Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ khoa đại học 2004 giờ ra sao?

Cô là thủ khoa đầu vào, ra trường cũng trong top 3% điểm cao. Khi được nhận học bổng tiến sĩ thì cô bỏ ngang để về nước làm và bán mắm. Mọi người gọi cô là “Nữ hoàng mắm".

“Nữ hoàng mắm” hay “Hằng mắm ruốc” là cái tên thân thương khi nói về Đào Thị Hằng (29 tuổi, quê H.Triệu Phong, Quảng Trị). Sinh ra trong gia đình nghèo khó, có 7 anh chị em, Hằng là chị cả. Như bao cô cậu học trò nghèo khác, Hằng nỗ lực vào đại học như là con đường thoát nghèo, để có tương lai tốt hơn cho bản thân và gia đình.

Thủ khoa từng rớt đại học

Nhà Hằng rất nghèo. Gia đình làm nghề chài lưới trên sông Thạch Hãn. Mùa hè cô đem tôm cá lên vùng núi đổi lấy sắn, khoai, lúa gạo… Thời gian còn lại Hằng chăm đàn heo, đan lưới, quán xuyến việc nhà và chăm em để ba mẹ đi làm. Học hết cấp 3, Hằng thi vào ngành Nuôi trồng thủy sản của ĐH Nha Trang.

“Tôi gắn bó với cá tôm từ nhỏ, nên muốn sống lâu với ngành này”, cô nói. Nhưng ngày nhận điểm thi, cô rất buồn với tin rớt đại học. Cô nghĩ rằng “cánh cửa đại học thế là đóng lại”.

Đào Thị Hằng từng một lần rớt đại học.

 

Thủ khoa hai đại học năm 1991: Ngày ấy - bây giờ

Đỗ đầu hai trường danh tiếng, chọn học Bách khoa, chỉ tốt nghiệp với tấm bằng trung bình khá nhưng vẫn trở thành CEO là câu chuyện của thủ khoa Phạm Minh Tuấn.

Hằng trở lại công việc thường ngày, xin đi làm thêm ở lò gạch. Cô gái định bụng tích góp kiếm tiền rồi học cắt tóc. Giữa trưa hè, cái nóng rát của gió Lào thổi hầm hập trong lò gạch khiến cô đuối sức. Đây sẽ là tương lai của mình sao? Cô tự hỏi và trả lời: “Không”. Và Hằng quyết định ôn thi lại.

Ở lần thứ 2 thi, Hằng chọn ngành Khoa học cây trồng, ĐH Nông lâm Huế. Với điểm số 26, cánh cửa ĐH không chỉ mở toang mà Hằng còn là thủ khoa của trường. “Ngoài nỗ lực của bản thân ra, tôi được thầy giáo giỏi giúp đỡ”, cô nói về lý do đậu thủ khoa.

Thời sinh viên, cô gái quê Quảng Trị vẫn giữ bản tính cần cù, chịu khó, ngoài thời gian học và tham gia các hoạt động ở trường, Hằng làm gia sư môn Toán. Nhờ học tốt nên ngoài học bổng hàng kỳ ở trường, Hằng còn nhận học bổng từ các tổ chức bên ngoài. Cô tốt nghiệp với điểm số cao, nằm trong top 3% của trường.

Từ chối học tiến sĩ để về nước làm mắm

Từ thời sinh viên, Hằng đã luôn mong ước được đi du học. Vừa tốt nghiệp cô đã khăn gói vào Đà Nẵng tìm việc làm thêm và học tiếp ngoại ngữ để có thể xin được học bổng du học. Những nỗ lực, may mắn cùng với kinh nghiệm làm việc giúp Hằng vượt qua 1.000 hồ sơ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương để trở thành một trong 20 học sinh Việt Nam nhận học bổng Năng lực lãnh đạo trị giá 112.000 USD của Bộ Ngoại giao Úc.

Cô theo học thạc sĩ về Phát triển bền vững, khác hoàn toàn với tấm bằng kỹ sư nông nghiệp trước đó. “Sẽ có rất nhiều ngã rẽ trong quá trình học và làm việc do đó không nên nghĩ rằng học một ngành là phải gắn bó với nó suốt đời, cứ theo đuổi điều mình yêu thích, cơ hội sẽ đến”, Hằng chia sẻ.

Con đường học vấn đang rộng mở thì Hằng quyết định về nước.
Con đường học vấn đang rộng mở thì Hằng quyết định về nước.

Cô học 2 năm ở đại học Adelaide. Vừa hoàn thành luận án, một suất học bổng tiến sĩ đang chờ cô. Con đường học vấn đang rộng mở thì Hằng quyết định về nước phát triển thương hiệu mắm truyền thống. Để có sự chọn lựa ấy, Hằng đã trăn trở rất nhiều.

Trước thời điểm du học, Hằng có tham gia dự án giúp người dân ở Quảng Trị tăng khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu. Những ngày tìm hiểu, cùng ăn, ngủ chung và lắng nghe tâm sự người dân nghèo về cảnh đời cơ cực khiến Hằng dự định phải làm cái gì đó để giúp họ.

Cô cũng đặt câu hỏi tại sao nước ta có lịch sử làm mắm cả ngàn năm nhưng những kinh nghiệm đó không được tiếp nối. “Những mất mát đó chúng ta không thể thấy, nhưng khi nó mất đi, chúng ta không thể khôi phục lại được nữa”, Hằng chia sẻ. Vì vậy, khi quay về nước cô quyết tâm khôi phục lại nghề mắm truyền thống mà đã từng ấp ủ khi còn đi du học.

Hằng giải thích về mục đích việc học: “Mình nghĩ mục đích của việc học là để giải quyết các vấn đề của bản thân, gia đình, xã hội. Học những cái mình cần và phục vụ cho mục đích của mình. Và quá trình học không nhất thiết phải ngồi trên ghế nhà trường. Danh hiệu tiến sĩ rất tốt nhưng làm những việc có ý nghĩa là mục tiêu của mình”.

Mắm Thuyền Nan

Ngày còn bé, sau khi ba đánh được cá, mẹ Hằng lấy một phần để làm nước mắm, mắm dưa cà, làm tôm chua, để dành ăn suốt mùa đông. Cô đúc kết: “Mắm gắn kết từ những ngày thơ ấu và nuôi bảy chị em mình khôn lớn, khỏe mạnh nên mình rất thương mắm”.

Khi chia sẻ ý tưởng của mình, Hằng gặp sự phản đối mạnh mẽ. Ba mẹ thì mong con gái có công việc ổn định rồi lo việc gia đình. "Có người thì cho rằng chính phủ Úc cấp học bổng tiền tỷ đi học giờ về đi làm mắm, là một sự đầu tư uổng phí. Nhưng mình vẫn tin vào những việc đang làm là đúng ”, Hằng nhớ lại.

Cô dành nhiều thời gian để tìm hiểu về phương thức làm mắm truyền thống.
Cô dành nhiều thời gian để tìm hiểu về phương thức làm mắm truyền thống.

 

13 nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia giờ ra sao?

Chương trình Đường lên đỉnh Olympia đã ghi danh 13 gương mặt xuất sắc giành vòng nguyệt quế. Hiện tại, họ đều đạt được những thành công nhất định trong cuộc sống.

Đầu năm 2013, khi về nước, Hằng dành 5 tháng lặn lội khắp các làng chài miền Trung. Cô vào từng căn bếp tìm những lu, những hũ mắm. Cô gái được người dân tận tình chỉ bảo kinh nghiệm làm mắm ruốc, nước mắm và ở lại hàng tuần, cùng xắn tay làm mắm với họ. “Những kiến thức đã học được cùng kinh nghiệm của người dân đã giúp ích mình rất nhiều trong công việc này”, Hằng cho biết.

Rồi cô tìm hiểu cách tiếp thị, đóng gói sản phẩm, thiết lập đường dây vận chuyển hàng, hạch toán chi phí... Những hũ mắm đầu tiên xuất ra thị trường được khách hàng phấn khởi đón nhận. Họ thích thú vì tìm được hương vị nước mắm và ruốc truyền thống. Những lô hàng được bán đều đặn đã giúp nhiều gia đình ở quê cô có thu nhập tốt.

Cô đặt tên thương hiệu mắm của mình là Thuyền Nan. Hằng giải thích: “Thuyền nan là hình ảnh truyền thống của những ngư dân và có ý nghĩa đặc biệt với bản thân, gia đình mình”.

Đặc trưng của mắm Thuyền Nan là sản xuất theo phương pháp truyền thống, do cô tự làm và đặt hàng từ những người nông dân. “Tôi nghĩ là rất khó để cạnh tranh với các sản phẩm mắm công nghiệp nên chọn hướng đi riêng là tập trung vào nhóm khách hàng yêu thích hương vị mắm truyền thống, một thời gắn bó với tuổi thơ của mỗi người”, Hằng nói.

Như Quỳnh

Bạn có thể quan tâm