“Sáng 28/4, bố nhận quyết định ở lại cơ quan lâu dài để điều trị bệnh nhân thở máy. Buổi chiều, bố về nhà lấy tư trang và vật dụng cá nhân, chỉ kịp nhìn con một chút, thơm vào bàn tay nhỏ xíu rồi phải đi ngay", là những dòng mở đầu trong bức thư gửi con trai mới sinh của bác sỹ Phạm Thanh Bằng, 31 tuổi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Chia sẻ với Zing, bác sĩ Bằng cho biết lần đầu làm bố, anh rất muốn ở bên cạnh, nhìn con lớn lên mỗi ngày. Thế nhưng, vì công việc, đặc biệt là có rất nhiều bệnh nhân Covid-19 đang chờ điều trị, anh chấp nhận xa con.
"Hơn một tháng chống dịch, công việc cuốn đi, bố hầu như không ý thức về thời gian. Động lực để bố làm việc là sự sống của các bệnh nhân và đôi mắt to tròn, bờ môi chúm chím của con nhìn bố", anh viết.
Bác sĩ Bằng (mũ vàng bên trái) cùng các đồng nghiệp điều trị cho bệnh nhân Covid-19. |
Theo lời bác sĩ, đây là lần thứ 7 anh tham gia cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19. Đợt dịch này, anh thực hiện nhiệm vụ từ ngày 28/4. Khi đó, con trai anh mới sinh được một tuần.
Trong ngày Tết thiếu nhi đầu tiên của con, anh cũng không thể bên cạnh. Anh chỉ có thể gửi cho con món quà là những cuốn sách - do nhóm thiện nguyện gửi tặng con của các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch.
Do cùng làm việc tại bệnh viện, hai vợ chồng phải chia nhau, chồng đi làm thì vợ ở nhà và ngược lại. Có khi cả tháng, họ không gặp nhau, không có bữa cơm sum họp.
"Có lẽ con thấy bố mẹ vất vả nên ngoan hơn, không quấy khóc nhiều", người bố trẻ chia sẻ.
Anh Bằng kể công việc tại bệnh viện bình thường đã rất nhiều, nay còn tăng cao hơn khi dịch bệnh bùng phát.
Mỗi ngày, anh phải mặc quần áo bảo hộ 8 tiếng liên tục. Nếu trực đêm, anh phải mặc đồ bảo hộ cả ngày. Vào những ngày nắng nóng, mồ hôi đổ như tắm, y bác sĩ thường xuyên bị khó thở, mất sức rất nhanh. May mắn, do từ nhỏ sống ở vùng khí hậu nóng, mặc đồ bảo hộ cả ngày, anh không bị sốc nhiệt hay nổi ban đỏ như một số y bác sĩ khác.
Ngoài ra, "chiến sĩ áo trắng" còn kể cho con trai về những ngày chiến đấu, giành giật lại sự sống cho các bệnh nhân Covid-19 từ tay “thần chết".
“Bố đã chứng kiến những bệnh nhân cao tuổi nhiều bệnh nền, rồi cả các cô chuẩn bị sinh em bé nhưng không may bị nhiễm bệnh… Khi đó, khoảnh khắc giữa sự sống và cái chết của họ rất mong manh. Thế nhưng, họ luôn cố gắng chống chọi với bệnh tật".
Rồi có một thai phụ, khi nhập viện sức khỏe rất yếu, nhưng nhờ được điều trị kịp thời, cô ấy không phải đặt nội khí quản, tránh nguy cơ sảy thai.
Thậm chí, có gia đình ba, bốn người đều vào viện, cả vợ chồng cùng suy hô hấp, tiến triển nặng, phải sử dụng máy thở, có người ung thư, điều trị rất lâu... Tuy nhiên, gần 40 người bệnh đã cơ bản bình phục.
Bên cạnh đó, bác sĩ Bằng cho biết còn nhiều đồng nghiệp, gia đình vất vả hơn nên có khó khăn đến đâu, anh cũng chịu đựng được. "Người lính tuyến đầu chống dịch" mong sẽ cứu được nhiều bệnh nhân Covid-19, giúp họ nhanh chóng bình phục.
Thông qua bức thư, anh mong con khi trưởng thành hiểu được công việc chống dịch của bố mẹ.
Cuối thư, bác sĩ Bằng viết: "Thời điểm này, dịch bệnh đã bắt đầu tạm lắng. Mong rằng, bố sẽ được về với con sớm. Hẹn khi hết dịch, bố sẽ đưa con đi chơi".