Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra, đề nghị VKSND Tối cao truy tố 34 bị can trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới; Sản xuất hàng giả; buôn lậu; Nhận hối lộ, liên quan sai phạm tại Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House).
Trong vụ án này, bị can Trịnh Tiến Dũng (49 tuổi) được xác định là chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo và điều hành toàn bộ đường dây phạm tội. Dũng và 16 đồng phạm bị truy tố về cùng tội Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Tuy nhiên, bị can Dũng đang bỏ trốn, Cơ quan điều tra đã tách hành vi của Dũng thành vụ án khác, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Các bị can từ trái sang phải: Nguyễn Vũ Bảo Hoàng; Nguyễn Ngọc Trường Chinh; Nguyễn Thị Bích Ngọc; Quan Minh Tuấn; Nguyễn Văn Lành. Ảnh: Bộ Công an. |
Theo kết luận, Trịnh Tiến Dũng đã chỉ đạo thành lập nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam và nước ngoài để lập hồ sơ, xuất nhập khẩu hàng hóa. Tại Mỹ, Campuchia, Hong Kong, Malaysia và UAE, Dũng đã thành lập, sử dụng 13 pháp nhân để ký các hợp đồng xuất nhập khẩu, giao nhận hàng hóa... nhằm ký các hợp đồng xuất nhập khẩu với các công ty trong nước để làm khống hóa đơn giá trị gia tăng, chiếm đoạt tiền của Nhà nước trên 365 tỷ đồng, đồng thời chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại.
Cụ thể, từ năm 2019 đến năm 2020, để chuyển tiền trái phép từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam, Dũng đã chỉ đạo thuộc cấp làm giả Ram, Chip, CD Rom và DVD Rom chứa phần mềm Adobe giả.
Sau đó, Dũng chỉ đạo thuộc cấp thành lập 18 công ty "ma", làm thủ tục xuất khẩu CD Rom chứa phần mềm Rom Adobe giả để chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài. Dũng cũng chỉ đạo Trần Hoàn Tiên, Trần Nhất Thanh, Lê Thị Diệu Quỳnh... thành lập các nhóm chat trên phần mềm What'sapp để trao đổi, thống nhất việc chuyển tiền.
Cơ quan điều tra xác định nhóm của Dũng đã ký 105 hợp đồng giả với 7 công ty của Dũng tại Mỹ, Campuchia và Hong Kong để chuyển trái phép hơn 51 triệu USD, tương đương hơn 1.205 tỷ đồng từ Việt Nam ra nước ngoài.
Quá trình điều tra, nhà chức trách đã làm rõ được hơn 48 triệu USD dòng tiền ở nước ngoài, còn lại hơn 3,3 triệu USD chuyển đi năm 2019 không thu được dữ liệu để làm rõ.
Ngoài ra, Trịnh Tiến Dũng chỉ đạo 14 công ty ở Việt Nam làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa gồm Ram, Chip, tranh gỗ cho 6 công ty của Dũng ở Mỹ và Campuchia chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam với mục đích để tạo dòng tiền cho các công ty trong và ngoài nước, thu phí dịch vụ từ 0,8% đến 1,2% trên số tiền cần chuyển, mua hàng ở nước ngoài, đầu tư bất động sản ở Việt Nam, chi tiêu cá nhân... Bằng phương thức trên, nhóm này đã chuyển trái phép 22,7 triệu USD, tương đương 528 tỷ đồng về Việt Nam.