Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Truy tìm bài toán rợn người

Bài toán “Em có 5 ngón tay, em chặt bớt 2 ngón, hỏi còn mấy ngón?” lưu truyền trên mạng xã hội lâu nay vừa được biên tập viên đài truyền hình quốc gia chất vấn bộ trưởng Bộ GD - ĐT.

Trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời của Đài truyền hình Việt Nam phát sóng tối 24/11, ngay phần mở đầu, biên tập viên Lê Bình đã đưa nội dung bức thư của một phụ huynh lớp 1 bày tỏ sự phẫn nộ đối với bài toán: “Nam năm nay 4 tuổi, bố Nam gấp 3 lần tuổi của Nam. Hỏi bố Nam năm nay bao nhiêu tuổi?” và bài toán khác rất ghê rợn: “Em có 5 ngón tay, em chặt bớt 2 ngón, hỏi còn mấy ngón?”.

Vẫn chưa biết nguồn gốc của bài toán tính tuổi
Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: “Những tài liệu này do những người viết không đủ kiến thức về khoa học giáo dục, kiến thức về thực tiễn, thiếu trách nhiệm được nhà xuất bản (NXB), nhà in xuất bản, chạy theo đồng tiền đơn thuần đã đưa ra thị trường, xâm nhập vào hệ thống nhà trường”.

Mạo danh NXB Trẻ

Trong tập sách Phép cộng trừ phạm vi 100, trang 11 có in bài toán “Hai bàn tay em có 10 ngón, do đùa nghịch dao, nên bị cụt mất đi 2 ngón tay. Hỏi em còn lại mấy ngón tay?”. Cuốn sách có tên tác giả Hoàng Long, in logo NXB Trẻ, khung lưu chiểu ghi thời điểm cấp phép tháng 7/2002.

NXB Trẻ sau khi nhận thông tin về cuốn sách đã kiểm tra hồ sơ giấy phép lưu trữ và phát hiện mã số giấy phép xuất bản ghi trên tập sách trên thực chất cấp cho một đầu sách khác. Giấy phép thuộc loại kế hoạch B - tức được cấp cho đối tác có liên kết thực hiện sách. Lúc ấy, đại diện NXB Trẻ đã khẳng định “cuốn sách trên đã mạo danh NXB Trẻ”.

Tuy nhiên tới nay, câu chuyện truy tìm trách nhiệm về tập sách trên vẫn đang để ngỏ. Dù bài toán “cụt hai ngón tay” được lưu truyền trên mạng suốt hơn một năm qua nhưng với trách nhiệm của mình, Bộ GD - ĐT cũng không kiểm tra tìm hiểu để làm rõ tập sách trên đã được sử dụng trong các nhà trường hay chưa hoặc có khuyến cáo cần thiết đối với các cơ sở giáo dục và phụ huynh.

Chiều 25/11, ông Nguyễn Minh Nhựt, giám đốc NXB Trẻ, nhấn mạnh: “Từ thông tin phản ảnh của độc giả, hồi đó NXB Trẻ đã đi tìm và mua được nó ngay trong một nhà sách ở TP.HCM. Đã xác định rõ có ai đó mạo danh NXB Trẻ để in cuốn sách này.

Đáng lẽ chúng tôi sẽ đi kiện đơn vị đã mạo danh mình, gây ảnh hưởng xấu đến thương hiệu của NXB Trẻ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do chúng tôi đã không làm điều đó mà thông báo trên các phương tiện truyền thông rằng đây không phải sách của NXB Trẻ”.

Bìa cuốn sách có bài toán rợn người ở trang 11 - Ảnh: L.Điền.
Có không chuyện “tính tuổi bố, mẹ Nam”?
Nguyên văn bài toán tính tuổi bố, mẹ Nam được đăng tải trên mạng xã hội không hoàn toàn giống như phản ảnh trong chương trình trên mà có nội dung như sau: “Hiện nay Nam 4 tuổi, tuổi của bố Nam gấp bốn lần tuổi Nam. Tuổi của mẹ Nam gấp ba lần tuổi Nam. Hỏi bố Nam bao nhiêu tuổi? Mẹ Nam bao nhiêu tuổi?”.
Tuy nhiên, tới thời điểm bộ trưởng trả lời trên truyền hình và khẳng định những bài toán được phụ huynh phản ảnh là do “tài liệu do người viết không đủ kiến thức...” thì nhiều người vẫn mù mờ không biết bài toán trên có trong sách, tài liệu nào? Phụ huynh phản ảnh ở trường nào? Đã có cơ sở giáo dục nào sử dụng bài toán này để dạy cho học sinh chưa?
Trong trường hợp chưa xác minh được nguồn gốc thì việc hỏi và trả lời trên sóng truyền hình quốc gia khiến nhiều người băn khoăn vì biết đâu dư luận đang bị cuốn theo một chuyện không có thật được tung lên mạng xã hội.

Với việc chưa xác minh được nguồn gốc bài toán nhưng bộ trưởng đã khẳng định như trên, liệu đã thẳng thắn và trả lời hết trách nhiệm chưa? Rõ ràng đây là việc cần xác minh, nếu cá nhân thầy, cô giáo, nhà trường vi phạm thì ngành GD - ĐT phải có trách nhiệm xử lý.

Dựng hàng rào kỹ thuật
“Có thể nói đây là biểu hiện tác động tiêu cực của kinh tế thị trường vào giáo dục. Những tài liệu được lưu hành chính thống trong nhà trường không có sai sót như thế. Những tài liệu này do những người viết không đủ kiến thức về khoa học giáo dục, kiến thức về thực tiễn, thiếu trách nhiệm được nhà xuất bản, nhà in chạy theo đồng tiền đơn thuần đưa ra thị trường, xâm nhập ở mức độ nhất định vào hệ thống nhà trường.

Thấy được thực tiễn này, Bộ GD - ĐT đã chủ động triển khai biên soạn và ban hành văn bản quy phạm kỹ thuật để dựng lên hàng rào kỹ thuật trước cổng trường nhằm đưa tài liệu tham khảo vào nhà trường với liều lượng thích hợp, chặn đứng những tài liệu, cuốn sách phản giáo dục, không khoa học, không phù hợp với thực tiễn.

Điều này giúp nhà trường có cơ chế lựa chọn sách, tài liệu phù hợp, ngăn chặn tài liệu không tốt. Đồng thời chúng tôi cùng với Bộ Thông tin và truyền thông ban hành thông tư liên tịch nhằm xác định trách nhiệm của nhà xuất bản trong việc phát hành những tài liệu liên quan đến giáo dục ngoài thị trường - khu vực chúng tôi không có thẩm quyền quản lý trực tiếp” - trích trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời của Đài truyền hình VN tối 24/11.

Biên tập viên Lê Bình chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận - Ảnh lấy từ clip chương trình 'Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời'.

GS Nguyễn Minh Thuyết: Phải xác minh nguồn gốc

Xung quanh ồn ào về những đề toán phi lý, kinh dị được đăng trên mạng xã hội và được Đài truyền hình VN mang chất vấn bộ trưởng Bộ GD-ĐT, GS Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ quan điểm: “Khi có thông tin về hiện tượng bất bình thường nào đó trong lĩnh vực giáo dục, tôi nghĩ trách nhiệm của thanh tra giáo dục là phải đi tìm hiểu, xác minh có hay không chuyện bất thường đó trong hệ thống giáo dục. Việc xác minh này có thể cho kết quả thông tin đang được lan truyền là bịa đặt hay có thật, liên quan tới cá nhân, đơn vị nào, nó được lưu hành trong nhà trường hay chỉ ở ngoài xã hội”.

- Nhân câu chuyện này, ông có nhận xét như thế nào về việc sử dụng sách, tài liệu tham khảo trong các trường hiện nay. Trong tình trạng nhiều NXB hiện nay cùng phát hành sách tham khảo, cần có giải pháp gì để ngăn ngừa những sách độc hại, phản giáo dục vào các trường?

- Hiện nay NXB nào cũng có thể in sách tham khảo, trong khi đó việc thẩm định lỏng lẻo. Bộ GD - ĐT đã có quy định trong việc quản lý sách tham khảo trong nhà trường, nhưng tôi cho rằng chế tài chưa nghiêm nên tình trạng loạn tài liệu, sách tham khảo ngay trong các trường vẫn chưa chấm dứt.

Ngoài việc tăng cường nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo nhà trường, thầy cô giáo trực tiếp dạy học trong việc thanh lọc tài liệu, sách tham khảo phù hợp, có tính giáo dục đối với học sinh, chế tài đối với trường hợp sai phạm phải được tăng mức và thực hiện nghiêm chỉnh. Có một cách để giảm bớt tình trạng loạn sách tham khảo, sử dụng tài liệu dạy học tùy tiện trong nhà trường, đó là Bộ GD-ĐT cần có hội đồng thẩm định sách tham khảo. Những sách tham khảo được thẩm định mới được phép đưa vào nhà trường. Tôi nghĩ việc này không khó, chỉ có điều Bộ GD-ĐT có quyết tâm làm không thôi.

Trách nhiệm của giáo viên

Cô Thiều Thị Hồng Nhung (giáo viên dạy lớp 1 Trường tiểu học quốc tế Thăng Long Hà Nội): "Ngoài bài tập trong sách giáo khoa, tôi vẫn tự biên soạn những phiếu bài tập cho học sinh làm định kỳ trên lớp. Những bài tập được đưa vào thường tôi phải kiểm tra kỹ, xem cách giải, đáp án, chứ không chỉ làm công việc copy và paste từ một tài liệu tham khảo nào đó. Làm sao để những bài tập biên soạn phải phù hợp với đối tượng học sinh, kiểm tra được kiến thức các em đã học và đặc biệt là không phản giáo dục. Trường hợp bài toán “nghịch dao bị cụt hai ngón tay”, nếu là giáo viên có trình độ bình thường, nghiêm túc sẽ không bao giờ sử dụng để ra bài cho học sinh.

Còn bài tìm tuổi bố Nam, mẹ Nam, đây là bài toán có phép tính bình thường, không sai. Nhưng nếu có trường hợp giáo viên ra bài như thế này thật, có lẽ giáo viên đó đã không kiểm tra kết quả để thấy sự bất hợp lý. Trong quá trình biên soạn bài tập cho học sinh, tôi cũng gặp những bài quá khó, khó hiểu hoặc vô lý, thường tôi bỏ qua những bài đó để tìm những bài hợp lý hơn. Tôi nghĩ việc chọn tài liệu, biên soạn hệ thống bài tập như thế nào cho học sinh trước hết là trách nhiệm của giáo viên".

Cô Lương Thị Thọ (nguyên hiệu phó Trường tiểu học Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội): "Nếu giả sử trong một cuốn sách có những bài toán như dư luận đang bàn luận, không phải do giáo viên, mà do người khác biên soạn thì tôi nghĩ không cần đến lượt tôi mà giáo viên xem xong có quyền gạch bỏ. Họ cũng nghĩ ngay đó là nhầm, họ sẽ thay thế bằng đề khác. Nếu rơi vào trường hợp là tôi khi đọc được đề toán này, trước tiên tôi sẽ cười, sau đó tôi sẽ xóa đi, thay nó bằng câu khác, từ khác. Đây là phản ứng tự nhiên của mỗi giáo viên. Còn nếu giáo viên nào không mạnh dạn, họ có thể đưa lên lãnh đạo.

Khi còn làm lãnh đạo Trường Quang Trung, chúng tôi từng phản đối một cách ra đề toán: “Em có 5 cái kẹo, bạn trông thấy giật mất 2 cái kẹo...”. Từ “giật” đã thấy không nhân văn rồi, phải là “cho”, hoặc “chia” cho bạn. Nhận thức việc bất hợp lý này, chúng tôi đã sửa lại bài toán. Hay có những bài văn yêu cầu tả con trâu, con lợn, không phù hợp với học sinh thành phố, chúng tôi khi trao đổi chuyên môn cũng thống nhất sửa thành tả con chó, con mèo".

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm