Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội đã thông báo thí sinh đạt điểm cao nhất trong 4 kỳ thi đánh giá năng lực gần nhất. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Cụ thể, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội, thông tin 4 đợt thi đánh giá năng lực đầu tiên ghi nhận mức điểm trung bình là 75,2/150; trung vị là 75,0/150; độ lệch chuẩn 13,7. Thí sinh đạt điểm cao nhất 129/150, thấp nhất 31/150.
So với cùng kỳ năm 2022, ông Thảo đánh giá mức điểm trung bình nêu trên đã giảm 2,4 điểm. Phổ điểm ổn định theo từng đợt thi, số thí sinh đạt từ 100 điểm trở lên chiếm 4,4%.
Phổ điểm các đợt thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội vào tháng 3 và 4/2023. |
Ông Thảo cho biết thêm việc thống kê điểm thi các đợt diễn ra trong tháng 3 và 4/2023 là để các đơn vị đào tạo, thí sinh xây dựng phương án xét tuyển, ứng tuyển phù hợp với năng lực, chuyên môn và định hướng nghề nghiệp. Phổ điểm thi của các đợt thi tháng 5 và 6 sẽ công bố sau ngày 5/6.
Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội cũng thông tin có 30 thí sinh vi phạm kỷ luật sau 4 đợt thi. Hầu hết thí sinh này bị đình chỉ thi do sử dụng atlat Địa lý Việt Nam có ghi các công thức, ký hiệu thêm, chép đề thi…; một số thí sinh cố tình tiết lộ một phần dữ liệu câu hỏi thi sau khi kết thúc đợt thi cũng bị phát hiện và hủy kết quả thi.
Theo quy chế thi đánh giá năng lực học sinh THPT của ĐH Quốc gia Hà Nội thí sinh có các vật dụng không được mang vào phòng thi, thí sinh sao chép, tiết lộ một phần câu hỏi, dữ kiện của đề thi trong quá trình làm bài hoặc sau khi kết thúc đợt đều bị đình chỉ thi, hủy kết quả bài thi và dừng phục vụ các đợt thi còn lại.
Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết năm nay, trường triển khai sử dụng thiết bị dò quét kim loại, truyền tin trước khi thí sinh vào khu vực thi nhằm ngăn thí sinh mang điện thoại vào phòng thi.
ĐH Quốc gia Hà Nội cũng có quy chế phối hợp với Bộ Công an trong đó bao gồm hạng mục về bảo vệ an toàn kỳ thi đánh giá năng lực học sinh THPT. Vì vậy, với cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm, trường đều tập hợp thông tin, hồ sơ chuyển cho đơn vị chức năng xử lý thời gian tới.
Hiện tại, theo thống kê của Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội, 74 đại học tuyên bố sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT của trường để xét tuyển.
Sách về nghề giáo
Nếu độc giả có hứng thú với nghề giáo - một nghề nghiệp đặc biệt và đang trải qua những biến động lớn, mục Giáo dục giới thiệu một số lựa chọn:
Xin được nói thẳng (GS Hoàng Tụy) và Ước vọng cho học đường (GS Huỳnh Như Phương): Cuốn sách của hai nhà giáo tiên phong tại Việt Nam với nhiều suy nghĩ và những trăn trở của hai ông về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Nghề giáo qua các tác phẩm thiếu nhi nổi tiếng: Tình thầy trò trong các tác phẩm văn chương nổi tiếng khiến độc giả cảm động bởi các nhân vật đã làm được những việc lớn lao, vượt xa chức trách của một giáo viên.