Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ đoạn 'kê giá' thiết bị điện của đại gia Huỳnh Tuấn Ân

Ông Huỳnh Tuấn Ân (Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tuấn Ân) bị cáo buộc chỉ đạo việc để ngoài sổ sách kế toán thuế hơn 544 tỷ đồng lợi nhuận trong giai đoạn 2018-2023, gây thiệt hại hơn 156 tỷ đồng tiền thuế.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an mới ban hành kết luận điều tra vụ sai phạm xảy ra tại Công ty Điện lực Bình Thuận và các đơn vị liên quan, đề nghị truy tố bị 26 bị can về 5 tội danh.

Trong đó, CQĐT xác định ông Huỳnh Tuấn Ân đã đưa hối lộ 9,4 tỷ đồng cho 2 cựu giám đốc Điện lực Bình Thuận và một số cá nhân khác để được tạo điều kiện trúng 26 gói thầu, gây thiệt hại cho nhà nước gần 50 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ông Ân còn bị xác định đã chỉ đạo việc để ngoài sổ sách kế toán thuế hơn 544 tỷ đồng lợi nhuận trong giai đoạn 2018-2023, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 156 tỷ đồng tiền thuế.

Huynh Tuan An,  Tap doan Tuan An,  Dien luc Binh Thuan,  Tuan An Long An,  Cy dien Tuan An anh 1

Bị can Huỳnh Tuấn Ân. Ảnh: Bộ Công an.

Theo kết luận điều tra, Tập đoàn Tuấn Ân gồm 26 công ty thành viên, hoạt động theo chuỗi sản xuất, phân phối, kinh doanh.

Công ty Tuấn Ân Long An, Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân là các thành viên thuộc Tập đoàn Tuấn Ân. Quá trình đấu thầu, cung cấp hàng hóa cho các EVN, ông Ân chỉ đạo các công ty thành viên thực hiện phương thức, thủ đoạn nâng giá như sau:

Giá vốn các mặt hàng được ấn định cộng thêm 10% lợi nhuận.

Cụ thể, trước khi bán cho Điện lực Bình Thuận và các khách hàng khác, Công ty Tuấn Ân Long An phải bán qua đại lý của Tập đoàn Tuấn Ân và được kê giá tiếp 20-40%. Sau đó, đại lý bán cho Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân bằng giá mua của Công ty Tuấn Ân Long An, Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân bán cho Điện lực Bình Thuận theo giá trúng thầu.

Từ việc kê giá theo thủ đoạn nêu trên, Tập đoàn Tuấn Ân thu khoản lợi nhuận rất cao đối với các mặt hàng do Tuấn Ân sản xuất (trung bình hơn 40%, riêng 26 gói thầu tại Điện lực Bình Thuận, lợi nhuận 45%).

Nếu hạch toán đầy đủ vào sổ kế toán thuế, Tập đoàn Tuấn Ân sẽ chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp rất lớn. Vì vậy, để che giấu lợi nhuận thực tế, ông Ân tự thiết lập phần mềm kế toán nội bộ gồm 7 file Excel chạy song song với phần mềm kế toán Misa (phần mềm báo cáo thuế).

Trong đó, sổ kế toán phản ánh doanh thu, chi phí, lợi nhuận theo hóa đơn phát sinh với giá trị trên hàng hóa là giá trị đã được kê giá từ giá vốn sản xuất; sổ kế toán nội bộ phản ánh trung thực doanh thu, chi phí lợi nhuận (sổ này thể hiện giá vốn được là giá sản xuất tại nhà máy, không kê giá).

Kết luận điều tra chỉ ra rằng, ông Huỳnh Tuấn Ân chỉ đạo cấp dưới mua 1.163 hóa đơn khống của 11 công ty cung cấp nguyên liệu sản xuất để hợp thức việc kê giá với chi phí mua hóa đơn là hơn 32 tỷ đồng. Đồng thời, ông Ân chỉ đạo các nhân sự quản lý ở Tập đoàn, Kế toán trưởng ở 26 công ty thành viên hạch toán 2 hệ thống sổ kế toán với mục đích mua khống nguyên liệu đầu vào để tăng chi phí, giảm thuế phải nộp.

Trong đó, sổ kế toán thuế hạch toán trên phần mềm kế toán Misa để báo cáo cơ quan thuế là sổ kế toán được lập, hạch toán đầy đủ về hình thức theo quy định. Nhưng thực tế, các bị can sử dụng 1.163 hóa đơn để tăng chi phí đầu vào, giảm lợi nhuận, giảm thuế phải nộp.

Toàn bộ lợi nhuận nội bộ của các Công ty được chuyển về Công ty Tuấn Ân Long An, sau đó hợp thức bằng việc cho vay nội bộ, trả tiền vay của cán bộ công nhân viên khi tăng vốn điều lệ, mua nguyên vật liệu, thanh toán các hợp đồng tư vấn... để rút ra nhập quỹ Tập đoàn Tuấn Ân.

Sách về Pháp luật

Cuốn sách "Luật Đất đai" năm 2024 gồm 16 chương với 260 điều, được chuẩn bị trên cơ sở kết quả tổng kết đánh giá thực tiễn quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2013, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế phù hợp; đồng thời đã thể chế hóa đầy đủ quan điểm, định hướng đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.

https://vietnamnet.vn/thu-doan-ke-gia-hon-40-thiet-bi-dien-cua-dai-gia-huynh-tuan-an-2393147.html

T.Nhung/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm