Hua từng làm việc cho một công ty giao thực phẩm và một quán karaoke ở tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc. Anh sang Campuchia với niềm tin có thể nhận công việc chăm sóc khách hàng với mức lương 4.000-5.000 USD.
Nam thanh niên 29 tuổi tìm thấy thông báo tuyển dụng trên mạng xã hội WeChat, và người nghe cuộc gọi của anh đã nói ra những lời rất thuyết phục. Ngay sau đó, anh bắt xe khách tới khu tự trị Quảng Tây rồi cùng với 6 người khác trải qua hành trình dài để tới biên giới Campuchia, vượt qua đường mòn để tránh lực lượng biên phòng.
“Công việc ấy có vẻ rất thật. Nhưng khi tôi tới Sihanoukville, tôi cảm thấy thất vọng vì nó khác với hình dung của tôi”, Hua hồi tưởng.
Ngủ, ăn và làm việc
Vào ngày thứ hai từ khi tới Campuchia, công dân Trung Quốc mang họ Hua bắt đầu nhận ra anh đã trở thành một “tù nhân”. Chúng đưa anh tới một nơi thuộc tỉnh duyên hải Preah Sihanouk, nhưng anh không thấy biển. Anh đoán khoảng 1.000 người trong khu phức hợp với tường bao quanh. Hai tòa nhà chiếm phần lớn diện tích khu phức hợp. Ngoài ra Hua không thấy thứ gì khác.
Người giám sát đưa cho Hua một điện thoại di động, chỉ anh tới một máy tính và bảo anh tải một ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc. Mỗi ngày, anh phải kết bạn với các phụ nữ Trung Quốc, chiếm lòng tin của họ và dụ dỗ họ đầu tư tiền ảo Bitcoin.
Cứ vài ngày một lần, các giám sát viên tổ chức họp để đánh giá hiệu suất làm việc. Chúng thưởng cho những người kiếm ra tiền, cho phép họ làm việc muộn hơn, và đánh những người mà chúng cảm thấy không hài lòng.
“Suốt ngày chúng tôi chỉ ngủ, ăn và làm việc”, anh kể với Nikkei.
Sau khi làm việc không lương trong một tháng, Hua quyết định trả tiền để đổi lấy tự do. Khoản tiền chuộc thân của anh là 15.000 USD.
“Bọn bắt cóc tính toán mọi thứ - chi phí đi lại bên trong và bên ngoài Trung Quốc, tiền thuê phòng ở, các bữa ăn, chi phí vượt biên giới. Chúng tính cả những thứ tôi sử dụng như điện thoại di động, máy tính, ghế. Gia đình tôi phải thế chấp nhà để vay ngân hàng, đồng thời vay tiền từ họ hàng để lo đủ số tiền chuộc. Chúng cử một người tới quê tôi để lấy tiền”, Hua kể.
Cảnh sát bắt một nghi phạm mang quốc tịch Trung Quốc để điều tra một vụ bắn người trong thành phố. Ảnh: The Khmer Times. |
Bọn tội phạm thường xuyên đánh và tra tấn các nạn nhân. Đôi khi chúng quay phim cảnh tra tấn và gửi video tới người thân của nạn nhân để đòi tiền chuộc. Theo những người đã thoát khỏi Campuchia, bọn tội phạm đã giết một số nạn nhân và báo cáo nhà chức trách rằng họ tự sát.
Các “công ty” của bọn tội phạm thường xuyên mua, bán các nạn nhân với giá từ 8.000 USD. Giá phụ thuộc vào khả năng tài chính của gia đình nạn nhân.
Bắt cóc, giam giữ
Hầu hết kẻ cầm đầu các nhóm tội phạm là người Trung Quốc, song một số nhóm lại bao gồm công dân từ một số nước Đông Nam Á.
Xác định quy mô của hoạt động lừa đảo trực tuyến ở Campuchia là việc rất khó. Từ năm 2020, cảnh sát Trung Quốc đã bắt hơn 130.000 người liên quan tới 24.000 trường hợp đánh bạc xuyên biên giới qua Internet. Tuy nhiên, theo nhật báo Pháp luật của Trung Quốc, con số này không phản ánh thực chất tội ác của các mạng lưới tội phạm.
Đại sứ quán Trung Quốc và Việt Nam ở Campuchia từng cảnh báo người dân về hiểm họa từ những nhóm buôn người với chiêu lừa tuyển dụng ứng viên làm “việc nhẹ lương cao”. Hồi tháng 1/2021, giới chức Trung Quốc kêu gọi người dân ký hợp đồng lao động chính thức trước khi sang Campuchia để làm việc.
“Nếu không cẩn thận, thứ chờ đón các bạn không phải là lương cao, mà là việc bắt cóc, giam giữ trái phép tại các hang ổ cờ bạc trực tuyến”, Đại sứ quán Trung Quốc ở Campuchia nhấn mạnh.
Sự phối hợp giữa Trung Quốc và Campuchia
Hồi tháng 6/2021, Trung Quốc và Campuchia đã thành lập lực lượng phối hợp để trấn áp các hoạt động bắt cóc, tống tiền, chơi bạc trực tuyến và lừa đảo.
Wu Jianmin, người chỉ huy lực lượng phối hợp của hai nước, cảnh báo rằng họ sẽ bắt và dẫn độ tội phạm Trung Quốc dù chúng đã có quốc tịch Campuchia.
Trong vòng 18 tháng tính tới tháng 9/2021, ít nhất 468 người Trung Quốc đại lục và 37 người từ đảo Đài Loan (Trung Quốc), 83 người từ các nước khác đã nhận quốc tịch Campuchia, theo thống kê của trang Cambodia China Times.
“Việc trở thành công dân Campuchia sẽ không giúp chúng thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật”, ông Wu tuyên bố trong một cuộc họp báo trực tuyến với sự tham gia của ông Neth Savoeun, người đứng đầu lực lượng cảnh sát Campuchia, và ông Wang Xiaohong, Thứ trưởng Công an Trung Quốc.
Hình phạt nghiêm khắc sẽ chờ đón những tội phạm bị dẫn độ về Trung Quốc. Hồi tháng 8/2021, một phiên tòa ở Thượng Hải phạt 2 người đàn ông 14 và 15 năm tù do họ tham gia các mạng lưới lừa đảo ở Sihanoukville và Indonesia, theo nhật báo Nhân dân của Trung Quốc.