà thiết kế, thương hiệu là 3 hình thức phổ biến ở Việt Nam", Phạm Thế Anh - người làm trong lĩnh vực truyền thông - chia sẻ với Zing.
Tính thời trang ngày càng được chú ý trong những bộ phim truyền hình Việt. Ảnh: NVCC. |
Yếu tố quyết định sức hấp dẫn của phim
Qua nhiều năm, khán giả cũng nhận ra họ thích xem những bộ phim có sự tham gia của diễn viên mang ngoại hình sáng hay ăn mặc đẹp. Thậm chí, họ thường có xu hướng áp dụng phong cách của nhân vật cho bản thân.
Thư (Bảo Thanh) trong Về nhà đi con, Châu (Hồng Diễm) của Hướng dương ngược nắng hay gần đây là Khánh Thy (Thu Quỳnh) trong Hương vị tình thân, Thủy (Thu Hoài) trong Mùa hoa tìm lại là những ví dụ điển hình. Những nhân vật này đại diện cho hình ảnh phụ nữ thời hiện đại, luôn ăn mặc chỉn chu và toát lên sự sang trọng.
Chưa bàn đến nội dung phim, họ đã phủ sóng trên các diễn đàn hay trang báo vì có tầm ảnh hưởng về phong cách đến khán giả. Diễn viên Hồng Diễm từng trở thành nguồn cảm hứng phối đồ công sở cá tính. Bảo Thanh xuất hiện với những bộ váy thanh lịch, Thu Quỳnh hay Thu Hoài lại cho thấy nét sang trọng. Nhìn chung, trang phục họ lựa chọn đảm bảo kín đáo, phù hợp với văn hóa đất nước.
Khúc Mạnh Quân - stylist gắn bó với nhiều diễn viên phim truyền hình - tâm sự với Zing: "Gần đây nhất, tôi hợp tác với Thu Hoài cho Mùa hoa tìm lại và nhận về nhiều phản ứng tích cực. Đại diện thương hiệu còn kể rằng nhiều khách hàng hỏi mua váy vợ anh Đồng mặc trong phim".
Lùi về vài năm trước, nhiều cô gái Việt tranh luận và tìm mua món đồ nhân vật thư ký Kim (Park Min Young) mặc trong phim. Cách cô phối đồ công sở chỉn chu, lịch sự, tôn dáng trở thành trào lưu của phái nữ vào năm 2018.
Thời trang là khía được nhắc đến nhiều nhất của phim Mine. Ảnh: tvN. |
Đến thời Hạ cánh nơi anh, các trang bán hàng online liên tục rao bán những món đồ có thiết kế tương tự trang phục Son Ye Jin diện. Chưa kể, vài bộ cánh xa xỉ cô mặc cũng được bán hết sạch.
Nói về sức ảnh hưởng của thời trang trong phim ảnh, Mine của Hàn Quốc cũng là tác phẩm không thể bỏ qua. Đến khi bộ phim kết thúc hồi tháng 6, nhiều bài báo quốc tế hay các tín đồ thời trang cũng chỉ liên tục khen ngợi, nhấn mạnh vào khía cạnh trang phục của mợ cả và mợ út.
Qua đây, có thể thấy gu ăn mặc của nhân vật ảnh hưởng lớn thế nào.
Cái bắt tay giúp đôi bên cùng có lợi
Hầu hết diễn viên Việt tự mua hay mượn trang phục nhờ mối quan hệ của mình. Nếu không có thời gian, họ sẽ tìm đến sự trợ giúp của stylist. Stylist nắm bắt được yêu cầu đạo diễn, hiểu tính cách nhân vật để liên hệ các thương hiệu mượn đồ cho phù hợp với từng phân cảnh.
Trong trường hợp này, stylist sẽ nhận được cát-xê riêng, thương hiệu có cơ hội quảng bá hình ảnh và diễn viên mặc nhiều trang phục để đóng phim. Dễ hiểu hơn, đổi lại cho việc mượn trang phục, diễn viên phải đăng bài cho thương hiệu. Ngược lại, thương hiệu dùng hình ảnh của diễn viên cho các kế hoạch truyền thông. Nếu ê-kíp phim hợp tác trực tiếp, cuối phim thường để tên nhà thiết kế, thương hiệu, địa chỉ để cảm ơn. Trong trường hợp diễn viên tự lo trang phục, điều trên không cần thiết.
Bên cạnh đó, cũng có vài trường hợp nhãn hàng chủ động liên hệ riêng với diễn viên để hợp tác.
Kể từ giữa những năm 2010, các thương hiệu quốc tế đã bắt đầu tận dụng bộ phim truyền hình Hàn Quốc để tiếp cận nhiều đối tượng khán giả. "Nếu muốn vươn ra thế giới và tiếp cận những người chi nhiều tiền, phim truyền hình đóng vai trò mạnh mẽ hơn so với truyền thông xã hội", Stephanie Kim - giám đốc toàn cầu của Roger Vivier tại Hàn - từng xác nhận.
Son Ye Jin khiến nhiều món đồ cháy hàng khi đóng Hạ cánh nơi anh. Ảnh: tvN. |
Hàn Quốc là một trong những quốc gia có lượng khách mua hàng hiệu nhiều nhất châu Á. Các hãng thời trang xa xỉ thường dành vài suất đại diện thương hiệu cho các nghệ sĩ xứ kim chi với mục đích tăng danh tiếng và kích cầu sản phẩm. Tài trợ váy áo cho diễn viên đóng phim cũng là cách mang lại hiệu quả tương tự.
Thực tế, việc mượn được nhiều hàng hiệu cao cấp và các mẫu thiết kế mới nhất hay không thường phụ thuộc vào danh tiếng của diễn viên. Nếu người mượn là những minh tinh hàng đầu như Song Hye Kyo, Kim Tae Hee, Son Ye Jin, thương hiệu không cần suy nghĩ nhiều.
Ngoài ra, mối quan hệ trong nghề của stylist cũng là yếu tố quan trọng trong việc mượn quần áo của thương hiệu lớn. Thông thường, stylist là người đứng ra đảm bảo với nhãn hàng để mượn miễn phí phục trang. Nhờ vậy, diễn viên Hàn Quốc không cần tốn quá nhiều tiền cho phần phục trang nhưng vẫn có được ngoại hình chỉn chu, sang trọng khi lên hình.
Sau phim công chiếu, không ít người hâm mộ sẵn sàng bỏ ra khoản tiền lớn để được mặc bộ váy đẹp hoặc xách chiếc túi như thần tượng. Ngoài ra, việc lăng xê hiệu quả một vài mẫu trang phục qua tác phẩm truyền hình cũng có thể giúp nữ diễn viên Hàn được các nhà mốt chú ý.
Khi thời trang khiến phim Hàn bớt thực tế
Trong phim Việt, khán giả thường thấy các diễn viên mặc lại trang phục của mình. Điều này tạo cảm giác gần gũi, chân thật hơn khi xem bởi ít ai mặc một bộ đồ rồi "bỏ xó".
Phương Oanh tự tìm trang phục bình dân để phù hợp với nhân vật. Ảnh: VTV. |
Tuy nhiên, với vài phim Hàn Quốc nổi tiếng những năm gần đây, nhân vật thậm chí không mặc một bộ đồ đến lần thứ hai, dù họ có đóng vai nghèo khổ hay giàu sang. Điều này vô tình khiến phim nhận về nhiều bình luận trái chiều. Tháng này, Teen Vogue đăng bài Liệu phim có còn thú vị khi sản phẩm xa xỉ ở khắp mọi nơi. Trong khi đó, tờ Jing Daily có bài Đừng làm hỏng bộ phim như lời cảnh báo đến sự hợp tác của thương hiệu và nhà sản xuất.
Điểm nghịch lý này có thể thấy được qua phim Start-Up. Han Ji Pyeong (Kim Seon Ho) là nhân vật kiếm được nhiều tiền và anh đã thể hiện rất tốt khi khoác lên mình trang phục của Fendi hay Golden Goose.
Nhân vật Ji Pyeong mang giày Golden Goose. Ảnh: NF. |
Trong khi đó, nhân vật chính Seo Dal Mi do Suzy thủ vai là cô sinh viên bỏ học đại học, phải làm công việc bán thời gian để tồn tại, có mơ ước trở thành CEO. Trong tập đầu tiên, Dal Mi đã đeo chiếc túi Lanvin được bán với giá 2.000 USD. Trong các tập tiếp theo, mỗi chiếc túi cô mang theo đều có giá bán lẻ hơn 1.000 USD. Chúng bao gồm chiếc túi đeo vai Loewe, túi tote của Salvatore Ferragamo và Lady Dior mang tính biểu tượng.
Về nam chính Do San (Nam Joo Hyuk), anh là thần đồng toán học nhưng gia đình cũng chẳng thuộc hàng khá giả. Do San và những người bạn phải vật lộn để thanh toán các hóa đơn cho căn phòng nhỏ. Như vậy, nhiều khán giả tự hỏi liệu việc Do San mặc áo len của Isabel Marant và AMI Paris trong vài tập đầu tiên có hợp lý?
Dal Mi là cô gái nghèo nhưng lại xách túi Lady Dior. Ảnh: NF. |
Việc mặc váy áo đắt đỏ trong mọi hoàn cảnh, kể cả khi đóng vai nghèo của diễn viên Hàn cho thấy lỗi của tai nạn nghề nghiệp. Đây là kết quả của mối quan hệ cùng có lợi giữa giới giải trí và ngành thời trang. Dù phi thực tế, ảnh hưởng về thời trang của các bộ phim Hàn đến khán giả là không thể phủ nhận.
Biên tập viên của Teen Vogue cũng phải đưa ra kết luận: "Cuối cùng, liệu một sản phẩm xa xỉ có thể khiến chúng ta ngừng xem phim truyền hình Hàn Quốc? Câu trả lời là không".