Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thư gửi Bộ trưởng giáo dục... vài chục năm sau

Lúc ấy, có thể tôi đã về với ông bà. Tôi thủ trước lá thư này, để ngài bộ trưởng khi ấy, nếu có ghé mắt đọc qua thì các nhà giáo tụi tôi cũng mãn nguyện - dù chẳng biết có tác dụng gì không.

Trước hết, ngài phải bảo thầy cô không dạy học trò nói dối và cấm ngặt không cho trẻ nói dối. Vì tôi thấy thời của tôi, trò nói dối ghê quá. Thử hỏi bọn nó “nếu đi trên đường lượm được tiền, em xử lý thế nào, đứa nào cũng trả lời tỉnh bơ: em sẽ trả lại người mất (!?)”. Thử hỏi câu khác “nếu em mới ăn hết nửa ổ bánh mì thì trống vào lớp, em sẽ tính sao?” đứa nào cũng trả lời: “em sẽ cất đi, ra chơi, ăn tiếp (!?)”...

Kế đến, ngài đừng bảo thầy cô đánh giá trò bằng cách cho kiểm tra. Bởi kiểm tra ưa đi kèm với “quay cóp”, “phao phiếc”, tốt nhất là vấn đáp. Đối khẩu là cách tốt nhất để con người tỏa sáng trí tuệ và cũng là cơ sở để con người “lòi” ra cái dốt! Thời của tôi, thấy nhiều ông nọ bà kia phát biểu cứ kè kè tờ giấy. Mất “bài” là họ “tắt đài”, thật tội nghiệp!

Tiếp theo, ngài đừng bắt thầy cô hội họp quá nhiều, chỉ khi nào không họp thì không thể làm việc được mới phải họp. Chứ  với nhà giáo chúng tôi, việc họp quá nhàm chán. Nội dung các cuộc họp cứ lặp đi lặp lại, nghe cho đỡ buồn lỗ tai, xong, chẳng ai nhớ họp cái gì! Ngài cũng đừng bắt thầy cô làm các hồ sơ mà không ai muốn đọc, kể cả ngài. Đó là cái nạn phô-tô sáng kiến kinh nghiệm. Đó là những văn bản “biết rồi, khổ lắm!”.

Sau cùng là chế độ lương bổng. Một thầy cô dạy giỏi (là thầy cô phải được phụ huynh, học sinh, đồng nghiệp công nhận, chứ không chỉ Ban giám khảo trong ngành công nhận) phải được hưởng số tiền xứng đáng mà mọi người phải… nể. Chớ thời của tôi chế độ thưởng kì cục lắm. Một giáo viên giỏi tỉnh thua cực xa một cầu thủ đá một quả bóng vào gôn đối phương hay một cô có nụ cười đẹp trong cuộc  thi hoa hậu. Còn lương  bình thường của thầy cô cũng phải cao hơn anh thợ gạch hoặc phải hơn thu nhập chị bán thịt heo ngoài chợ. Có thế, giáo dục mới đúng là “Quốc sách”.


Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm